Bệnh dịch xảy tới, nhà nhà thực hiện dãn cách xã hội, điều này đồng nghĩa với việc một bộ phận người bắt buộc phải ở nhà trong những ngày này.
Một vài người thất nghiệp, một vài công ty buộc phải đóng cửa vĩnh viễn.
Sau khi dịch bệnh được cải thiện, có lẽ rất nhiều người phải đối mặt với làn sóng thất nghiệp.
Có người nói rằng, khi bạn nghĩ rằng cuộc sống đang sóng yên biển lặng, thực ra nó lại đang cuồn cuộn sóng ngầm.
Trong làn sóng việc làm, một sở trường mới chính là chỗ dựa vững chắc nhất.
B., một người bạn của tôi, năm nay 36 tuổi, làm công việc quản lý chất lượng cho một công ty, tháng trước vừa bị công ty cho nghỉ việc.
Công ty cậu ấy làm là một công ty sản xuất có thâm niên, vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc kinh doanh bị ảnh hưởng không ít, bắt buộc phải giảm tải nhân viên, nhân viên lâu năm cũng không nằm ngoại lệ.
B. luôn cho rằng đây là một công việc ổn định, dẫu sao thì mình cũng đã làm ở đây được 5 năm rồi, lương tháng đãi ngộ không tồi, công việc cũng không quá vất vả, vốn dĩ nghĩ rằng cứ yên ổn mà làm tiếp, ai ngờ, bước vào độ tuổi trung niên rồi mà cậu ấy bỗng nhiên lại rơi vào hoàn cảnh không ai mong muốn này.
Còn một người chị họ khác, sau khi tốt nghiệp làm nhân viên giám sát hệ thống ở một ngân hàng, công việc cũng có thể nói là khá ổn định.
Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, quy mô của ngành nghề buộc phải thu hẹp lại, một lượng lớn nhân viên giám sát hệ thống phải chuyển sang làm nghiệp vụ, chị ấy là một trong số đó.
Một lần cả nhà tổ chức ăn liên hoan, chị ấy buồn bã nói với tôi, chuyển ngành không thuận lợi, công việc vô cùng áp lực, buổi tối thường bị mất ngủ, cảm giác hoang mang không biết nên làm sao.
Jack Ma từng nói: từ trước tới nay không có một công việc nào tên là tiền nhiều, việc ít lại gần nhà.
Ở cái thời đại ngập tràn sự không chắc chắn như hiện nay, ổn định thực ra chính là không ổn định.
Ổn định thực sự, không phải là bạn có thể ổn định ở một công ty, một chức vụ công việc nào đó cả đời, mà là khả năng cạnh tranh của bạn đủ mạnh, có một sở trường nào đó, bất kể đi tới đâu cũng có quyền lựa chọn, có thể đứng vững.
Rất nhiều người chỉ biết tới "hiệu ứng thùng gỗ", hay "hiệu ứng khuyết điểm", mà không biết tới "hiệu ứng sở trường".
Một nhà quản lí học người Mỹ từng đưa ra một lí luận có tên là "Hiệu ứng thùng gỗ", hay "hiệu ứng thanh gỗ ngắn". Hiệu ứng này nói rằng, chiếc thùng chúng ta đựng nước được ghép bởi nhiều thanh gỗ, lượng nước trong thùng là do độ cao của những thanh gỗ này quyết định. Thùng gỗ có thể chứa được bao nhiêu nước không quyết định bởi thanh gỗ dài nhất mà quyết định bởi thanh gỗ ngắn nhất. Thanh gỗ ngắn này trở thành "khuyết điểm" của chiếc thùng.
"Hiệu ứng khuyết điểm" là một sản phẩm của thời đại công nghiệp, điều nó hướng đến là tìm cách tối đa hóa giá trị thông qua việc phân bổ nguồn lực hợp lý.
Với sự phát triển nhanh chóng của Internet và nền kinh tế sáng tạo, sự phát triển của một người dần thay đổi từ nguyên lý khuyết điểm sang nguyên lý sở trường:
Khi bạn nghiêng thùng gỗ, bạn sẽ phát hiện ra, thanh gỗ dài nhất mới là thứ quyết định chiếc thùng có thể đựng được bao nhiêu nước, thanh gỗ dài nhất đó cũng chính là sở trường của bạn, là kĩ năng mà bạn thành thạo nhất.
So với việc cố gắng bù đắp những thiếu sót, việc phát triển sở trường của bản thân dễ dàng và đỡ tốn sức hơn rất nhiều, và cũng dễ dàng đạt được thành tựu hơn.
Mỗi người ai cũng đều có thế mạnh riêng, khai thác tiềm năng và biến nó thành thế mạnh của riêng mình, làm được điều này, bạn có thể trở thành bậc thầy bất khả chiến bại.
Châu Kiệt Luân, ca sĩ nổi tiếng của Đài Loan từng nói rằng: "Có thể đứng trên sân khấu phát biểu là điều không dễ dàng, bởi lẽ tôi không thi đỗ đại học, nhưng tôi vẫn có thể đứng đây nói cho các bạn nghe. Phương Văn Sơn (trỉ kỉ trong âm nhạc của Châu Kiệt Luân) cũng chỉ học hết tiểu học thôi, những những thứ mà cậu ấy viết ra có thể đưa được vào các tài liệu giảng dạy.
Vì vậy tôi cảm thấy người thực sự tài giỏi, thực sự lợi hại là người có sở trường riêng, đi tìm cho mình điểm mà mình không giống với người khác rồi phát triển và làm nó lớn mạnh."
Biển đời mênh mông, nếu bạn muốn không bị cuộc sống bỏ lại, bạn phải có cho mình một kỹ năng riêng, một thứ mà mình giỏi tới cực hạn.
Làm sao để phát hiện ra "sở trường" rồi bồi dưỡng và phát triển nó, đây là một chuyện phức tạp và đáng để chúng ta suy nghĩ.
Có một câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Thỏ, gà mái và thiên nga đến thỉnh giáo chim ưng làm sao để có thể bay được.
Chim ưng bảo chúng đứng ở vách đá, giơ hai cánh tay ra rồi nhảy xuống dưới. Chỉ cần không ngừng vỗ đập cánh tay là có thể bay lên không trung.
Kết quả chắc chúng ta đều biết: thỏ vì không có cánh mà đã ngã chết; gà mái loay hoay đập cánh lơ lửng trên không, vẫn giữ được cái mạng của mình. Chỉ duy nhất thiên nga, loài vật có đôi cánh lớn mới thực sự học được cách bay.
Học hỏi kĩ năng cũng như vậy, chúng ta cần phải đào sâu vào nơi mà mình hứng thú, có tài năng và cả bản năng.
Sau khi tìm ra được hứng thú rồi, tất cả những gì chúng ta cần làm là kiên trì nỗ lực.
Mỗi một ngành nghề đều tuân theo "định luật mười nghìn giờ", một kĩ năng thường được tích lũy dần dần mỗi giờ mỗi ngày.
Dựa vào núi núi sẽ đổ, dựa vào nước nước sẽ trôi. Chỉ có dựa vào chính mình mới không bao giờ bị quật ngã.
Khi làn sóng áp lực ập đến, một vài người sẽ bị chết đuối trong đó, còn sở trường của bạn lúc này vừa hay sẽ là chiếc phao cứu sinh của bạn.
Theo Báo Dân Sinh