Tình yêu đặc biệt của cặp vợ chồng lính chì, mỗi người có một chân ở Hà Nội

02/12/2021 12:00
Tình yêu đặc biệt của cặp vợ chồng lính chì, mỗi người có một chân ở Hà Nội

Thu mất chân trái vì tai nạn, Bảo mất chân phải vì bệnh tật, họ gắn lấy đời nhau, bước đi với đôi chân khiếm khuyết nhưng một trái tim đủ đầy tình yêu.

Thu thức dậy lúc 6 giờ sáng trong căn phòng trọ rộng 30m2 ở Cầu Giấy (Hà nội) khi hai cha con Bảo vẫn còn đang say giấc. Cô khẽ luồn người ra khỏi chăn để không gây tiếng động, sau đó bước xuống giường, dùng chiếc chân duy nhất của mình để di chuyển bằng cách nhảy cò cò quanh phòng.

Đang đi, Thu va phải túi bánh đa vỡ tan cái "rộp", cô giật mình quay lại xem con có tỉnh giấc không, miệng vẫn không quên lẩm bẩm: "Thế là mất toi túi hàng chuẩn bị giao cho khách".

Tình yêu đặc biệt của cặp vợ chồng lính chì, mỗi người có một chân ở Hà Nội - 1

Từ ngày công việc kế toán bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thu bán thêm đủ thứ hàng hóa đặc sản Bắc Giang để kiếm thêm thu nhập. Chồng cô, anh Đoàn Ngọc Bảo (28 tuổi) từ một video editor (người dựng video) nay kiêm thêm cả nghề shipper cho vợ.

Bảo đi ship bằng một chân trên chiếc xe máy ba bánh tự chế. Cũng giống như vợ mình, anh là người khuyết tật mất chân trái.

Hai vợ chồng được ví như một gia đình lính chì bởi cả hai đều có những khiếm khuyết trên cơ thể. Họ gặp nhau, từ hai mảnh ghép không hoàn hảo tạo thành một bức tranh đẹp về tình yêu và nghị lực sống phi thường.

Tình yêu đặc biệt của cặp vợ chồng lính chì, mỗi người có một chân ở Hà Nội - 2

"Phải mất hai tiếng người ta mới lôi được chiếc máy xúc ra khỏi người Thu. Họ nói con tôi chết chắc rồi, nó vẫn tỉnh táo mà không hề ngất đi. Vợ chồng tôi bất lực đứng nhìn con đau đớn, cảm giác không thể nào diễn tả được bằng lời.

Tôi đã ước giá người mất chân là tôi chứ không phải con gái mình", ông Nguyễn Văn Lượng, bố đẻ Thu nói giọng nghẹn ngào khi nhớ lại tai nạn năm xưa của con gái mình.

Nguyễn Thị Lệ Thu (28 tuổi, quê ở Hiệp Hòa, Bắc Giang) được biết đến là cô gái má lúm từng gây chú ý khi lọt Top 10 cuộc thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết năm 2019. Thu sinh ra với một cơ thể khỏe mạnh, nhưng năm lên 10 tuổi một tai nạn đã cướp mất chân phải của cô.

Tình yêu đặc biệt của cặp vợ chồng lính chì, mỗi người có một chân ở Hà Nội - 3

Thời gian đầu khi phải chật vật thích nghi với cơ thể mới, gia đình trở thành điểm tựa duy nhất của Thu. Cô mất gần 3 năm để tập đi lại như một đứa trẻ lên hai, cô bò, lết trên mặt đất, sau đó là những cú ngã đau điếng người để đứng lên và giữ thăng bằng. 

"Hồi đó tôi 10 - 13 tuổi, ngã thì tôi biết đau, đau thì tôi khóc nhưng tôi chưa bao giờ thấy mặc cảm hay tổn thương gì về tinh thần. Giờ nghĩ lại, đôi khi tôi thấy cũng "may" vì bị mất chân khi chưa kịp ý thức gì về cuộc đời" - Thu cười.

Năm 2016, Lệ Thu tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi, cô trở thành nhân viên kế toán của một công ty xe máy ở Hà Nội.

Dù chỗ làm không có chế độ cho người khuyết tật, Thu vẫn vui vì hàng ngày được tự đi làm trên chiếc xe ba bánh và được coi như một người bình thường làm công ăn lương, có thể kiếm tiền từ chính khả năng của bản thân chứ không phải từ sự ưu ái với đôi chân chỉ còn một chiếc. Cô chỉ mong có vậy.

Tình yêu đặc biệt của cặp vợ chồng lính chì, mỗi người có một chân ở Hà Nội - 4

Cuộc sống của Thu cứ bình thản trôi qua như thế, cho đến ngày cô biết yêu.

