Cách đây mấy ngày, mạng XH chia sẻ bức ảnh người phụ nữ ôm lấy cậu bé trai nhỏ và ngồi dưới mép đường, đặt cuốn vở lên bậc vỉa hè rồi cầm tay nắn nót đi từng nét chữ. Nhiều người nghĩ họ là 2 mẹ con, nhưng thực chất đây là 2 dì cháu. Và phía sau cuộc sống của dì - mẹ - và cậu con trai này là một câu chuyện của ước mơ về con chữ...
Hình ảnh mẹ cầm chặt tay con uốn nắn từng nét chữ - Nguồn: Bùi Xuân Vũ/ Vietnam Street Photography.
Hơn 11 giờ khuya, những bóng đèn điện sáng rực trước chợ Bến Thành vụt tắt, nhường lại một khoảng tối vừa đủ cho những phận người sống không nhà. Chị Liên bật chiếc đèn pin nhỏ xíu, ánh sáng cũng nhỏ xíu, đủ để thằng Bảo ngồi tập viết. Thế rồi chị ngồi một bên, thằng Bảo ngồi một bên, hai dì cháu cùng học chữ trong màn đêm của thành phố.
Hai dì cháu thằng Bảo bên lớp học lề đường.
"Đời chị em tui khổ quen rồi, có chết ngoài đường cũng không sao. Nhưng thằng Bảo còn nhỏ, nó còn tương lai" - chị Liên cười chua chát nói khi tôi hỏi thăm về lớp học đặc biệt của hai dì cháu trước chợ Bến Thành.
11 giờ đêm, khi đèn ở chợ tắt đi, là lúc lớp học diễn ra. Những hôm trời mưa thì dì cháu thằng Bảo được bước lên mái hiên của chợ để trú. Còn bình thường họ chỉ được phép ngồi ở dưới đường để vừa học vừa bán.
Hai chị em chị Trần Mỹ Liên và Trần Mỹ Linh sinh ra trong một gia đình khó khăn ở Sài Gòn. Ba mắc bệnh tâm thần bỏ nhà đi rồi biệt tích, mẹ qua đời sớm khi cả hai còn nhỏ, thế nên chị em sớm nương tựa vào bà nội. Mấy bà cháu lang bạt từ khu trọ này sang khu trọ khác, tuy vất vả nhưng có nhau.
Từ ngày nội qua đời hai chị em mất đi chỗ dựa, họ không đủ tiền để thuê nhà trọ nên thang thang khắp nơi, lúc bán ở nơi này khi ngủ ở chỗ khác. "Buổi tối hai chị em tui ra chợ Bến Thành bán, rồi khuya thì tìm mái hiên nào đó năm ngủ" - chị Linh kể.
Nhóc Bảo là con trai của chị Linh, kết quả của một cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Bảo sinh ra đã không biết mặt cha, thằng nhỏ đã 10 tuổi nhưng không có một giấy tờ tuỳ thân nào, cũng chưa một lần được đến trường.
Bảo đã thôi hỏi mẹ về người cha, em chấp nhận với việc chỉ có mẹ và dì, luôn chở che và yêu thương.
"Lúc sinh thằng Bảo tui đâu có tiền, sinh xong thì trốn viện nên không có làm giấy chứng sanh. Không có giấy tờ, không có nhà cửa rồi đi học làm sao. Nhìn mấy đứa nhỏ đi học nó khoái lắm, có bữa nó kêu: mẹ ơi mua cho con bộ đồ đi học nha. Nhưng tui nói: bận đồ đi học thì con cũng đâu được tới trường" - chị Linh xót xa.
Thương thằng cháu ham học, dì Liên quyết định dạy chữ cho Bảo, ngay trên vỉa hè này vào mỗi buổi tối. Chị Liên cười hì hì: "Tui cũng học tới lớp 4 hà. Mà kệ, dạy nó thuộc bảng chữ cái, biết viết, biết đọc là mừng rồi. Mốt còn ra đời với người ta".
Vậy rồi mấy bữa nay, đêm nào hai dì cháu cũng ngồi cặm cụi viết viết tẩy tẩy trên cái vỉa hè tối tăm này. Giữa trung tâm thành phố - nơi xa hoa bậc nhất vẫn tồn tại những giấc mơ bình dị nhỏ nhoi. Bên những dòng người xe tấp nập của phố thị vẫn có những phút giây bình lặng cho tiếng học bài. Và dưới ánh đèn vàng hiu hắt vẫn có những trang giấy trắng xinh tươi.
Dì liên cầm tay giúp Bảo nắn nót viết từng chữ.
Càng về khuya trời càng lạnh hơn, ôm thằng Bảo đang ngủ say, chị Linh tâm sự: "Con nít đứa nào cũng thích đồ chơi, thích quần áo đẹp, ăn ngon, nhưng biết mẹ khổ nên thằng Bảo chưa bao giờ đòi mẹ mua cái gì. Có bữa còn nói mai mốt lớn lên con đi làm phụ hồ để kiếm tiền nuôi mẹ".
Bảo ngủ say trong vòng tay mẹ.
Nghe con nhỏ nói thấy thương, nhưng chị Linh và chị Liên giờ cũng lênh đênh chẳng biết rồi sẽ đi về đâu. Chị bảo nhiều lần cũng thử xin đi làm nhưng không ai nhận, bởi chẳng nhà cửa, chẳng giấy tờ xác minh, đâu ai dám nhận. Thế rồi phận lang thang cứ mãi lang thang.
Thành phố rộng lớn nhưng không nơi chốn nào cho ba người họ trở về. Cứ đi, hết mái hiên này đến mái hiên khác. Ai cũng nuôi những ước mơ cho riêng mình, người sang trọng mơ giấc mơ xa hoa, người thấp kém mơ giấc mơ bình dị. Với chị Linh thì giấc mơ giờ đây là kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống, quay trở lại bệnh viện đóng phạt để làm cái giấy khai sinh đàng hoàng cho thằng Bảo. Ừ, chắc chỉ vậy thôi.
Sài Gòn hoa lệ, hoa cho ai? lệ cho ai?
Còn với thằng Bảo, nó còn quá nhỏ để nuôi những giấc mơ cho riêng mình, chỉ đơn giản là nó ước được lớn thật nhanh để đỡ đần cho dì, mẹ.
Tôi còn nhớ vào đêm tôi gặp dì Liên và nhóc Bảo ngồi viết bài trên vỉa hè, có một đoàn khách du lịch đi ngang qua, họ dừng chân lại, rồi một người phụ nữ trong đoàn nói nhỏ với đứa trẻ đi cùng: "Con thấy em giỏi chưa, thế mà ở nhà mẹ bảo học thì đòi chơi điện thoại".
Đến trường đôi khi là giấc mơ mà có người cả đời không chạm tới.
"Em ước mong em giống như bạn em đấy thôi
Lên lớp vui ca, hát vang mùa xuân trẻ thơ
Nhìn ai nấy cũng đều khôn lớn
Và em hát một mình trong đêm..."
Trí thức trẻ