Thử một ngày sống trọn con tim
Heidemarie là một phụ nữ người Đức đang thử nghiệm lối sống từ bỏ sở hữu vật chất hoàn toàn, bao gồm nhà cửa cho đến bảo hiểm y tế. “Ngày sa mạc” là cách Heidemarie đặt tên cho một ngày mà bà thành thật trong từng khoảnh khắc mà không có bất kỳ kế hoạch hay sự chuẩn bị nào, hay nói gọn một câu là một ngày thử sống trọn con tim. Bà ra khỏi nhà một cách vô định và để đôi chân dẫn lối, nhìn thấy trạm tàu hỏa thì lên tàu, gặp xe buýt thì lên xe đi và xuống ở nơi mà bà muốn. Bà cũng đến vườn thú, tìm đến hồ bơi và thong thả ngả mình trên ghế dài. Bà mua một chậu hoa xinh xắn rồi ghé thăm ai đó để tặng một món quà bất ngờ này. Bà trục xuất xa khỏi mình những thứ như ánh nhìn của người khác, sự e dè, nỗi rụt rè và để bản thân tự do hết mức có thể.
Dành tặng bản thân “ngày sa mạc” giống như cho mình quyền tự do sử dụng ngày hôm đó, là một trong số những niềm vui của cuộc sống. Heidemarie nói thế này: “thông qua ngày sa mạc, tôi có thể có một cuộc gặp gỡ quý giá, tôi cũng có thể nhận được một thông điệp quan trọng rất cần thiết với mình. Theo sau đó là may mắn được thực hiện một chuyến quan sát tuyệt vời. Đây xem như là cơ hội với riêng bản thân tôi để có thể thoát ra khỏi đời thường nhàm chán, với mỗi ngày đều trôi qua giống nhau.”
Sự thật là vào những ngày căng thẳng đến ngạt thở, ai cũng theo bản năng mơ về “ngày sa mạc” ngay cả khi bản thân không ý thức được điều đó, chỉ là họ không gán cho khoảng thời gian đó một cái tên đẹp như “ngày sa mạc” của Heidemarie. Ngày sa mạc cũng là tên gọi khác cho quyền thỏa lòng lang thang đây đó.
Ở sa mạc bạn không có cách nào khác ngoài việc liên tục đi bộ hoặc ngồi nghỉ trên cát. Bất chấp những điều kiện khắc nghiệt để con người sinh tồn, sa mạc luôn có một sức mạnh huyền bí thu hút mọi người. Những nhà sáng lập tôn giáo phải sau một khoảng thời gian nhất định ở trong sa mạc mới truyền được những thông điệp trọng đại đến nhân loại. Không riêng thánh nhân, những nhà lãnh đạo tinh thần vĩ đại trong lịch sử đã xa cách mọi người để sống một mình trong cảnh tịch mịch của sa mạc. Những du khách muốn tìm lại ánh sáng trong bản thân, để sống một cuộc đời ngập tràn sinh lực cũng từng hướng về sa mạc. Sa mạc là một vùng đất cằn cỗi, bi ai nhưng cũng đầy dấu hiệu của sự tái sinh và sáng tạo.
Vậy, nếu được cho một ngày như “ngày sa mạc”, bạn sẽ muốn làm gì hay thật sự bạn chẳng muốn làm gì cả?
Có vô vàng những hành động, lời hứa hay việc muốn làm sẽ hiện lên trước câu hỏi bạn muốn làm gì nếu ngày tận thế đến. Nhưng vào ngày sa mạc, điều chúng ta muốn làm chỉ là yên tĩnh tận hưởng cuộc sống hàng ngày, hay nhẹ nhàng buông bỏ một bản thân luôn bị trói buộc trong nghĩa vụ.
“Mọi thứ đều tốt bởi vì nó không tệ. Nếu phải có chuyện tốt thì mới tốt, mới hạnh phúc thì chính là tham lam quá đấy!”
Tồi tệ, tốt đẹp, hạnh phúc, bất hạnh. Không ai có thể định được tiêu chuẩn cho những điều này. Tiêu chuẩn đó chỉ có thể do bản thân mỗi người tự quyết định. Hạ thấp hết mức có thể thước đo của hạnh phúc, nâng cao hết mức có thể thước đo của những điều tồi tệ. Đan khít hết mức có thể mắt lưới của hạnh phúc để không bỏ sót bất cứ niềm vui bé nhỏ nào, đan thưa và rộng hết mức mắt lưới của bất hạnh để cho qua những gì có thể.
Sự thật về điều tốt và tồi tệ chỉ có vậy. Dù đã nhận ra chân lý trên trong khoảnh khắc trái tim trở nên trong trẻo như kỳ tích thì cũng thật khó để dư âm đó kéo dài mãi mãi. Đây là lý do cho việc chúng ta phải không nhừng ghi nhớ và làm mới các ý nghĩa, dù đó có là thứ do chính bản thân nói và viết ra. Có những đoạn thời gian ngập chìm trong thử thách và mất mát, trong phù phiếm của cuộc sống bạn sẽ thấy vững vàng hơn khi nhớ tới “kim chỉ nam” này.
Con người có một thói quen dai dẳng khiến hạnh phúc của mình bị trì hoãn. Thêm vào đó, chúng ta ngày càng khó phân định đầu là điều tốt, xấu của bất kỳ một hoàn cảnh nào. Những sự tồn tại xứng đáng và có ý nghĩa trên thế giới dẫu có dần tan biến thì đã sao, nếu nhờ vậy chúng ta có thể học được một điều gì đó, dù cái giá phải trả khá đắt?
Việc kết thúc một cuộc tình từng nồng nhiệt đến thế thì đã sao, nếu nhờ vậy chúng ta biết được không gì là mãi mãi? Vậy rơi nước mắt một sáng vừa thức dậy, thấy bản thân dường như quá đỗi nhỏ bé và không có giá trị thì đã sao, nếu nhờ vậy chúng ta biết được trên thế giới này, người có thể làm đau mình chỉ có duy nhất chính mình và rằng việc yêu chính bản thân mình cũng khó như việc vượt qua ngọn Himalaya?
“Không có việc nào tốt hoàn hảo, cũng không có việc nào tuyệt đối xấu.”
Ngay khi câu nói bình dị này trở thành một phần của bạn sau khi đi hết quá trình kiểm chứng trong một thời gian dài, bạn sẽ thấy được sự tự do.
Jung Heejae sinh năm 1971, từng theo học chuyên ngành văn học tại khoa sáng tác nghệ thuật, đại học Chung Ang. Cô đã viết nên những tác phẩm được đánh giá là “tản văn sâu sắc và nổi bật, mang đầy những giá trị và suy nghĩ phổ quát về cuộc sống thông qua lời tự sự nồng nàn”.
Những cuốn sách đã xuất bản: “Quyền tách khỏi đám đông”, “Cầu mong bạn may mắn”, “Tôi đã học được tình yêu ở đó”, “Người lớn Trái đất, gặp gỡ Hoàng tử bé”, “Câu chuyện về đất nước Tây Tạng, trí tuệ chinh phục thế giới”, “Có lẽ đó là những gì tôi muốn nghe nhất”. |
Bạn đọc quan tâm có thể đặt mua cuốn sách này tại: http://ldp.to/Quyentachkhoidamdong. Nhập mã TRAMDOC0421 để được giảm thêm 10% khi mua sách do Tiki Trading phân phối. Thời hạn sử dụng đến 30/4/2021.