'Phù thuỷ' Grant Cardone: Từ thanh niên nghiện ngập, thất bại tới ông hoàng triệu đô và 10 bí quyết dẫn đầu ngành Sales

13/05/2020 20:00
'Phù thuỷ' Grant Cardone: Từ thanh niên nghiện ngập, thất bại tới ông hoàng triệu đô và 10 bí quyết dẫn đầu ngành Sales

Nếu bạn muốn có được cuộc sống như những người khác, hãy làm những gì mà họ đã làm. Nhưng, nếu bạn muốn nằm trong top 1%, bạn phải suy nghĩ như cách 1% người đứng đầu suy nghĩ chứ không phải tư duy của 99% còn lại."

Trải qua tuổi thơ vắng bóng người cha, một thời niên thiếu nghiện ngập và bị phá sản năm 25 tuổi, cứ tưởng những bất hạnh và khó khăn đó sẽ đánh gục Grant Cardone thì không, giờ đây, ông trở thành một trong những tỷ phú tự thân nổi tiếng và được kính trọng hàng đầu nước Mỹ, đồng thời là một diễn giả truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên toàn thế giới.

Đánh bại nghịch cảnh và gây dựng cơ đồ

Trong một bài viết cho tờ Huffington Post, tác giả của tựa sách bestseller "Kỹ năng bán hàng tuyệt đỉnh", tâm sự: "Phần lớn thời niên thiếu và những năm trưởng thành đầu tiên, tôi được mô tả là người thiếu kiểm soát, chuyên gây rối, tính tình khó chịu và năng động quá mức. Phần lớn thời gian, tôi cảm thấy cực kỳ nhàm chán, luôn trong tâm thế tìm kiếm các hoạt động, những cuộc phiêu lưu và cố gắng làm sao cho một ngày trở nên thú vị hơn".

Từ lúc 10 tuổi, Grant Cardone đã mất đi người cha thương yêu của mình. Cardone thú nhận, thiếu vắng sự bảo ban, chỉ dẫn của một người cha đã khiến ông không ít lần tự đưa mình vào rắc rối. Ở trường cấp 3, cậu học sinh cá tính cảm thấy không thể hoà hợp nổi với "đám đông", kế đến là những bất đồng với nhóm người cầm quyền. Chúng trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết khi Cardone sa vào nghiện ngập.

Năm 23 tuổi, chàng thanh niên Grant Cardone vẫn bị "dán nhãn" là một kẻ chuyên gây rối, có xu hướng ám ảnh cưỡng chế, thiếu hụt chú ý, chưa kể tới thói nghiện ngập. Cuộc sống là một mớ hỗn độn với ông.

Năm 25 tuổi, Cardone cai nghiện thành công và thay vì dùng thuốc theo gợi ý, nhằm chữa trị những "rối loạn" khác, ông dồn toàn bộ thời gian, công sức và cả những lầm đường lạc lối đã lãng phí nhiều năm qua, vào công việc.

Chia sẻ trong cuốn sách "Kỹ năng bán hàng tuyệt đỉnh", Grant Cardone viết: Để thực sự thành thạo bất cứ thứ gì, bạn phải dốc hết sức mình cống hiến cho nó. Nếu bán hàng là nghề của bạn, bạn phải cống hiến bản thân, sức lực, hết thảy nguồn lực cho nghề bán hàng. Nếu bán hàng không phải là nghề của bạn, bạn nên khắc cốt ghi tâm rằng thành công của bạn sẽ vẫn phụ thuộc vào kỹ năng này, vì vậy bạn nên tìm hiểu, học hỏi nó. Bạn phải chấp nhận bán hàng là kỹ năng bạn phải học để đạt được thành công trong cuộc sống, kỹ năng này là khởi điểm cho hành trình tìm đến một cuộc sống và sự nghiệp giàu có, sung túc."

