Được đặt tên theo "làn sóng" bùng nổ trẻ sơ sinh từ năm 1946 đến năm 1964, thế hệ baby boomer đã tạo ấn tượng riêng cho nước Mỹ thời hậu Thế chiến II.
Song, không phải mọi thứ đều "màu hồng" đối với baby boomer. Nhiều người vẫn ôm nợ và không đủ tiền tiết kiệm để duy trì cuộc sống nghỉ hưu. Dưới đây là một số chi tiết về cuộc sống của các baby boomer điển hình ở Mỹ.
Thế hệ sinh ra khi Thế chiến II kết thúc, thời điểm Mỹ trở thành siêu cường kinh tế thế giới dẫn đến thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh. Những trẻ sinh từ năm 1945 đến 1946 tăng 20% lên 3,4 triệu, đạt mức cao chưa từng thấy là 4,3 triệu vào năm 1957.
Đó là sự khởi đầu của thế hệ baby boomer, hiện ở độ tuổi từ 58 đến 76. Đến năm 2030, độ tuổi thấp nhất của họ sẽ là 65. Tính đến năm 2019, theo dữ liệu Điều tra dân số, nước Mỹ có khoảng 73 triệu người thuộc thế hệ này.
Nghiên cứu của McKinsey cho thấy, thế hệ này đã kiếm được mức thu nhập cao kỷ lục, tạo ra khối tài sản lớn và thúc đẩy nền kinh tế.
Họ đã chứng kiến một số sự kiện văn hóa và chính trị quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ như phong trào dân quyền hay chiến tranh ở Việt Nam. Những sự kiện này đều ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Ngoài ra, họ cũng lớn lên khi chứng kiến Chiến tranh lạnh và Tổng thống John F. Kennedy vị ám sát.
Về văn hoá, các baby boomer cũng chứng kiến cuộc đổ bộ lên mặt trăng. Trong khi thế hệ Y và Z hiểu biết về công nghệ, thì họ lại là những người đầu tiên chứng kiến sự ra đời của một số công nghệ định hình thế giới. Steve Jobs và Bill Gates đều là một phần của thế hệ baby boomer.
Quá trình trưởng thành đã là một bài học cho baby boomer rằng họ nên tập trung vào hiện tại.
Neil Howe - nhà kinh tế, sử học và nhân khẩu học, người đặt ra thuật ngữ "millenial", từng nói rằng các baby boomer được nuôi dưỡng bởi thế hệ GI - những người quan tâm đến việc xây dựng những tổ chức mạnh mẽ và nhìn về tương lai. Các boomer coi đó là điều hiển nhiên và có thái độ "sống vì hôm nay".
Baby boomer cũng trưởng thành theo khái niệm "giấc mơ Mỹ" mà họ tiếp tục theo đuổi khi lớn lên. Họ coi trọng công việc và những mối quan hệ, lý tưởng hóa một sự nghiệp ổn định, mong muốn có cuộc sống tốt đẹp ở nông thôn với ngôi nhà và gia đình hạnh phúc.
Dù tâm lý này đã giúp ích nhiều cho cuộc sống của thế hệ X, thì nhiều người cho rằng nó lại không tốt cho thế hệ tương lai. Đó là lý do tại sao họ lại bị cho là nguyên nhân hủy hoại nền kinh tế của thế hệ millennial.
Theo báo cáo vào năm ngoái của Deutsche Bank Research, tài sản của thế hệ boomer tăng lên nhờ lãi suất thấp và giá nhà tăng cao. Họ không phải trả nhiều tiền cho hoạt động giáo dục như thế hệ Y, cũng như không phải đối mặt với khoản tiền phải nộp do môi trường bị hủy hoại, dù đã đầu tư nhiều vào các công ty thải carbon.
Howard Marks - nhà đầu tư và sáng lập của Oaktree Capital Management, nói: "40 năm qua, các boomer đã nắm giữ quyền lực về tài chính và chính trị to lớn. Kết quả là, các khoản chi tiêu bị thâm hụt trong những thứ mà họ muốn và không thể sửa đổi những chương trình phúc lợi còn thiếu sót. Thế hệ tương lai sẽ phải gánh chịu."
Song, thế hệ boomer có khả năng hậu thuẫn con cái của họ về lâu dài. Họ đủ giàu có để để lại tài sản thừa kế trong quá trình của "cuộc chuyển giao tài sản khổng lồ". Theo công ty nghiên cứu Cerulli Asscociates, từ năm 2018 đến 2042, thế hệ này dự kiến sẽ chuyển giao 70 nghìn tỷ USD tài sản, khoảng 61 nghìn tỷ USD được chuyển đến con cái họ thuộc thế hệ X và và Y, phần còn lại đóng góp cho hoạt động từ thiện.
Theo WSJ, các thế hệ trước đây chưa từng giàu có đến vậy. Tờ báo nêu rõ boomer được hưởng lợi từ nền kinh tế bùng nổ sau Thế chiến II, các hộ gia đình thu nhập cao đều được giảm thuế và TTCK tăng trưởng mạnh mẽ, cùng lãi suất thấp.
Nghiên cứu của Fed cho thấy, thế hệ boomer sở hữu khối tài sản trung bình trị giá 206.700 USD. Cao hơn 1 chút so với thế hệ trước là 205.200 USD. Trong khi đó, hộ gia đình Mỹ trẻ tuổi lại chứng kiến tài sản giảm từ 103.400 USD xuống 100.800 USD trong 20 năm qua.
Hầu hết tài sản của họ đến từ bất động sản. 3/4 trong số họ đều sở hữu 1 ngôi nhà và không có ý định bán trong thời gian tới. Theo dữ liệu của Fed, họ nắm giữ tài sản bất động sản nhiều nhất so với mọi thế hệ trong 20 năm qua. Tỷ lệ đạt mức cao nhất vào năm 2011 với khoảng 49% các boomer nắm giữ 44% tài sản bất động sản và năm 2021 là 44%.
Tuy nhiên, không phải ai thuộc thế hệ này cũng giàu có. Trung bình, họ vẫn mang khoản nợ hộ gia đình 28.672 USD, bao gồm nợ thẻ tín dụng, khoản vay mua ô tô, nợ sinh viên và không bao gồm khoản thế chấp.
Gánh nặng lớn nhất với họ là nợ tín dụng. Trung bình, 81,4% người tiêu dùng thuộc thế hệ boomer đang phải đối mặt với "bóng ma" này. Tỷ lệ này cao nhất trong số các thế hệ ở Mỹ.
Tham khảo Insider
Doanh nghiệp và Tiếp thị