Bùi Thu Trang, nữ trọng tài có mái tóc dài, nước da trắng và nụ cười xinh, là người cầm còi chính trong trận bán kết PVF – An Giang và làm trọng tài bàn trận chung kết PVF – NutiFood.
Chọn nghiệp trọng tài vì đam mê bóng đá, yêu sân cỏ
Mọi phóng viên thể thao đi phỏng vấn trọng tài nữ thường hay đặt câu hỏi: “Tại sao chị/em lại chọn công việc này?” và tôi cũng không ngoại lệ.
Trọng tài Trang tâm sự đầy mộc mạc và chân thật theo cách của một cô gái đến từ thành phố hoa phượng đỏ (Hải Phòng): “Em yêu bóng đá từ nhỏ nên hồi 15 tuổi và đã tham gia đội bóng đá nữ Hải Phòng năm 2002. Kể ra, tuổi đó mới đi đá bóng thì cũng hơi muộn nhưng đã trót yêu bóng đá rồi thì bất chấp thôi. Sau khi đội nữ Hải Phòng giải tán thì em gia nhập đội nữ Hà Nội nhưng nghiệp cầu thủ không kéo dài. Cách đây 10 năm, khi Liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) mở lớp đào tạo trọng tài nữ em đã đăng ký học và được các thầy tạo điều kiện để thành nữ trọng tài".
Với những kinh nghiệm từ cầu thủ trở thành trọng tài, rồi đi bắt các trận đấu nữ thì Trang cũng có thuận lợi hơn là thấu hiểu tâm lý cầu thủ. "Nhiều lúc thấy bóng lăn thì cũng nhớ nghề xưa muốn sút một quả cho bõ thèm mà phải gắng nhịn" nhưng "Dù thế nào thì làm trọng tài nữ cũng tốt hơn là rời xa sân cỏ vì em trót yêu bóng đá và nghiện cảm giác chạy trên sân cỏ rồi", Trang tâm sự.
Cô trọng tài người Hải Phòng so sánh các trận đấu nữ dù sao cũng "hiền" và đỡ bị áp lực hơn so với các cầu thủ nam vì đàn ông thi đấu thì tiểu xảo nhiều hơn, thể hiện "máu" ăn thua nhiều hơn, kể cả ở các giải nghiệp dư. Thời kỳ đầu đi thổi các trận nam, Trang cũng khó chịu khi gặp phải các “đối tượng thể hiện thái độ” khi người cầm còi là nữ. Nhưng đa phần sau khi kết thúc trận đấu, họ đã "tâm phục khẩu phục" vì trọng tài nữ ứng xử mềm mại và khéo léo hơn.
Cảm giác lần đầu bắt một giải nam
Tại giải U.19, Trang đã được phân công bắt chính 4 trận đấu gồm 2 trận vòng bảng, 1 trận tứ kết và 1 trận bán kết. Con số đó là khá cao so với các trọng tài khác tại giải và nó chứng tỏ rằng, Trang nhận được sự tín nhiệm của ban trọng tài cũng như các giám sát tại giải. Trong cả 4 trận đó, Trang đều điều khiển trận đấu rất tốt, không vấp phải phản ứng nào từ các đội cả.
Trang tiết lộ đây là giải nam đầu tiên thuộc hệ thống VFF mà cô tham gia. Do đó, giải U.19 trở thành kỷ niệm đáng nhớ đối với cá nhân Trang trong sự nghiệp trọng tài. So với các trận bóng đá nữ trước đây thì điều khiển bóng đá nam vất vả hơn khi phải liên tục di chuyển. Trang kể rằng có trận tại giải U.19 vừa qua, cô phải chạy với khối lượng 11-12 km, tức là chẳng thua kém cầu thủ nam nào. Các cầu thủ còn có thời gian đi bộ để nghỉ ngơi chứ trọng tài thì không phút giây nào được xao lãng.
