Trong một xã hội đầy cạnh tranh, trọng thành quả cụ thể trong học tập, công việc - vốn là những kết quả đến từ các hệ thống đo lường như điểm số, hoặc từ mẫu số chung của đám đông, những người chỉ nhìn thẳng mục tiêu mà tiến thường được đánh giá cao. Trong khi đó, có những người có xu hướng sống khác với nhịp độ chung đó. Họ không chăm chăm hướng về đích với tốc độ cao mà thơ thẩn với những trải nghiệm ven đường, điều có thể khiến họ cảm thấy cô độc.
Tản văn Quyền tách khỏi đám đông của nhà văn Jung Heejae do First News - Trí Việt phát hành gợi liên tưởng về một cuốn phim lặng lẽ, không tạo cao trào mà cần mẫn đi theo nhịp điệu của riêng nó: Chùng chình, thơ thẩn trong từng khoảnh khắc trên hành trình trưởng thành của tác giả.
Hành trình đó, đồng thời, bị xoay vần bởi những băn khoăn về bản chất cuộc sống cũng như cách sống mà bản thân nên theo đuổi.
Tuổi 20 hụt hơi, kiệt sức vì chạy theo tiêu chuẩn chung
Tuổi thơ ở vùng quê gần gũi với thiên nhiên của tác giả Jung Heejae tưởng như êm đềm, nhưng với một cô bé ưa quan sát và nhạy cảm, những hỗn loạn âm thầm đã bắt đầu xuất hiện: Cái chết thảm khốc của con ếch nạn nhân của bọ nước, mèo vờn chuột, con rắn thè lưỡi bò lên tổ chim non. Cuộc chiến sinh tồn dữ dội của các con vật để lại những tàn ảnh đánh dấu sự ngây thơ đã mất.
“Nhanh lên, nhanh lên nữa!”. Tác giả đã trải qua tuổi học trò lẫn tuổi hai mươi hụt hơi chạy theo những đòi hỏi về điểm số và danh hiệu. Như đi trên mặt sông vừa kịp đóng một lớp băng mỏng, lòng cô ẩn chứa sự bất an và u uẩn. Điều mà thời thanh xuân của cô chưa đủ dũng khí để làm là đoạn tuyệt với những giá trị không thuộc về mình.
Tác giả hoang mang giữa những mong đợi mà xã hội gán lên cho từng cá nhân, và nhận ra những mong mỏi sâu thẳm trong tâm hồn mình có nhịp điệu riêng của nó, lệch khỏi dòng chảy chung. Bỏ việc, thất nghiệp, sống một mình. Cô lựa chọn rủi ro của sự thiếu ổn định.
Ở tuổi 29, Jung Heejae cạo đầu - hành động mà với cô vào thời điểm đó là phương thức mãnh liệt nhất để thể hiện bản thân, đánh dấu sự chấp nhận rằng tâm hồn mình có nhịp điệu riêng của nó, chấp nhận rằng con đường của mình có thể lệch khỏi dòng chảy chung.
Tĩnh tại sống theo nhịp độ của riêng mình
Việc từ chối thỏa hiệp với xã hội và dựng lên thế giới của riêng mình là một thực hành suốt đời. Trong quá trình này, tác giả không phải không có lúc nhụt chí về một tương lai mơ hồ. Những lúc như vậy, cô tìm an ủi trong những suy niệm của tiền nhân hay xây dựng sự vững tin nhờ những con người gặp gỡ trong đời thực.
Tác giả dẫn ra những giai thoại về các nhà văn và triết gia đã chọn con đường độc hành: Maruyama Kenji cắt đứt liên hệ với văn đoàn Tokyo, chuyển về quê sống với vợ và chú chó nhỏ, hài lòng với chi phí sinh hoạt tối thiểu để tập trung viết lách.
Hay Henry David Thoreau sống ẩn dật trong chiếc lều nhỏ ven hồ, cạnh mảnh rừng mà trước đó không lâu, chính ông đã vô tình thiêu rụi; không ai có thể biết Thoreau thật sự nghĩ gì về tội lỗi của mình, nhưng ông hẳn đã nghe thấy tiếng gọi sâu thẳm từ vẻ đẹp của cánh rừng điêu tàn.
Sự tĩnh mịch của thiên nhiên hùng vĩ có sức mạnh lột trần những vỏ bọc xã hội. Như trong chuyến leo lên ngọn núi có độ cao 4.130 mét so với mực nước biển, Jung Heejae đã gặp một người đàn ông trung niên với vẻ ngoài bỡn cợt gây khó chịu cho những người đi cùng. Nhưng trong khoảnh khắc ban mai giữa lòng dãy núi thiêng, gương mặt ông hiện lên sự trong trẻo của chú tiểu nhỏ từ một ký ức đã xa, lẫn hằn sâu nỗi hối hận về những quyết định trong đời. Chính người đàn ông tiều tụy vì thế tục này đã cho tác giả lời khuyên: Hãy sống đúng theo cách mình muốn mà không đưa ra bất kỳ lời biện minh nào với người khác.
Chúng ta đến với thế giới này rồi sẽ rời đi vào một ngày nào đó. Liệu cảm giác hối tiếc vì đã không sống đúng với những giá trị mình tin vào có phải là thứ ta muốn mang theo trong những giây phút sau cùng?
“Không phải tất cả mọi người đều phải chạy như một vận động viên điền kinh hay một vận động viên ma-ra-tông. Tôi chỉ cần đi bằng sải chân hợp với mình, bằng nhịp bước hợp với cơ bắp mình”, Jung Heejae viết, “Tôi muốn tạo ra lịch của riêng mình, một thứ độc nhất trên thế giới này và sống theo nhịp thời gian chứa đầy tâm tình tôi”.
Với Jung Heejae, một tấm lòng mãi mãi giữ nét hồn nhiên của trẻ thơ và việc đi đến tận cùng những cảm xúc sâu sắc thuộc về bản năng nguyên thủy nằm ngoài logic và lý trí, là thứ giúp cô đi qua đường đời vất vả theo nhịp độ của riêng mình.
Nguyễn Thao