Trong bối cảnh Trung Quốc trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng, những công trình như trụ sở Đài truyền hình trung ương (CCTV) bị ví như “chiếc quần khổng lồ” ở Thủ đô Bắc Kinh hay bản sao một nửa tòa nhà Quốc hội Mỹ ghép một nửa đền Thiên Đàn ở tỉnh Hà Bắc gây chướng mắt.
Ủy ban Cải cách - Phát triển quốc gia Trung Quốc đầu tuần qua ban hành chỉ thị nghiêm cấm xây dựng công trình kiểu như vậy, thay vào đó chính quyền các địa phương nên đảm bảo kiến trúc trên địa bàn tiết kiệm về kinh tế, phù hợp, thân thiện môi trường và vừa mắt. Chỉ thị không nêu rõ thế nào bị xem là công trình “xấu xí”.
Chị thị cũng hạn chế nghiêm ngặt việc xây tòa nhà chọc trời cao hơn 500 mét. Trung Quốc tự hào sở hữu 5 trên 7 tòa nhà đạt độ cao này trên thế giới.
Dù nhận xét công trình xấu hay đẹp do quan điểm thẩm mỹ của mỗi người, giới chuyên gia đều đồng tình rằng chính nỗi ám ảnh về tăng trưởng kinh tế khiến địa phương lẫn doanh nghiệp theo đuổi kiến trúc bị chú ý.
Giáo sư Hàn Đào thuộc Học viện Mỹ thuật trung ương Trung Quốc nhận xét loạt công trình kỳ dị, quá thô tục là sao chép hoặc chắp ghép thiết kế cũ, chẳng hài hòa với môi trường xung quanh.
Những công trình như vậy phổ biến ở Trung Quốc đến nỗi trang web chuyên về kiến trúc archcy.com 11 năm liền công bố xếp hạng 10 tòa nhà xấu xí nhất, dựa trên bình chọn trực tuyến cùng đánh giá từ chuyên gia.
Công trình “chiến thắng” năm 2020 là nhà hát lớn Sunac (thành phố Quảng Châu) có thiết kế xoắn ốc màu đỏ, hoa văn truyền thống như mây và phượng hoàng. Ban hội thẩm chê bai tòa nhà gượng gạo, kết cấu quái dị, chắp ghép ngẫu nhiên yếu tố Trung Quốc.
Trước lúc có chỉ thị của Ủy ban Cải cách - Phát triển quốc gia, giới chức Trung Quốc đã mạnh tay dẹp công trình quá khổ với thiết kế kỳ dị. Chủ tịch Tập Cận Binh2 năm 2014 yêu cầu không xây thêm bất cứ tòa nhà nào dị thường như trụ sở CCTV nữa.
Nằm trong diện phải xử lý là tượng Quan Công “siêu to khổng lồ” tại tỉnh Hồ Bắc. Bức tượng đồng cao đến 58 mét, nặng hơn 1.200 tấn, tiêu tốn hơn 173 triệu nhân dân tệ xây dựng và sẽ phải tốn thêm hơn 150 triệu tệ di dời.
Theo Giáo sư Trương Thượng Vũ thuộc Học viện Kiến trúc - Quy hoạch đô thị đại học Đồng Tế, công trình hoành tráng là hậu quả của tâm lý quá coi trọng sự chú ý cùng tăng trưởng.
“Chúng ta đang ở thời kỳ mọi người quá nóng vội, muốn tạo ra thứ gì đó đi vào lịch sử. Mọi công trình đều được mong đợi trở thành biểu tượng, đơn vị phát triển cùng nhà quy hoạch cố gắng đạt mục tiêu này một cách mới mẻ”, ông Trương Thượng Vũ nhận xét.
Dù chê bai loạt công trình kỳ dị nhưng Giáo sư Hàn Đào kêu gọi chính quyền các địa phương vẫn nên để đội ngũ kiến trúc sư phát huy sáng tạo và cho công chúng đánh giá, vì văn hóa đương đại rất đa dạng, không nên chỉ có một luồng quan điểm.