Trang coi việc được dự giải nam danh giá như U.19 Quốc gia giống như một phần thưởng trong sự nghiệp của mình và cô rất cảm kích khi được ban trọng tài, ban tổ chức tin tưởng mình. Trang chỉ biết cách đáp lại sự tin tưởng đó bằng thái độ chuyên nghiệp của mình.
Ở chung khách sạn với các trọng tài, tôi chứng kiến sự nghiêm túc của Trang vì nhiều lần xuống ăn sáng, phải đi qua phòng tập gym thì các phóng viên vẫn thấy Trang tập luyện rồi một lúc sau mới có mặt ở phòng ăn. Trang nói các trọng tài muốn làm tốt công việc phải rèn luyện chẳng kém cầu thủ và cô luôn muốn “thi đấu” tốt trong mọi trận đấu như các cầu thủ.
Chẳng hạn tại giải U.19 lần này, các trọng tài cũng phải nghiên cứu lối chơi của từng đội để khi ra sân có chiến thuật điều khiển cho hợp lý, ghi nhớ thói quen của các cầu thủ. Trước trận đấu, họ xem lại băng hình thi đấu của hai đội để “ôn lại” chiến thuật thì mới yên tâm ra sân. Ít ai biết rằng, các cầu thủ chỉ phải nghiên cứu một đối thủ trước trận chứ trọng tài phải nghiên cứu cả 2 đội nên vất vả cũng gấp đôi cầu thủ.
Lăn lộn giải phủi và gánh nặng mưu sinh
Theo nghiệp thể thao đã vất vả chuyện mưu sinh thì làm trọng tài, chuyện cơm áo gạo tiền còn khó khăn hơn, nhất là với phụ nữ. Trang cho biết các đồng nghiệp nữ của mình đến với nghề này đều không coi nó là công việc đem lại thu nhập chính mà họ đến vì đam mê và vì tình yêu bóng đá. Đa phần đều phải có nghề khác “chống lưng” để yên tâm theo đuổi đam mê cầm còi.
Bản thân Trang cũng vậy. Trang ngoài bắt chính theo phân công của ban trọng tài thì cô cũng đi tham gia thổi các trận phủi để có thêm thu nhập. Tôi hỏi một câu của kẻ ngoại đạo: “Thế các trận phủi có nhờ tổ chức nào giới thiệu không hay tự liên hệ với mình” thì Trang nói: “Họ nhờ riêng thôi. Mình thổi tốt thì họ sẽ tín nhiệm”. Trang kể có những ngày cuối tuần, Trang đi làm trọng tài có khi nguyên ngày trên các sân phủi. Thực ra, thù lao từ các trận phủi cũng có nhưng không nhiều nhặn gì, dù vậy Trang vẫn tích cực tham gia các trận phủi vì yêu nghề và quan trọng hơn là được cọ xát để duy trì cảm giác một trọng tài.
Ngoài ra, để có thu nhập thêm, Trang kinh doanh online. Trang bảo bảo kinh doanh online thì đi đâu cũng tiện theo dõi chứ offline thì chắc khó vì đi suốt, lấy đâu thời gian bám cửa hàng. Được cái đi đâu cũng được mọi người yêu mến, nhiều người thương đặt hàng nên thu nhập cũng... tàm tạm.
Ngoài mưu sinh, trọng tài nữ có những thiệt thòi khác chẳng biết tỏ cùng ai. Những trận đấu chiều mà trời vẫn nắng gắt, lúc các cô gái ra đường vẫn phải mặc áo ninja để khỏi bị hỏng làn da thì Trang vẫn phải áo cộc, quần short chạy dưới nắng. Tôi hỏi có sợ xạm da không thì Trang nói: “Sợ chứ anh, con gái thì ai cũng sợ xạm da hết. Nhưng vì công việc thì đành bôi kem chống nắng rồi ra sân thôi. Hết trận về xem lại cánh tay thì chỉ có mỗi chỗ đeo đồng hồ là còn trắng”.
