Se sẽ chứ là chuỗi sự kiện do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp khởi xướng và phát động tổ chức tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Với mục đích tạo nên một điểm thơ để cộng đồng quan tâm đến văn học, kịch nghệ và thơ ca, những người yêu mến tác phẩm của cặp vợ chồng nổi tiếng trong văn đàn Việt Nam Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh và đặc biệt là mục đích góp phần khơi gợi, đặt nền móng cho tình yêu văn chương trong công chúng trẻ gen Z, Se sẽ chứ ở Đại học Hoa Sen được tổ chức với “concept” mới mẻ và chứa đựng nhiều yếu tố đương đại. Điểm đặc biệt, từ việc ý tưởng đến tổ chức, vận hành đều do các sinh viên ngành Quản trị công nghệ truyền thông thuộc khoa Thiết kế và Nghệ thuật của trường thực hiện.
Ở sự kiện này, một cuộc “hẹn hò giấu mặt” (blind-date) mang chủ đề Đón thơ về góc trời riêng giữa công chúng yêu thơ với hai cố nhà thơ, căn phòng diễn ra sự kiện được trang trí tinh tế với những đám mây được làm từ bông gòn khiến người xem liên tưởng đến bài thơ Mây trắng của đời tôi của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ. Xen giữa những đám mây đó là những bài thơ được in, chép tay và treo lơ lửng trên không trung bằng những sợi dây gai.
Người tham gia cũng có thể vẽ thơ, tạo ra những bức tranh nho nhỏ với sự tưởng tượng của cá nhân họ về những gì họ cảm nhận thấy trong những bài thơ được trưng bày tại đó.
Ở đây, khán giả có thể chia sẻ những cảm nhận thơ cho mọi người trong khán phòng cùng nghe và những bản thơ viết tiếp, thơ xóa của người nọ được tặng lại cho người kia như một món quà.
Phần đọc kịch tiếp nối tạo một không khí khác cho sự kiện. Các giảng viên tham gia đã mời một số khán giả tham gia đọc một trích đoạn trong vở kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ: Hoa cúc xanh trên đầm lầy. Phần đọc kịch đã giúp người tham gia sự kiện có thêm một cái nhìn khác về Lưu Quang Vũ với sự nghiệp biên kịch lẫy lừng của ông. Bởi kịch Lưu Quang Vũ được cho rằng đã một thời nuôi sống các đoàn kịch cũng như cải lương, chèo trên toàn quốc. Hai nhân vật Liên và Vân cùng hai robot – hình ảnh phản chiếu của họ mà Lưu Quang Vũ đã tạo ra từ thế kỷ trước không chỉ đưa ra những cuộc đối thoại giúp người ta soi chiếu vào chính tâm hồn, lý trí mình nhưng cũng tạo ra sự liên tưởng tới một lĩnh vực đang được nhắc rất nhiều là trí thông minh nhân tạo (AI).
Sự kiện kết thúc trong sự lưu luyến của hơn 100 người, đa số thuộc gen Z – thế hệ được sinh ra sau năm 2000. Đặc biệt hơn, sự kiện đã gây chú ý những người thân của hai cố nhà thơ, họ đã đến, lặng lẽ ngồi quan sát và cảm nhận tình cảm của công chúng trẻ dành cho những tác phẩm của hai cố nhà thơ. Đây là tiền đề để những sự kiện tương tự sẽ tiếp tục được tổ chức tại Đại học Hoa Sen sau này.