Với tinh thần cầu tiến không ngừng nghỉ và năng lượng làm việc vô tận, cuối cùng Cardone cũng gặt trái ngọt thành công. Với công việc dựa trên phần trăm hoa hồng là chính, từ chỗ kiếm được 3.000 USD/tháng, nguồn thu này đã tăng gấp đôi. Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, vị triệu phú tự thân cho biết: "Tôi nhớ về khoản 3.000 USD tiến bộ ấy rõ hơn nhiều so với 1 triệu USD đầu tiên kiếm được. Bởi nó có vai trò quan trọng nhiều hơn đối với tôi. Nó thay đổi sự tự tin của tôi. Nó thay đổi niềm tin trong tôi và nó thay đổi cả cách tôi nhìn nhận và định nghĩa tiềm năng của chính mình".

Trước khi 30 tuổi, Grant Cardone đã góp mặt trong danh sách triệu phú. Ông là một chuyên gia bán hàng quốc tế, huấn luyện viên bán hàng, diễn giả tạo động lực và tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất theo bảng xếp hạng của New York Times. Ông là chuyên gia nổi tiếng, chuyên hỗ trợ tư vấn và hoạch định cho các chương trình bán hàng cho các tổ chức thuộc mọi quy mô. Ông cũng có ảnh hưởng tích cực đến hàng trăm ngàn người và tổ chức trên toàn thế giới.

Năm 2017, ông được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 25 chuyên gia thị trường đáng theo dõi nhất trong năm. Hiện tại, ở tuổi 62, ông là chủ sở hữu của The Cardone Group, Cardone Acquisitions, Cardone Enterprises và nhiều công ty tư nhân khác với tổng tài sản ước tính khoảng 750 triệu đô la.

Phù thuỷ Grant Cardone: Từ thanh niên nghiện ngập, thất bại tới ông hoàng triệu đô và 10 bí quyết dẫn đầu ngành Sales - Ảnh 1.

Kỹ năng bán hàng tuyệt đỉnh và Mười "điều răn" của Cardone

Là người được giới kinh doanh gọi với biệt danh "Phù thủy bán hàng", những triết lý của Grant Cardone không chỉ trở thành kim chỉ nam cho bất cứ ai muốn dấn thân vào ngành sales mà còn định nghĩa lại toàn bộ những khái niệm đã lỗi thời trong ngành này. Với Grant Cardone, bán hàng không chỉ là một ngành nghề, nó là điều kiện tiên quyết của cuộc sống.

Trong các tựa sách đã xuất bản của ông, "Kỹ năng bán hàng tuyệt đỉnh" (tựa gốc: Sell or Be Sold) là tựa sách bán chạy nhất và được được mệnh danh là "kinh thánh" cho bất kỳ ai hành nghề bán hàng. Dưới đây là Mười "điều răn" về bán hàng được Cardone chia sẻ trong "Kỹ năng bán hàng tuyệt đỉnh":

Điều răn #1: Hãy tự hào và sống tích cực

Ăn vận theo cách bạn tự hào, hành động theo cách bạn tự hào và là người tích cực nhất mà khách hàng của bạn từng gặp.

Điều răn #2: Mặc đẹp để bán hàng thành công

Điều răn #3: Nhìn thấy viễn cảnh bán hàng

Chính người bán hàng quyết định liệu một thương vụ có thành công hay không. Nếu bạn phó mặc cho khách hàng thì sẽ chẳng có gì xảy ra. Nếu bạn không thể nhìn thấy trước viễn cảnh bán hàng thành công, nó sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.

Điều răn #4: Chính bạn phải tin tưởng vào sản phẩm hay dịch vụ mà bạn cung cấp

Đây là "điều răn" quan trọng nhất, có sức ảnh hưởng lớn trong suốt giao dịch bán hàng với bất kỳ sản phẩm hay dịch vụ nào. Nếu bạn không thể làm được việc này, bạn sẽ không thành công trong nhiều giao dịch bán hàng đem lại thu nhập, lợi ích cho bạn!

