Mỗi ngày chúng ta đưa ra hàng nghìn quyết định. Dù có một số quyết định là dựa trên trực giác, số còn lại đòi hỏi phải xử lý vấn đề và tốn chất xám nhiều hơn. Những lựa chọn thường khiến ta mệt mỏi vì phải quyết định. Bắt đầu từ việc đầu tiên ta làm trong buổi sáng. Mình nên ngủ dậy hay tắt chuông báo thức? Uống cà phê hay đi tắm trước? Mình nên mặc gì? Đôi giày này có hợp với cái quần kia không nhỉ? Ăn sáng với ngũ cốc hay trứng? Mà mình có muốn ăn sáng không cơ chứ?
Thật may là ta còn được tự do lựa chọn, nhưng theo Barry Schwartz, tác giả của quyển The Paradox of Choice: Why More is Less (tạm dịch: Nghịch lý của sự lựa chọn: Vì sao nhiều hơn lại là ít hơn), chẳng phải vì thế mà ta được hạnh phúc hơn đâu.
Schwartz nói: “Khi không có lựa chọn nào, người ta gần như không chịu đựng nổi cuộc sống. Khi số lượng lựa chọn có sẵn tăng lên, như trong văn hóa tiêu dùng của chúng ta vậy, quyền tự quyết, sự kiểm soát và tự do mà sự đa dạng này đem lại có tác động mạnh mẽ và tích cực. Nhưng khi số lượng lựa chọn cứ tăng dần, các ảnh hưởng tiêu cực của việc có vô vàn phương án bắt đầu xuất hiện. Khi số lượng lựa chọn tăng lên hơn nữa, các mặt tiêu cực leo thang cho đến khi ta bị quá tải. Lúc đó, sự lựa chọn không đem lại cho ta tự do nữa, chỉ có suy nhược mà thôi”.
Nếu đưa ra ít quyết định hơn, liệu ta có thể quyết định sáng suốt hơn chăng? Tôi đã thử giảm bớt đồ dùng trong sinh hoạt và ăn mặc, có ít lựa chọn hơn và câu trả lời tôi khám phá được là “có”. Khi ta vạch rõ giới hạn giữa những thứ khiến mình xao nhãng với những điều hết sức quan trọng, mức độ tập trung vào những điều mình thật sự quan tâm của chúng ta sẽ trở nên vô tận.
Bạn có thể xoa dịu sự mệt mỏi vì phải quyết định và được trang bị tốt hơn cho những ngày có vô vàn quyết định nhờ tinh giản tâm hồn. Hãy tự động hóa quá trình ra quyết định của bạn. Hãy giải phóng một phần năng lượng tinh thần quý báu để dành cho các quyết định và việc làm khác. Bạn làm bằng cách nào?
1. Bắt đầu từ thực phẩm. Hàng ngày ta phải lựa chọn thực phẩm, và nếu tính cả việc lựa chọn nhà hàng, các món trong thực đơn, thời gian và địa điểm dùng bữa và vì sao ta lại thấy đói vào cùng với bốn mươi bảy ngàn lựa chọn khác ở cửa hàng tạp hóa, bạn sẽ bắt đầu hiểu sự mệt mỏi vì phải đưa ra quyết định được hình thành ra sao. Thay vì vậy, hãy đi mua sắm ở vùng rìa của cửa hàng, ăn các món tương tự nhau mỗi ngày và đừng đi mua thực phẩm mà không có danh sách hay kế hoạch mua sắm.
2. Vờ bị rớt mạng. Chán ư? Lên mạng chơi game đi. Lạc đường à? Hãy tra Google. Thấy cô đơn? Hãy tìm bạn bè trên Facebook. Mạng Internet có vô vàn phương án và lựa chọn dẫn dụ ta tin rằng muốn có giải pháp hữu hiệu, chỉ cần một cú nhấp chuột là xong (rồi lại cần một cú nhấp chuột nữa, rồi cú nữa). Vấn đề là ta không có cơ hội tìm giải pháp cho tình trạng buồn chán, tình huống bị lạc đường hay cảm giác cô đơn. Sự sáng tạo và suy nghĩ sáng suốt của ta bị hàng đống câu hỏi và sự lựa chọn nghiền nát. Quá nhiều lựa chọn là một vấn đề. Hãy nói với cả nhà rằng đường truyền Internet bị rớt vào mỗi Chủ nhật hoặc bất cứ ngày nào phù hợp với bạn và tận hưởng một ngày nghỉ không có thiết bị kỹ thuật số.
