Sao ta làm điều ta làm - Sự nghèo nàn của việc quá tôn thờ “chủ nghĩa vật chất”

Quin11/04/2023 09:00
Sao ta làm điều ta làm - Sự nghèo nàn của việc quá tôn thờ “chủ nghĩa vật chất”

Quan niệm về chủ nghĩa vật chất đã được thảo luận một cách rộng rãi và tranh luận sôi nổi.

Một mặt, các nhà chính trị và kinh tế học kêu gọi chi tiêu nhiều hơn để thúc đẩy tổng sản phẩm quốc dân, nhưng mặt khác, các nhà phê bình và tâm lý học như Paul Wachtel lại tranh cãi rằng sự giàu có làm tâm hồn nghèo nàn. 

Mãi gần đây, các dữ liệu tâm lý học mới bắt đầu làm sáng tỏ cuộc tranh cãi này. Richard Ryan và cựu học viên cao học Tim Kasser đã thu thập các dữ liệu liên quan từ hàng trăm đối tượng là sinh viên đại học và người trưởng thành trong mọi độ tuổi với nhiều tình trạng kinh tế - xã hội khác nhau.

Các nhà nghiên cứu tập trung vào 6 loại khát vọng, trong đó:

- 3 khát vọng bên ngoài gồm: giàu sang, nổi tiếng và có ngoại hình quyến rũ. Tiền mang lại quyền lực và vật chất. Danh vọng mở ra nhiều cánh cửa và có thể dẫn ta đến một cơn mưa quà tặng. Một hình ảnh đẹp mang đến cho ta những lựa chọn như người tình quyến rũ, cơ hội tiếp thị và được chú ý không ngừng.

- 3 khát vọng bên trong gồm có: mối quan hệ cá nhân thỏa mãn, đóng góp cho cộng đồng và trưởng thành như những cá nhân. Những khát vọng này cho ta phần thưởng của riêng chúng và giúp ta thỏa mãn nhu cầu bẩm sinh là có được năng lực, tự chủ và sự kết nối. 

Hầu hết chúng ta đều nắm giữ tất cả sáu khát vọng này, thậm chí khát vọng bên ngoài như thành công về tài chính cũng quan trọng - ít nhất là ở một mức độ nào đó - để sống một cuộc đời viên mãn. Không thể chối cãi rằng việc muốn sở hữu một mảnh đất nhỏ để cư ngụ, tìm kiếm thức ăn, chăm sóc y tế và vài thú vui thẩm mỹ cho bản thân bạn cùng gia đình là hoàn toàn hợp lý. Nhưng những gì các nhà nghiên cứu quan tâm chủ yếu là những thứ xảy ra khi khát khao của con người cho một hay nhiều mục tiêu sống này mất cân bằng với những cái khác.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra là bất kỳ khát vọng nào trong số 3 khát vọng bên ngoài quá cao so với 3 khát vọng bên trong, cá nhân đó cũng có khả năng biểu hiện sức khỏe tinh thần nghèo nàn hơn. Chẳng hạn, một nhà tâm lý học lâm sàng đã được đào tạo sẽ đánh giá rằng việc có một khát vọng mãnh liệt bất thường dành cho thành công về vật chất gắn liền với hội chứng tự yêu mình, lo âu, trầm cảm và chức năng xã hội nghèo nàn hơn.

Những khát vọng bên ngoài khác cũng gắn liền với những chỉ số chức năng tâm lý kém hơn. Ngược lại, những khát vọng mãnh liệt cho bất kỳ mục tiêu nội tại nào – các mối quan hệ ý nghĩa, sự phát triển cá nhân và những đóng góp cộng đồng – đều liên kết một cách tích cực với hạnh phúc. Chẳng hạn, những người khao khát cháy bỏng được đóng góp cho cộng đồng sẽ có sức sống và lòng tự trọng cao hơn. Khi con người tổ chức hành vi của họ trên phương diện những đấu tranh nội tâm (so với những đấu tranh bên ngoài) họ dường như hài lòng hơn – họ cảm thấy ổn hơn về con người họ và biểu hiện sức khỏe tâm lý rõ ràng hơn.

Một phần khó khăn do những khát vọng bên ngoài như giàu có và danh vọng tạo ra chính là con người sợ họ sẽ không bao giờ có thể đạt được chúng, và một số nhà tâm lý học đã đặt ra giả thuyết rằng những kỳ vọng tiêu cực này là thứ gây nên sự khổ sở. Nếu con người quá coi trọng việc đạt được “chủ nghĩa vật chất” và khi khó đạt được, họ sẽ cảm thấy không hạnh phúc và có lẽ sẽ tuyệt vọng. 

Những người có sức khỏe tinh thần khỏe mạnh tập trung vào việc phát triển các mối quan hệ cá nhân khiến họ thỏa mãn, trưởng thành như những cá nhân và đóng góp cho cộng đồng của họ. Chắc chắn họ cũng mong mỏi thành công về mặt tài chính đủ để sống một cách thoải mái. Thế nhưng sự giàu có, danh vọng lẫn sắc đẹp không chiếm một phần quá lớn trong ý thức của những người này như cách mà chúng chi phối trải nghiệm của những cá nhân kém ổn định về mặt tâm lý hơn.

Hiểu được các khát vọng bên ngoài và khát vọng bên trong cũng như lợi ích mà chúng mang lại khi chúng ta bắt tay vào làm bất cứ điều gì vì khát vọng nào, sẽ làm cho công việc đó trở nên hữu ích và gia tăng hạnh phúc của chúng ta trong công việc hơn, bạn sẽ trả lời được câu hỏi: Sao ta làm điều ta làm? như chính tên gọi của cuốn sách tâm lý này vậy.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025