Câu chuyện sau đây của nữ nhà văn Hàn Quốc Jung Heejae trong "Quyền tách khỏi đám đông" sẽ khiến nhiều người trẻ phải nghiêm cẩn suy ngẫm về cách họ đang sống cuộc đời mình.
Năm ấy, tại Pokhara, một thành phố nhỏ, nơi tụ họp của những người trekking đỉnh núi Annapurna có độ cao 4.130 mét so với mực nước biển, tôi đã có cơ hội gặp gỡ và ghép nhóm với 3 người khác, 1 nam và 2 nữ. Họ đều là những người thích du lịch một mình, như tôi. Có thể vì đó là một cách chữa lành dành cho những ai bị gò ép bởi khuôn phép các mối quan hệ giữa người với người trong xã hội ngày nay.
Trước khi đồng hành cùng nhau, chúng tôi đã lập ra một quy tắc: Mọi người sẽ ở cùng nhau suốt 24 giờ đồng hồ. Nghĩa là trên cả chặng đường trekking này, chúng tôi ăn uống, ngủ nghỉ, và cả ngâm mình trong suối nước nóng cùng nhau.
Nhưng rồi vào một buổi tối, khi chúng tôi dừng chân nghỉ tại một chỗ trọ không còn cách đỉnh núi là bao, tôi bỗng cảm thấy một sự mệt mỏi không rõ vì sao, mọi sức mạnh tích lũy được đã cạn đến tận đáy. Tôi không biết phải phân trần tâm tình của mình như thế nào vào lúc đó, tôi chỉ xin được thông cảm để có thể ngủ phòng riêng một đêm.
Tôi đã không thể quên cảm giác quá đỗi ngọt ngào vào đêm hôm ấy, khi mình tôi chiếm trọn một căn phòng, nằm nghe nhạc, ngắm những vì sao, và đặc biệt là được trở thành một tôi chân thật nhất.
Thế nhưng, dù đang ở một nơi đất khách quê người với những người bạn đường có thể không bao giờ gặp lại, mối quan hệ giữa người với người không phải là thứ không thể câu nệ. Như ngay cả khi tôi muốn dừng lại một lúc giữa đường vì đôi chân đã mệt nhoài, thì tôi vẫn phải ráng bước tiếp khi thấy đồng đội mình tràn đầy sinh lực. Sau đêm ngủ một mình ấy, tôi cảm thấy áy náy khi đã thể hiện ra một bản thân mệt mỏi và phá vỡ quy tắc.
Tôi nhận ra, ngay cả khi bản thân không làm gì sai, tôi vẫn thấy không thoải mái khi nghĩ rằng việc bản thân mình mệt mỏi đã bị mọi người nhìn thấu.
Tuy nhiên, ngày chúng tôi chinh phục đỉnh núi, khi ngồi nói chuyện phiếm sau bữa tối, người đàn ông duy nhất trong đoàn, giám đốc Kim, bỗng nhìn tôi, rồi đột nhiên gợi chuyện: "Trong suốt quãng đường leo lên tận đây, cô có biết đâu là lúc cô đúng là mình nhất không?"
Đó là một giọng nói hoàn toàn khác so với khi ông ấy đùa linh tinh vớ vẩn thường ngày. "Ngày mà cô nói sẽ tách khỏi đoàn và ngủ một mình, đó là lúc giống với con người cô nhất", ông nói.
Khi ngồi trên một đỉnh núi cao chót vót, mọi thứ dường như đang vận hành khác đi. Một cách nhẹ nhàng và tự nhiên nhất, chúng tôi đã trải lòng những chuyện ở tận cùng của thầm kín, những điều mà tôi tin rằng chúng mãi mãi vẫn sẽ là bí mật của riêng mỗi người khi ở phía dưới chân núi cao 4.000 mét so với mực nước biển này.
Đêm đó, giám đốc Kim đã kể lại câu chuyện về cuộc đời mình. Xuất thân là một đứa trẻ mồ côi bị vứt bỏ trước cửa chùa, giám đốc Kim đã được một vị sư nuôi nấng và dưỡng dục, với kỳ vọng ông sẽ trở thành một sư thầy đức hạnh.