Thu sở hữu vóc dáng nhỏ bé với cơ thể chỉ còn một chân, nhưng bù lại, cô được ông trời ban cho khuôn mặt rạng rỡ và nụ cười tươi lúc nào chực chờ nở trên môi. Nhờ tính tình hoạt bát và tinh thần lạc quan từ nhỏ, Thu khiến cho khiếm khuyết của mình bị lu mờ bởi năng lượng tích cực mà cô tỏa ra. Đó cũng là lý do cô luôn trở thành tâm điểm và được nhiều chàng trai theo đuổi.

Thu yêu và trải qua một vài mối tình với những người mà cô gọi là "người bình thường" bởi họ không có những khiếm khuyết trên cơ thể như cô. Song dù họ là ai, ở đâu và yêu cô như thế nào, tất cả đều kết thúc bằng sự chia ly bởi một lý do mà cô không có quyền lựa chọn. 

Vào khoảnh khắc Thu nhận ra đôi chân của mình trở thành nguyên nhân khiến cô không thể tìm được hạnh phúc, Thu đã nghĩ mình sẽ thôi đặt "ngôi sao hy vọng" vào tình yêu.

Thu bảo: "Tôi không còn là đứa trẻ 10 tuổi để tin rằng chân mình sẽ mọc lại, sự mất mát này sẽ còn mãi ở đó, tôi chỉ biết cố gắng để hoàn thiện bản thân nhưng người khác có lựa chọn tôi không lại là quyền của họ, tôi không thể ép".

Thế mà tình yêu lại đến vào một ngày bình thường nhất, ngày Thu gặp Bảo.

Bảo hơn Thu một tuổi, cũng là người khuyết tật bị mất chân trái chín năm trước do bệnh phù chân voi. Khác với Thu, việc bị cắt bỏ một chân như sự giải thoát với Bảo sau hàng chục năm chiến đấu với những đau đớn bẩm sinh. 

Bất chấp cơ thể không lành lặn, Bảo tham gia chạy bộ, leo núi, trượt patin… Năm 2015, anh là đại diện Việt Nam dự Thế vận hội mùa đông tại Hàn Quốc, bộ môn trượt tuyết. 

Cả hai tình cờ biết nhau qua mạng xã hội, âm thầm theo dõi mọi hoạt động của nhau. Khi tìm hiểu nhiều hơn về Bảo, Thu càng thêm ấn tượng vì những việc anh có thể làm, đặc biệt qua video nhảy lò cò lên đỉnh Fansipan hay trượt patin chỉ với một chân.

Thu chủ động nhắn tin và họ gặp nhau lần đầu vào một buổi chiều cuối năm 2019. "Anh ấy có nụ cười đẹp, anh tự tin và hoạt bát, tôi đã thích Bảo ngay từ những ngày đầu" - Thu tủm tỉm cười.

Tình yêu đặc biệt của cặp vợ chồng lính chì, mỗi người có một chân ở Hà Nội - 5

Khi cả hai quyết định đến với nhau, Bảo đang là quản lý kiêm huấn luyện viên patin tại TP.HCM. Sau vì Thu, anh từ bỏ công việc ổn định để về Hà Nội. Họ gặp nhau thêm vài lần nữa và yêu nhau.

Tình yêu của họ đến nhanh, nhưng bền bỉ, chân thành và không phô trương. Họ yêu nhau, hiểu những đau đớn và vất vả trong hành trình đơn độc của tuổi trẻ. Ở họ toát ra thứ năng lượng khiến người ta tin rằng, sẽ không gì làm hỏng được thứ keo vô hình gắn kết giữa hai con người ấy.

Ngày 12/3/2020, Thu và Bảo về chung một nhà sau một đám cưới tựa như cổ tích.

Tình yêu đặc biệt của cặp vợ chồng lính chì, mỗi người có một chân ở Hà Nội - 6

Cuộc sống sau hôn nhân không có gì thay đổi với những buổi chiều Thu được Bảo chở đi xem phim, đi cà phê hẹn hò như ngày còn yêu nhau. Vài tháng sau đám cưới, hai vợ chồng mừng mừng, tủi tủi cầm trên tay chiếc que thử thai in hai vạch đỏ rõ ràng. 

Khoảnh khắc đó, Bảo nghĩ ngay đến việc xin nghỉ làm ngày hôm sau để dành thời gian đưa Thu đi khám. Trên màn hình siêu âm hiện lên một chấm nhỏ xíu, đó cũng là lần đầu tiên anh được nhìn thấy thiên thần bé nhỏ của mình.

