Ai cũng ra sinh ra với một tiềm năng, và tận trong sâu thẳm trong mỗi người là tràn đầy những ước mơ, mong muốn. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công, cũng như không phải ai cũng làm chủ được cuộc sống và vận mệnh đời mình. Bởi việc "nâng cấp bản thân", muốn thành công không chỉ cần đến sự quyết tâm, mà còn phải biết CÁCH nữa.
Chúng tôi xin trình bày 3 yếu tố tiên quyết trong quá trình thay đổi bản thân theo hướng tích cực. Những chỉ dẫn này được trích từ cuốn sách "Đánh thức con người phi thường trong bạn" của Anthony Robbins - nhà tư tưởng hàng đầu nước Mỹ trong lĩnh vực nghiên cứu về sự thành công và khai phá năng lực con người.
Bạn không thể thay đổi bản thân nếu không có niềm tin rằng bạn có-thể-thay đổi.
Nghiên cứu của giáo sư Bernie Siegel đại học Yale về chứng bệnh đa nhân cách cho thấy: sức mạnh niềm tin ở các bệnh nhân, "tin" rằng họ đã trở thành một người hoàn toàn khác, đã truyền dẫn một mệnh lệnh tới hệ thần kinh để tạo ra những thay đổi đáng kể trong cấu trúc sinh hoá của họ. Theo đó, màu mắt của bệnh nhân thực sự thay đổi khi nhân cách họ thay đổi, hoặc là có sự xuất hiện và biến mất của một số đặc điểm thể chất!
Niềm tin có sức mạnh đáng kinh ngạc. Việc thay đổi niềm tin hạn hẹp về bản thân bạn, có thể dẫn đến sự thay đổi trong hầu hết các khía cạnh cuộc sống của bạn. Và không ai có thể thay đổi bản thân theo hướng tích cực hơn nếu cứ khăng khăng giữ những niềm tin như "mình sẽ mãi là thế này thôi", "mình là kẻ thất bại", hay "mình không làm được điều này đâu".
Vậy, làm sao để chuyển đổi niềm tin? Trong cuốn sách của mình, Anthony đi sâu và chỉ ra nguồn gốc của những niềm tin sai lệch, đồng thời đưa ra những chỉ dẫn để chuyển hoá niềm tin từ tiêu cực sang tích cực.
Anthony chỉ ra: "Nhiều người thường mang niềm tin hạn hẹp về bản thân do họ đã không thành công trong quá khứ, rồi từ đó tin rằng mình không thể thành công trong tương lai". Đừng để bạn nằm trong số "nhiều người" đó. Hãy chủ động kiểm soát niềm tin của bạn: tạo nên những "tham chiếu" mới, tức trải nghiệm cuộc sống mới, và tìm (hoặc chính mình tạo ra) những sự kiện tạo nên cảm xúc, có tính "kích hoạt" cảm xúc mạnh để niềm tin được củng cố hơn.
Từ khoá thứ hai là "động lực". Rất nhiều người nói về những thay đổi họ muốn tạo ra trong cuộc sống, nhưng họ không theo đuổi chúng đến cùng. Họ cảm thấy chán chường, mệt mỏi, thậm chí tức giận vì không thể thay đổi theo ý muốn. Lắm lúc thay đổi thất bại, họ quay trở lại với câu nói "vì tôi không đủ động lực".
Nhưng, rốt cuộc, động lực ở đâu ra? Anthony chỉ ra có 2 động lực căn bản cho mọi sự thay đổi của con người: sướng và khổ.
Chẳng hạn, về "khổ", cảm giác bất tiện, thiếu thoải mái, buồn chán... đó là những dạng khổ sở điển hình thúc đẩy bạn đưa ra quyết định thay đổi để thoát khỏi nó.
Tác giả nêu ví dụ từ chính kinh nghiệm của mình: khi còn bé anh từng uống 6 cốc bia và có trải nghiệm kinh khủng "nôn thốc nôn tháo lên khắp người và toé loe cả bàn ăn". Trải nghiệm kinh tởm đó đã khiến tác giả khắc cốt ghi tâm chữ "bãi nôn" và "cảm giác ghê rợn" với "mùi vị của bia". Đó là lý do kể từ đó Anthony không bao giờ uống một ngụm bia nào nữa!