Có lẽ, cũng bởi vì sống theo những mong cầu của người đã nuôi nấng mình, nên giám đốc Kim đã dành tuổi thơ và cả 30 năm thanh xuân của mình ở đó để tu tập. Ông cũng cảm thấy bản thân đã sống rất tốt trong 30 năm đó. Chỉ cần bước thêm một vài bước cuối cùng trên chặng đường tu hành, ông ấy có lẽ sẽ sớm trở thành một sư thầy đức hạnh. Thế nhưng, ông ấy đã hoàn tục.
Vì "vẫn một đời nhớ nhung thế giới này", nên ông lựa chọn rời bỏ chốn tu hành và lang thang mọi nơi. Những lời ông nói như một sự thở dài, chứa đầy nỗi tiếc nuối cho một phần của đời người đã qua đi một cách vô nghĩa khi không sớm cởi bỏ chiếc áo choàng chẳng phù hợp với mình. "Phải đến khi không thể làm được cái này, cái kia thì chúng ta mới hối hận. Ý tôi là, giá mà tôi sống đúng là mình hơn một chút", ông nói.
Giữa âm thanh của núi rừng và khúc nhạc nền được tạo bởi tiếng sạt lở của những tảng băng tuyết, tôi đã nhìn thấy một nỗi nhớ vô tận, xen lẫn sự hối hận mơ hồ trong ánh mắt của người đàn ông ấy. Đó là lần đầu tiên tôi thấy người đàn ông này rơi nước mắt trong cả hành trình chinh phục Annapurna năm đấy của chúng tôi.
Lời của Giám đốc Kim đã làm tôi quên đi cảm giác áy náy vì ngủ một mình trước đó, thậm chí trở thành điều duy nhất tôi nghĩ mỗi khi phải chịu đựng sự đè nặng của việc phải làm hài lòng người khác:
"Hãy sống như cái đêm cô nói sẽ ngủ một mình. Khi đó thật tốt vì cô đã không đưa ra bất cứ lời biện minh nào hay xem xét nét mặt của ai. Người ta không quan tâm đến hoàn cảnh người khác nhiều như ta vẫn nghĩ, nhưng chúng ta lại sống cả đời cân đo xem kẻ khác nhìn mình thế nào".
Tại sao lòng bạn lại đầy rẫy nỗi bất an khi thấy ai đó không hài lòng về mình? Bất kỳ ai sống trên đời đều muốn mình được được mọi người yêu thương và trân quý. Tuy nhiên, đôi khi ta lại lầm tưởng giữa hạnh phúc và cái nhìn của người khác về mình. Ta nghĩ mình sẽ có được hạnh phúc nếu như làm người khác hài lòng, và thế là, ta luôn nỗ lực để không làm phật lòng ai.
Bất kể bạn hành xử ra sao, thì người khác luôn có một cái nhìn mà bạn không thể kiểm soát. Quan điểm của mỗi người sẽ mỗi khác, nó không hẳn là xấu hay tốt, đúng hay sai. Nó đơn giản chỉ là một sự đánh giá thôi, cũng giống như bạn luôn có một nhận định về người khác vậy.
Bạn cũng thích người này và không thích người kia, thì sao lại sống hạ mình để mong cầu tất cả mọi người sẽ quý mến bạn?
Bạn trẻ à! Mỗi người chỉ có một cuộc đời này để sống thôi. Hà cớ gì lại chuyển trọng tâm của cuộc sống mình từ "tôi" sang "người khác"? Sao lại phó mặc tất thảy quyền làm chủ bản ngã của mình cho những đánh giá, và tâm trạng biến đổi thất thường của người khác?
Ngày hạnh phúc nhất có lẽ là ngày bạn được sống là chính mình mà không cần phải nhìn sắc mặt của một ai khác, vì "không có gì mệt mỏi bằng việc phải giãi bày tâm tình của mình mỗi phút, mỗi giây".
Những câu chuyện trong tản văn "Quyền tách khỏi đám đông" đều xuất phát từ đời thật của tác giả Hàn Quốc Jung Heejae.
Cuốn sách chạm đến tâm can của những độc giả trẻ, khi khuyến khích họ sống là chính mình, để dành thời gian và công sức nhiều hơn cho việc nuôi dưỡng nội tâm dù có phải đi ngược lại đám đông. "Quyền tách khỏi đám đông" chứa đựng những bí kíp giúp bạn đọc tìm thấy hạnh phúc từ việc thoát khỏi những bộn bề, nhốn nháo của cuộc sống, để tìm về với sự bình thản, an nhiên tự tại, những nét đẹp vốn có nhưng vô tình bị lãng quên bởi cuộc sống bộn bề.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị