Tờ SCMP đã phỏng vấn Sherry Zhang, 25 tuổi ở Thượng Hải về bộ phim truyền hình Hàn Quốc gây sốt toàn cầu "Squid game" (Trò chơi con mực). Cô cho biết bộ phim cũng là chủ đề thảo luận nóng ở Trung Quốc, tuy nhiên để có thể xem bộ phim thì không thể thông qua nền tảng Netflix mà qua các trang web phim bất hợp pháp.
Loạt phim "Squid game" của Netflix tạo nên cơn sốt ngay từ khi phát hành vào ngày 30/9. Tuy nhiên, hình ảnh bạo lực của bộ phim khiến nó không có khả năng được phát hành chính thức ở Trung Quốc, nơi bộ phim đã bị vi phạm bản quyền rộng rãi,
Điều này xảy ra khi dịch vụ Netflix không có sẵn ở Trung Quốc và vấn đề vi phạm bản quyền tràn lan đối với một bộ phim ăn khách như "Squid game" là nỗi lo với gã khổng lồ công nghệ này. Tuy nhiên, bất chấp sức nóng toàn cầu của "Squid Game" với hơn 111 triệu người dùng xem trên nền tảng Netflix, đến nay vẫn không có nền tảng trực tuyến hoặc đài truyền hình Trung Quốc nào dám nhận bản quyền phân phối trong nước.
Để một chương trình truyền hình nước ngoài được phát sóng ở Trung Quốc, chẳng hạn như bộ phim sử thi giả tưởng "Game of Thrones" nổi tiếng của HBO, trước tiên nhà sản xuất phải tìm được một đài truyền hình Trung Quốc sẵn sàng trả tiền bản quyền, sau đó trải qua một quy trình kiểm duyệt gắt gao.
Kiểm duyệt cũng đi kèm với những thách thức. Đơn vị phát trực tuyến bộ phim là Tencent Holdings thường xuyên bị chỉ trích vì sắp xếp các cảnh trong "Game of Thrones". Người hâm mộ đặc biệt khó chịu khi Tencent trì hoãn việc phát hành phần cuối của loạt phim vì "vấn đề kỹ thuật", một thuật ngữ thường được sử dụng khi liên quan đến kiểm duyệt.
Lu Peng, nhà nghiên cứu từ Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, đồng ý rằng "Squid game" khó có thể được phát hành chính thức ở Trung Quốc bởi những yếu tố bạo lực, tình dục,...
“Rõ ràng bạo lực vượt quá tiêu chuẩn của chúng tôi. Đối với các công ty như Tencent và iQiyi, các chương trình do họ tự sản xuất có thể có nhiều ảnh hưởng hơn với chi phí thấp hơn. Đối với loại chương trình đã được lan truyền trực tuyến này, các nền tảng video của Trung Quốc có thể không sẵn sàng phân phối để giúp đỡ nền tảng khác tăng lượng người xem...", Lu Peng cho biết.
Năm 2015, Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc đã yêu cầu tất cả các phim bộ nước ngoài phải đăng ký và có số giấy phép trước khi phát sóng, gây khó khăn cho việc chuẩn bị phát hành đồng thời các bộ phim ở Trung Quốc.
Lee Kyung Hye, nhà nghiên cứu sự phát triển của làn sóng âm nhạc và phim truyền hình Hàn Quốc ở Đại học công lập London, Anh cho biết việc loại bỏ các cảnh bạo lực để có một bản phát hành mới ở Trung Quốc sẽ khiến "Squid game" không có được sự công nhận xứng đáng.
"Squid game" là bộ phim đầu tay của đạo diễn Hwang Dong Hyuk, xoay quanh 456 người chơi chấp nhận tham gia thi đấu trong một trò chơi sinh tồn để giành giải thưởng hấp dẫn 45,6 tỷ won (39 triệu USD). Tất cả người chơi đối mặt với cơ hội đổi đời, nhận ra rằng mỗi trò chơi đều đặt mạng sống của họ vào tình thế nguy hiểm. Điểm nổi bật là mỗi phần chơi đều là các trò chơi quen thuộc của trẻ em Hàn Quốc như đèn xanh, đèn đỏ, vẽ dalgona, kéo co, cờ đá cẩm thạch, vượt cầu và trò chơi câu mực.
“Một phiên bản kiểm duyệt của "Squid game"? Nó sẽ không giống một bộ phim truyền hình. Tôi không chắc liệu bộ phim này có vượt qua được sự kiểm duyệt của Trung Quốc hay không, vì có quá nhiều cảnh giết người và có rất nhiều nội dung cực đoan, điều cần thiết cho cốt truyện", Lee Kyung Hye nói.
Hiện tại, Tencent, iQiyi và Youku là ba nền tảng trực tuyến lớn có thể đưa các chương trình nổi tiếng của nước ngoài đến với khán giả Trung Quốc. Ngoài "Game of Thrones", Tencent đã phát hành bộ phim truyền hình tội phạm "Mare of Easttown", có sự tham gia của Kate Winslet, như một phần của quan hệ đối tác nội dung với HBO được khởi xướng vào năm 2014.
Netflix cũng đã có một thời gian ngắn thỏa thuận với iQiyi để phát trực tuyến những bộ phim gây sốt như "Stranger Things" và "BoJack Horseman" ở Trung Quốc, nhưng Giám đốc điều hành của nền tảng Trung Quốc cho biết vào năm 2019 rằng quan hệ đối tác đã kết thúc. Ngược lại, Netflix lại trở thành kênh phân phối toàn cầu đối với các bộ phim "Thiên Thịnh trường ca", "30 chưa phải là hết",...
Tuy nhiên, ngay cả khi không có bản phát hành chính thức, "Squid game" vẫn không hề hạ nhiệt trên các trang mạng xã hội ở Trung Quốc. Trên Weibo, một chủ đề liên quan đến bộ phim đã thu hút 1,9 tỷ lượt xem. Trên Taobao của Alibaba, nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, người bán đang cung cấp các sản phẩm như trang phục lấy cảm hứng từ bộ phim và kẹo dalgona của Hàn Quốc./.
VOV