Điều răn #5: Biết rõ giá trị của lời đề xuất

Tuyên bố giá trị thường không hề liên quan gì đến sản phẩm. Bạn đem đến bàn đàm phán điều gì có thể khiến lời đề xuất của bạn đặc biệt hơn tất cả những lời đề xuất khác? Hãy tìm hiểu xem điều gì có giá trị đối với họ – điều gì khiến bạn như được "khai sáng" và hành động?

Điều răn #6: Luôn đồng thuận với khách hàng

Khi bạn nghe điều gì khiến bạn phản đối hoặc không tán thành, hãy đối diện nó với thái độ đồng thuận chứ không phải bất đồng. Ngay cả khi khách hàng có điều gì đó sai, chẳng có giá trị gì khi nói thẳng với anh ta điều đó. Luôn luôn, luôn luôn, luôn luôn đồng thuận với khách hàng: "Anh nói đúng", "Tôi đồng ý", "Tôi tán thành quan điểm của anh!". Thông thường, thừa nhận khách hàng sẽ tốt hơn là cố gắng kiểm soát họ. Đôi khi chỉ cần nói "Tôi đồng ý với bạn" là đủ.

Phù thuỷ Grant Cardone: Từ thanh niên nghiện ngập, thất bại tới ông hoàng triệu đô và 10 bí quyết dẫn đầu ngành Sales - Ảnh 2.

Điều răn #7: Màn trình bày siêu cấp về sản phẩm

Phải đảm bảo là bạn thể hiện gấp đôi giá trị của sản phẩm trong bài trình bày hay buổi giới thiệu về nó. Chẳng ai tiêu tốn 200.000 đô la để nhận về thứ trị giá 200.000 đô la. Họ chỉ chịu chi 200.000 đô la khi họ tin rằng họ đang nhận được thứ có giá trị vượt quá số tiền mà họ đang bỏ ra. Hãy khiến màn thuyết trình trở nên siêu cấp đến mức người ta không thể sống thiếu nguồn cung của bạn.

Điều răn #8: Hiệu quả về thời gian

Người mua của thế kỷ 21 thường nóng ruột, muốn mọi việc kết thúc nhanh chóng. Vì vậy hãy thực hiện được nhiều "phi vụ" nhất trong thời gian ngắn nhất. "Đi tắt" sẽ chỉ khiến bạn tiêu tốn nhiều thời gian hơn. Dành nhiều thời gian cho khách hàng sẽ KHÔNG đảm bảo bạn bán được hàng; song, dành thời gian cho chất lượng và biết người mua đánh giá cao cái gì sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho tất cả các bên.

Điều răn #9: Nắm bắt cơ hội chốt giao dịch

"Hãy đồng hành cùng tôi và tôi sẽ chỉ cho bạn thấy việc sở hữu [tên sản phẩm/dịch vụ] mới của bạn dễ dàng đến mức nào". "Nếu không có bất cứ lý do gì khác nữa làm bạn phải suy nghĩ và cân nhắc, vậy thì hãy đồng hành cùng tôi ngay nào". Hãy khiến cho việc trả lời "không" trở nên khó khăn bằng cách chủ động đề nghị bước đi tiếp theo cho khách hàng thay vì đặt câu hỏi e dè cho họ. "Hãy đồng hành cùng tôi" và "Hãy ký ở đây" là hai trong số những cụm từ có sức mạnh lớn nhất và hữu ích nhất đối với một người bán hàng.

Điều răn #10: Luôn luôn kiên trì trong giai đoạn chốt giao dịch

Khi giao dịch chưa được đóng thì bạn chưa đem lại giá trị gì cho khách hàng của bạn. Đa số người bán hàng không bao giờ nỗ lực để chốt giao dịch ngay lập tức, và càng ít người đủ kiên trì cho đến kết quả cuối cùng – bán được hàng. "Hãy ký ở đây" là cụm từ của người chốt giao dịch. Khả năng xử trí mọi thái độ lảng tránh và phản đối là điều quyết định liệu bạn sẽ thành không hay thất bại!

Theo Trí Thức Trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024