Rebecca Ferguson và Timothée Chalamet trong ‘Dune’ (2020)
Trung tuần tháng 4 vừa qua, Warner Bros. vừa tung một số hình ảnh đầu tiên về ‘Dune’, bom tấn màn ảnh rộng chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển cùng tên. Dự án sci-fi đạo diễn bởi nhà làm phim tài năng Denis Villeneuve (‘Blade Runner 2049’), cùng sự tham dự của dàn cast đầy những ngôi sao ưu tú, dẫn đầu là Timothée Chalamet. Số ít bức ảnh hậu trường gây phấn khích kể trên giúp công chúng phần nào quên đi nỗi ám ảnh trước dịch virus corona – thứ hiện vẫn tiếp tục ‘vắt kiệt’ kinh đô điện ảnh Bắc Mỹ.
Chủ quan mà nói, có lẽ ‘Dune’ đang nắm giữ một sứ mệnh vô tiền khoáng hậu, quyết định đến hướng phát triển của Hollywood trong tương lai gần.
Giữa lúc hệ thống rạp phim tại Hoa Kỳ đang tuân thủ lệnh đóng cửa, hàng chục tựa phim bom tấn phải lùi lịch chiếu. Siêu phẩm hành động ‘Dune’ vẫn trong ‘vùng an toàn’ với thời điểm công chiếu mở màn vào ngày 18.12 năm nay. Thế nhưng, phía sản xuất kỳ vọng, chiến dịch quảng bá đa phương tiện cho tác phẩm sẽ bắt đầu muộn nhất từ cuối hè 2020. Duy, khoảng thời gian nửa cuối năm đồng thời trùng khớp với loạt sự kiện ra mắt phim đình đám không kém – James Bond, Marvel, DC, Pixar.
Điểm khác biệt nổi bật ở ‘Dune’ nằm ở việc nó được xem như ‘canh bạc’ đặc biệt liều lĩnh của ‘ông lớn’ Warner Bros. (WB), khi có lịch phát hành hậu đại dịch COVID-19. Thành bại nơi dự án kinh phí khủng này có thể góp phần không nhỏ xác định thị hiếu lẫn xu hướng làm phim ở thị trường Hollywood.
“Tôi nghĩ ‘Dune’ đã luôn là một tựa phim khó bán của WB”, Jeff Bock, chuyên gia kỳ cựu thuộc bộ phận phân tích dữ liệu phòng vé tại công ty cung ứng số liệu truyền thông Exhibitor Relations, chia sẻ trên tờ Observer mới đây. “Một đạo diễn xuất sắc, dàn diễn viên chính cực kỳ lý tưởng, tuy nhiên, thể loại sci-fi đang khó lôi kéo khán giả màn ảnh rộng thời điểm này”.
Jason Momoa (ảnh trên), Oscar Isaac và Zendaya là 3 trong số loạt sao Hollywood đình đám có tên trong dàn cast của ‘Dune’.
Cuốn tiểu thuyết ‘Dune’ xuất bản lần đầu năm 1965 của văn sĩ quá cố Frank Herbert luôn được đánh giá là đề cử văn học kinh điển. Dẫu vậy, nhìn về quá khứ, nhiều tựa sách danh tiếng không thể bảo chứng sức hút tương tự dưới dạng tác phẩm điện ảnh chuyển thể. (‘A Wrinkle in Time’ là một ví dụ điển hình gần đây).
Nhà làm phim ‘bậc thầy’ David Lynch cũng từng nỗ lực, để rồi thất bại, khi mang cốt truyện ‘Dune’ lên màn ảnh rộng năm 1984. Bản phim của Lynch vốn bị cho là lê thê, thiếu chiều sâu, đã nhanh chóng chìm vào quên lãng sau không ít chỉ trích từ giới phê bình lẫn khán giả.
‘Tái sinh’ một dự án có nội dung ly kỳ, phức tạp trong thời đại số hóa, khi người xem thường chỉ trung thành với những xu hướng giải trí quen thuộc, có thể trở thành thử thách thật sự.
Đạo diễn Denis Villeneuve trên phim trường ‘Dune’ (Ảnh: Warner Bros.)
Mặt khác, chuyên gia phân tích Bock ghi nhận, một số phim sci-fi được đầu tư chất lượng hiện thời, tiêu biểu như ‘Ad Astra’, ‘Blade Runner 2049’ (tác phẩm ghi dấu trước đó của Villeneuve), hay ‘Alien: Covenant’ đều trải qua cảnh chật vật tìm chỗ đứng ở hệ thống phòng vé.
Chất lượng – ở đây, dù tốt đến mấy – vẫn khó so bì với thống kế doanh thu. Không một tựa phim nào kể trên đủ ăn khách để nhà sản xuất cân nhắc xây dựng phần tiếp theo. Chúng không có sản phẩm thương mại ‘ăn theo’, hay đủ sức tạo đà cho nhiều cơ hội quảng cáo sinh lời. Trong khi, giữa kỷ nguyên đương đại, đây là những yếu tố tối quan trọng giúp Hollywood rao bán một dự án bom tấn.