Niềm vui sướng cũng có vai trò tương tự. "Rất nhiều động lực trong cuộc sống xuất phát từ việc chúng ta nghĩ rằng hành động của mình sẽ đưa đến một tương lai tốt đẹp hơn, rằng việc ta làm hôm nay sẽ không uổng phí", Anthony Robbins cho biết.
Bài học ở đây là gì? Chỉ bằng cách liên kết nỗi khổ đau cùng cực với bất kỳ kiểu mẫu hành xử hoặc cảm xúc tiêu cực nào đó, chúng ta sẽ tránh sa vào nó. Và nghĩ về niềm vui khi đạt được điều gì đó là "động lực" hiệu quả với sự thay đổi mới. "Bạn liên tưởng sự sướng - khổ với những gì thì chính những điều đó sẽ hình thành nên số phận của bạn", tác giả nhấn mạnh.
Điều này có liên quan đến khoa học thần kinh.
Theo Anthony Robbins, khi con người làm việc gì lần đầu, một "đường liên lạc" thần kinh được tạo ra cho phép ta tìm lại cảm xúc hay hành vi đó lần nữa trong tương lai. Khi hành vi liên tục được lặp lại, ta đang củng cố vững chắc hơn cho kiểu hành vi hay cảm xúc này, đến khi chúng có một "đường dây" riêng trong trí não.
Đến đây, chúng ta có từ "thói quen". Khoa học đã chứng minh rằng, khi càng thể hiện nhiều lần một kiểu mẫu hành vi bất kỳ, mẫu hành vi đó càng trở nên mạnh mẽ. Tức, để hình thành một thói quen mới một cách bền vững, bạn phải lặp lại hành vi đó đủ lâu để "đường dây" mới trong trí óc bạn về hành vi đó được hình thành.
Tương tự, để thay đổi một thói quen xấu, bạn phải dừng hành vi hay cảm xúc trong thời gian đủ dài để "đường liên lạc" thần kinh yếu dần. Đó là khi thói quen tiêu cực cũ không còn khả năng chi phối mạnh nữa. Sự lặp lại là nhân tố không thể thiếu cho một sự thay đổi bền vững.
Trong "Đánh thức con người phi thường trong bạn", tác giả Anthony Robbins chỉ ra 6 bước chủ đạo cho sự thay đổi theo phương pháp liên quan đến khoa học thần kinh này (mà tác giả gọi là phương pháp điều phối liên hợp thần kinh), từ "xác định điều bạn thật sự mong muốn và những gì đang gây cản trở" đến việc "khắc ghi sâu sắc" và "kiểm tra" các mô thức mới.
Có thể thấy, không dừng lại ở việc truyền cảm hứng về niềm tin, ước mơ hay mục tiêu, Anthony Robbins còn có hướng dẫn chi tiết cho quá trình thay đổi diễn ra. Bạn cũng có thể tìm thấy trong "Đánh thức con người phi thường trong bạn" các chỉ dẫn cho việc làm chủ những khía cạnh cơ bản của cuộc sống, gồm: thể chất, thời gian, mối quan hệ, tài chính...
Với từng vấn đề liên quan đến sự thay đổi, tác giả phân tích một cách logic nguồn gốc của vấn đề đó dưới góc nhìn thần kinh học và tâm lý học một cách tài tình và thuyết phục.
Với lượng thông tin và kiến thức lớn, vừa tổng thể vừa chi tiết về thay đổi bản thân, "Đánh thức con người phi thường trong bạn" không phải là cuốn sách chỉ để đọc một lần, mà là tác phẩm có thể đồng hành với bạn trong quá trình thay đổi không ngừng của chính mình. Đây là cuốn sách giúp bạn thực sự "đánh thức con người phi thường" bên trong, để toả sáng rực rỡ đúng với tiềm năng của bạn!
Theo Nhịp Sống Kinh Tế