Ước mơ của Trang
Gạt qua những ưu tư về mưu sinh thì Trang vẫn cảm ơn công việc của một trọng tài giúp cô có những cơ hội đi nhiều nơi, quen nhiều người. Khi tôi hỏi Trang về trận đấu nào đáng nhớ nhất trong 10 năm cầm còi, Trang tỏ ra say mê khi kể về chuyến đi ở Triều Tiên.
Trang kể: “Ôi, nếu như em không làm trọng tài thì chẳng bao giờ được đến Triều Tiên. Trước khi đi đến Bình Nhưỡng thì cũng nghe nhiều lời đồn lắm làm em phải cẩn thận từng ly từng tí một. Chuyến đi đó em được phân công bắt 2 trận ở vòng loại giải vô địch nữ AFC năm 2017, trong đó có 2 trận chủ nhà Triều Tiên (gặp Ấn Độ và Uzbekistan). Ra sân mới thấy dù là trận cầu nữ nhưng khán giả Triều Tiên đến kín sân, cổ vũ theo đúng bài bản và tạo ra áp lực không nhỏ. Rất may các trận đó đều diễn ra suôn sẻ vì Triều Tiên quá mạnh. Suy cho cùng, cơ hội để một trọng tài nữ được đứng trước đông khán giả như thế trong đời không nhiều. Nó đặc biệt ý nghĩa”.
Theo tìm hiểu thì trận Triều Tiên gặp Uzbekistan có hơn 4 vạn khán giả theo dõi, đủ vượt quá sức chứa của sân Mỹ Đình. Với các cầu thủ nam thi đấu cho đội tuyển còn có cơ hội thi đấu trước đông khán giả chứ với các trọng tài nữ thì hiếm khi họ được trình diễn trong sân khấu lớn như thế. Và các trọng tài nữ cũng có ước mơ về sân khấu trong sự nghiệp cầm còi. Trang bảo: “Ước mơ lớn nhất của em là cầm còi một trận World Cup, nhưng cái này thì khó nói trước lắm”.
Thu Trang là một trong ba nữ trọng tài hiếm hoi của Việt Nam đạt cấp độ Elite. Đây là cấp độ cao nhất và chỉ được công nhận cho các trọng tài đạt chuẩn FIFA, thành thạo tiếng Anh và vượt qua các bài kiểm tra thể lực ở cấp độ tương ứng. Trang (cùng trợ lý Trương Thị Lệ Trinh) cũng vừa được FIFA đưa vào danh sách ứng viên điều hành các trận đấu tại giải World Cup nữ năm 2023. Giấc mơ của Trang không hề viển vông!
Tôi hỏi: “Thế Trang có mơ ước cầm còi tại V-League – sân chơi lớn nhất của bóng đá Việt Nam không?”. Trang đáp: “Có chứ anh”.
Trang nói: “Mọi cầu thủ Việt Nam đều muốn chơi tại V-League và các trọng tài cũng khát khao tương tự như vậy thôi. Tất nhiên giữa ước mơ và hiện thực là một quãng đường dài, phải rèn luyện nhiều mới sẵn sàng và tự tin bước vào những trận đấu căng thẳng”.
Tôi thầm nghĩ, nếu giải U.19 Quốc gia đã mở đường cho một trọng tài nữ thể hiện năng lực thì các nhà hoạch định bóng đá Việt Nam nên sớm nghĩ cách đưa các trọng tài nữ vào sân chơi lớn nhất của mình. Hiện VFF cũng đã có kế hoạch đưa trọng tài nữ bắt các trận hạng Nhất và có lẽ không xa là V-League.
Xét về bình đẳng giới thì thể thao Việt Nam đi đầu trong khu vực, vì thế, tôi tin rằng, ước mơ của Trang sẽ thành hiện thực ở một ngày không xa.