Cùng với sự phát triển của xã hội, sự đa nhiệm khiến con người ngày càng trở thành “con rối” của những áp lực. Khi rơi vào trạng thái căng thẳng, chúng ta thường đánh lừa cảm xúc và tự trấn an bằng ý nghĩ: nếu muốn được sống tự do theo ý mình trong vòng 3 năm, 5 năm tới, thì phải học cách chịu đựng “cơn đau” này ập đến mỗi ngày. Nhưng sự thật nghiệt ngã rằng, càng tiến về đích đến, ta lại càng xa rời nó. Lỡ như cả đời ta không được tự do thì sẽ ra sao?
Để trả lời cho vấn đề ấy, trước hết chúng ta cần xem xét bản chất của tự do là gì? Đó là được làm những gì mình thích, sống đúng với chính mình mà không bị ảnh hưởng bởi xung quanh. Nhưng chúng ta thường lầm tưởng tự do là đích đến cao nhất nằm ở đỉnh núi trong khi ý nghĩa của tự do vốn là cuộc hành trình mà chúng ta chinh phục đỉnh núi ấy.
Trong 39 chương bàn về Sống Đời Tự Do, Michael A. Singer đã chỉ ra, con người không cần ép bản thân nỗ lực quay về con người cốt lõi của mình. “Con đường đúng đắn nhất là học hỏi thông qua cuộc sống hằng ngày để dần buông bỏ những thứ đang phân tán tâm thức” thông qua việc chấp nhận bản ngã, thay vì phản kháng với thế giới bên ngoài để trưng trổ bản ngã. Hình dung một cách dễ hiểu giả sử bạn nhìn thấy bản ngã trong gương và khoảng cách là 100 bước chân, thay vì cố gắng chạy 100 bước để chạm tới nó, bạn chỉ cần khoan thai từng bước, và đón nhận mọi trải nghiệm trong từng bước đi của mình.
Theo tác giả, buông bỏ không phải là đầu hàng cuộc sống, mà là buông bỏ sự phản kháng của ta đối với cuộc sống. Điều duy nhất ta cần làm là hòa hợp hơn là chống lại, thay đổi thực tại để dung hòa với bản ngã cá nhân. Cội nguồn của tự do chính là sự trải nghiệm khoảnh khắc. Dù tốt hay xấu “mỗi một trải nghiệm đều khiến bạn trở thành con người tuyệt vời hơn”. Việc xem tự do như một đích đến mà ta buộc phải có được trong đời sẽ khiến tâm trí ta bị ghì chặt bởi những trói buộc xã hội. Mỗi giây trôi qua vũ trụ đều đang biến hóa. Con người vì không muốn lạc hậu đã ép bản thân tăng tốc chạy đua để đạt được vị trí ấy.
Bản chất của tự do là hành trình trải nghiệm với “cái đầu rỗng” và thả trôi mình theo tự nhiên mà không đặt nặng về thể xác, hay bị chi phối bởi trí não, cảm xúc. Đó chính là ba yếu tố làm nhiễu tâm thức cản trở con người đến với vị thế thông tuệ vĩnh hằng (vị thế vững bền của bản ngã).
Từ vụ nổ Big Bang hình thái vạn vật được “nhào nặn” và thể xác là một phần của vạn vật ấy, thuộc về thế giới bên ngoài. Trí não là hiện thân của tâm trí – nơi chứa đựng suy nghĩ của con người thông qua hoạt động của giác quan, còn cảm xúc là năng lượng rung động, theo quy luật đóng mở của trái tim. Và chánh niệm hay tỉnh thức là kim chỉ nam giúp ta cân bằng, loại bỏ sự phiền nhiễu từ bên ngoài để sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc chuyển mình của luân hồi. Từ đó, nội tại sẽ sản sinh một dòng chảy năng lượng dồi dào tựa như một suối nguồn không bao giờ cạn.