Tình yêu đặc biệt của cặp vợ chồng lính chì, mỗi người có một chân ở Hà Nội - 7

"Thật khó để nói hết cảm xúc lúc đấy, chắc ai đã làm cha mẹ đều hiểu được. Tôi và Thu, chúng tôi đã có khoảng thời gian tuổi trẻ không mấy dễ dàng nhưng giờ mọi thứ đã tan biến hết", Ngọc Bảo xúc động nhớ lại.

Lần đầu học cách làm cha, Bảo tìm mua sách dành cho phụ nữ mang thai, từ cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng cho mẹ, cho bé… tất cả đều được anh tự mày mò, tìm hiểu mỗi ngày. Lo vợ nghén không ăn uống được gì, Bảo luôn là người tự tay chuẩn bị đồ ăn chính, ăn vặt, thực phẩm chức năng cho Thu mỗi ngày.

Thời gian mang bầu, Thu phải bỏ chân giả chuyển sang dùng nạng. Vốn thích vận động và chiếc bụng bầu ngày một lớn hơn, cô di chuyển rất khó khăn, có lần đã ngã nhào xuống nền gạch hoa trơn trượt. Không có điều kiện mua tấm xốp lót sàn, hai vợ chồng bảo nhau cẩn thận hơn, phòng ốc luôn được dọn dẹp sạch sẽ, nước rớt tới đâu, Bảo lau sạch tới đó.

9 tháng thai kỳ trôi qua vất vả nhưng luôn song hành cùng niềm vui vì hai vợ chồng được chứng kiến thiên thần nhỏ của mình lớn lên mỗi ngày với các chỉ số bình thường, phát triển đầy đủ.

Đến ngày đi sinh, Thu bụng bầu cầm lái xe máy chở anh chồng ngồi sau đeo ba lô, ôm giỏ đồ, đến thẳng bệnh viện. Xuống xe, Bảo vác giỏ đồ lên vai còn Thu chống nạng, cắp theo cái nón, hai vợ chồng thong thả vào phòng chờ sinh.

Tình yêu đặc biệt của cặp vợ chồng lính chì, mỗi người có một chân ở Hà Nội - 8

Khi tiếng khóc của đứa trẻ cất lên cũng là lúc những giọt nước mặt của hai vợ chồng lăn dài trên gò má. Thế là bao nhiêu tủi hờn, bao nhiêu vất vả, bao lo toan, trăn trở trước giờ đây được đền đáp đầy hạnh phúc trong một cái tên Đoàn Minh Trí, cậu bé kháu khỉnh chào đời ngày 17/11/2020.

"Gia đình vợ chồng một chân đã có thành viên hai chân đầu tiên rồi", Bảo thì thầm vào tai Thu như vậy khi cô còn chưa hết mếu máo.

Một năm chăm con mọn lại đúng vào năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bảo phải chuyển hẳn sang làm freelance (công việc tự do) để ở nhà hỗ trợ vợ, nhưng thu nhập của hai vợ chồng đều thấp. Gia đình nội ngoại làm nông, hỗ trợ có hạn, đã có lần bí quá, Thu phải lên mạng nhờ mọi người hỗ trợ cho con hộp sữa. 

Tình yêu đặc biệt của cặp vợ chồng lính chì, mỗi người có một chân ở Hà Nội - 9

Về sau, Thu nhanh nhẹn bán thêm nhiều thực phẩm đặc sản quê hương như mỳ chũ, bánh đa, bưởi, nhãn... và Bảo, từ đó trở thành "chân shipper" chuyên nghiệp của vợ.

Những tháng cuối năm, Thu vừa đi làm ở công ty vừa gom hàng chuẩn bị bán cho Tết Nguyên Đán. Bảo nhận thêm việc ở nhà làm, ban ngày trông con ban đêm cặm cụi dựng video cho khách.

Không có thời gian để chống gậy hay đeo chân giả, anh tự nhảy lò cò ra dây phơi lấy khăn, lấy chậu, pha nước ấm… Thay đồ xong cho con, anh lại nhảy ra vòi nước giặt giũ, phơi phóng. "Quay như chong chóng, nhiều lúc nhảy muốn hụt hơi" - Bảo cười kể.

Tình yêu đặc biệt của cặp vợ chồng lính chì, mỗi người có một chân ở Hà Nội - 10

Cứ như thế, những yêu thương được gom nhặt, chắt chiu từng chút một trong mỗi khoảnh khắc đời thường nhất. Họ không bỏ lỡ giây nào để sống và để sống thật hạnh phúc, giống như cách Thu tự cho phép mình lười hơn một chút khi cuộn mình nằm cạnh Bảo và Trí trong một buổi sáng đầu đông Hà Nội.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025