3. Kiểm soát hộp thư đến. E-mail làm cho bạn phải ra quyết định nhiều quá mức cần thiết. Hồi âm? Xóa? Nhấn nút gửi? Đọc hết thư? Đồng ý? Từ chối? Tất cả các câu hỏi và ý kiến nảy sinh từ e-mail chiếm hết tâm trí bạn và làm sự minh mẫn vào sáng sớm của bạn mụ mẫm đi. Dù có các phương pháp có thể giúp giảm nhẹ sự căng thẳng mà e-mail đem lại, nhưng cách hay nhất để kiểm soát là chỉ mở hộp thư từ một đến ba lần một ngày.
4. Nhờ người giúp đỡ. Thay vì tra tấn bản thân để cố đưa ra quyết định, hay tệ hơn là hoàn toàn né tránh việc quyết định vì bạn thấy sợ hãi hay bị quá tải mỗi khi cần đưa ra lựa chọn, hãy nhờ ai đó giúp đỡ. Đôi khi, để người khác góp sức giúp bạn quyết định sáng suốt hơn. Ghi chú: Có một hoặc hai người đáp lại là được rồi. Đừng lập cả một hội đồng hoặc chần chừ không dám nhờ vả ai.
5. Bỏ danh sách việc cần làm đi. Nguyên nhân ta không biết phải ưu tiên việc gì là vì có quá nhiều việc phải làm, đến nỗi ta không nhận thức được mình muốn phân bổ thời gian ra sao. Chúng ta không bao giờ hoàn thành được, hãy lập một danh sách việc cần làm chủ chốt mà thôi. Trước khi đi ngủ, hãy đưa ra một đến ba việc cần làm ngày mai. Khi hoàn thành rồi, hãy xem lại danh sách hoặc đi dạo một vòng.
6. Hãy nghĩ rằng những đứa trẻ không phát triển toàn diện cũng rất tuyệt vời. Nào là học đàn vi-ô-lông để tăng sức tập trung, chơi các môn thể thao đồng đội để có tính bền bỉ, đi học thêm để môn nào cũng giỏi và hàng loạt hoạt động khác có thể biến con cái của chúng ta thành những đứa trẻ phát triển toàn diện. Chúng ta đang định hình nên một cuộc sống mà có lẽ bọn trẻ không hề mong muốn. Con cái và cha mẹ đều kiệt sức. Hãy chọn một hoạt động thôi, đừng chọn tất cả. Thay vì bắt con cái phải phát triển toàn diện, hãy để chúng biết yêu thương và được yêu thương.
7. Tạo tủ quần áo sao cho bạn không cần quyết định nên mặc gì. Mỗi ngày có bao nhiêu quyết định liên quan đến thời trang? Khi sáng nào cũng phải bận tâm chuyện lựa chọn trang phục và cuối tuần thì đi đến trung tâm thương mại tìm hàng khuyến mãi và những món đồ đang mốt, chúng ta trở thành nô lệ của thời trang ngay cả khi không thật sự quan tâm đến thời trang. Hãy tạo một tủ quần áo cơ bản và lựa chọn từ một tủ quần áo gọn nhẹ được tuyển chọn theo mùa. Tôi đề nghị chỉ nên có ba mươi ba món đồ hoặc ít hơn.
8. Sắp xếp chuỗi thói quen cho quy trình buổi sáng. Nếu bạn biết phải làm gì trong mấy tiếng đồng hồ buổi sáng và dành khoảng thời gian đó cho các thói quen lành mạnh, bạn sẽ bớt mệt mỏi vì phải ra quyết định ngay từ khi còn chưa rời giường vào mỗi sáng.
9. Loại bỏ những thứ không quan trọng. Đơn giản hóa mọi thứ tạo ra một môi trường đòi hỏi ít lựa chọn hơn và giúp ta duy trì được nhiều sinh lực và sức tập trung để đưa ra các quyết định cần thiết. Khi từ bỏ và buông tay, chúng ta có thể bỏ lỡ đôi điều, nhưng bạn không cần bận tâm đâu, vì thật hạnh phúc biết bao khi được sống cùng những thứ mình yêu thích và có thể đưa ra được những lựa chọn đem lại lợi ích lớn lao hơn nhiều so với việc lựa chọn món ngũ cốc hoàn hảo cho bữa sáng.
10. Quay lại với bài luyện tập cho trái tim. Hãy tạo ra và trân trọng những khoảnh khắc được kết nối với trái tim mình. Cứ tiếp tục hỏi: “Điều này có quan trọng không?”. Nếu bạn muốn làm nhiều hơn là chỉ lướt qua những phần quan trọng nhất trong đời mình, hãy xây dựng một cuộc sống có ít lựa chọn và có ít những việc gây xao nhãng hơn. Điều đó sẽ giúp sức khỏe, công việc và các mối quan hệ của bạn được cải thiện đáng kể.
Theo “Tâm hồn giản dị”
Nhập mã MGG5FN giảm thêm 5% khi mua sách "Tâm Hồn Giản Dị" tại: https://bit.ly/tamhongiandi-fhs. Thời gian sử dụng đến ngày: 15/8/2020.