Warner Bros. nuôi tham vọng ‘chia nhỏ’ kịch bản ‘Dune’ thành 2 phần, kèm một series truyền hình spinoff (lấy cảm hứng từ phim gốc) dự kiến phát sóng trên HBO Max. Thế nhưng, bản phim thứ hai được hứa hẹn vẫn chưa chính thức hiện diện trong lịch sản xuất của WB. Dễ thấy, hãng phim, lẫn cả Hollywood, đang chờ xem liệu ‘Dune’ có đủ khả năng hút khách vào cuối năm nay.
Thành công từ dự án rất có thể sẽ đặt ‘nền móng’ phát triển dòng phim sci-fi hành động thế hệ mới, giàu giá trị nội dung và thích ứng tốt giữa thời đại công nghệ. Ngược lại, nếu ‘Dune’ thất bại về mặt lợi nhuận, Hollywood sẽ quay lại với lối làm phim ‘thương mại hóa’ quen thuộc những năm gần đây của họ.
“Tôi không thể hình dung một đạo diễn nào khác phù hợp hơn cho tuyển tập phim sci-fi lôi cuốn này, nhưng sau cùng, thứ mọi người luôn nhắc đến là tầm ảnh hưởng tổng thể”, Bock cho biết. “Liệu ‘Dune’ có thể tạo hiệu ứng doanh thu cùng tiếng tăm rộng khắp như điều ‘Lord of the Rings’ từng làm? WB đang khao khát điều đó.
Dù vậy, công chúng vẫn khó tránh khỏi sự hoài nghi. Bản thân nội dung ‘Dune’ bị xem là ‘khó nuốt’ so với tiêu chuẩn kịch bản phim Hollywood, khi phần đông người hâm mộ hiện thời yêu thích những tựa sci-fi có yếu tố hài hước, dễ xem”.
Paul Dergarabedian đến từ Comscore, một đơn vị cung ứng dữ liệu truyền thông uy tín khác, tin rằng, đa số tác phẩm phim hạng A dễ hưởng lợi bởi sự trông đợi của khán giả quốc tế, nhất là sau thời gian dài mọi người chịu áp lực vì vấn nạn đại dịch. Đây cũng có thể trở thành tín hiệu lạc quan với siêu phẩm được đầu tư như ‘Dune’, vốn theo nhà phân tích dữ liệu, sẽ được định hướng quảng bá thành công nhờ danh tiếng dàn sao đóng chính, cũng như sức hút hình ảnh.
Dergarabedian nhận định, dù thành công hay thất bại ở hệ thống rạp chiếu, ‘Dune’ đang ở một vị trí ‘cột mốc’, đánh dấu cho một số thay đổi đáng kể tại môi trường Hollywood khi chúng ta đẩy lùi dịch corona.
Ông nói thêm, “Bom tấn điện ảnh vẫn sẽ được sản xuất rầm rộ. Trước nay những phòng vé đã chống chọi đủ loại biến cố khác nhau. Nhưng tôi nghĩ thứ có thể thay đổi là tiến trình chúng ta tạo dựng nội dung và thu lợi từ phim ảnh. Điều chúng ta học được sau cơn khủng hoảng chưa từng có tiền lệ này là, cách bạn phải nỗ lực không để bị đẩy ra rìa”.
Với những ‘ông lớn’ còn lại ở Hollywood, ‘Dune’ giờ đây trở thành một ‘bài nghiên cứu’ đắt đỏ, mạo hiểm nhưng cũng cho thấy tham vọng ngay từ buổi đầu thành hình. Trước thực trạng mất mát lợi nhuận kéo dài tại kinh đô giải trí Bắc Mỹ khi nỗi ám ảnh mang tên virus corona vẫn đang hiện hữu, ‘ván cược’ của Warner Bros. trông như trò mạo hiểm không phải hãng phim danh giá nào cũng dám thử.
“Những studio sản xuất sẽ càng lúc càng cẩn trọng, kỹ lưỡng đánh giá hơn đối với vấn đề quyền lợi thương mại”, Dergarabedian nhận xét. “Thông thường, thay đổi tư tưởng làm phim không đến nhanh chóng và mạnh mẽ như những gì chúng ta mường tượng. Nhưng cả thế giới đang đối mặt một khó khăn chung chưa từng có trong lịch sử, kéo theo vô số tác động về lâu dài mà hiện nay chúng ta chưa thể đánh giá hết”.
Liệu cánh phê bình sẽ tiếp tục dành lời ca ngợi ‘Dune’ như cách họ đề cao phần lớn tác phẩm màn bạc của Villeneuve? Rất có thể, nhưng như cách Bock ghi nhận, lời khen ngợi truyền cảm nhất cũng trở nên vô nghĩa khi ‘đặt cạnh’ con số kinh phí vô cùng đắt đỏ cho những thương hiệu sci-fi. Việc ‘Dune’ sẽ là dự án đầu tiên hay cuối cùng, đánh dấu khởi nguồn hay kết thúc của một trào lưu phim bom tấn mới trong kỷ nguyên điện ảnh đương đại, vẫn là điều chưa rõ.
Như Ý (Observer)