Lê Thị Quyên (29 tuổi) - "bệnh nhân số 59" là một trong 27 trường hợp được tuyên bố khỏi bệnh sáng 30/3 . Cô là nữ tiếp viên hàng không trở về từ Anh trên chuyến bay VN0054 ngày 2/3, có kết quả âm tính ban đầu. Nhưng 8 ngày sau, mẫu bệnh phẩm lại dương tính với SARS-COV-2. Nhận kết quả sau cùng, Quyên đã rất bất ngờ.
Nữ tiếp viên hàng không Lê Thị Quyên.
"Lúc biết tin, mình không sợ, chỉ lo cho những người xung quanh", Quyên nói. Cuộc sống của người thân và bạn bè bị xáo trộn. Một bộ phận dư luận cho rằng chính cô và đồng nghiệp đã mang virus về Việt Nam.
Từ chối đón nhận những lời lẽ kì thị bằng cách nói không với mạng xã hội, Quyên vững tin vào sứ mệnh của một người tiếp viên hàng không. Cô tự tạo cho bản thân thật nhiều "virus hạnh phúc" từ những yêu thương của gia đình, động viên của bạn bè đồng nghiệp. Cô gọi đó như một loại "kháng thể" để chống lại virus corona.
Quyên ôm chầm lấy 2 người bạn trong buổi sáng được công bố khỏi bệnh.
Những ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, với Quyên, hành trình này giống như một bộ phim.
Những tập đầu, cô cùng đồng nghiệp được xác định là trường hợp tiếp xúc gần F1 (cùng chuyến bay với bệnh nhân 17), đều phải cách ly 14 ngày.
Tập tiếp theo, có thể gọi là "tai nạn nghề nghiệp". Kết quả dương tính đem đến biết bao cung bậc cảm xúc khó diễn tả. Cuộc sống của cô bị xáo trộn với rất nhiều "tình tiết", vui có, buồn có, và hạnh phúc cũng có.
Ở trong bệnh viện, không thể nào bằng được bên ngoài. Nhưng nếu cảm nhận đây là nhà, thì bản thân sẽ khoẻ mạnh hơn, Quyên đã xác định tư tưởng như vậy, để chấp nhận rằng dù là đang điều trị trong phòng cách ly, đối diện với dịch bệnh, nhưng luôn giữ cho mình một tinh thần thoải mái nhất.
"Những ngày trong viện có lẽ sẽ mãi là một phần ký ức khó quên. Mình vẫn còn nhớ câu đùa của bác sĩ điều trị: "Nếu lỡ như về già em có mất trí nhớ thì 3 chữ Co-ro-na sẽ là thuốc chữa cho em", Quyên bật cười.
Những tháng ngày trong khu cách ly của tiếp viên Lê Thị Quyên. Ảnh: NVCC.
Những ngày trong bệnh viện, nữ tiếp viên cảm nhận rõ sự căng thẳng, gồng mình chống dịch của đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu. Quyên cũng muốn góp phần nhỏ bé vào công cuộc đó.
"Sẵn có con virus lạ trong người", cô tự nguyện tham gia thử thuốc, dù lúc đó chỉ có số ít bệnh nhân đồng ý thử nghiệm. Họ đều lo lắng trước những rủi ro, tác dụng phụ mà thuốc có thể mang lại. "Lúc đó, mình chỉ nghĩ trong trường hợp có vấn đề gì về sức khỏe, chắc chắn các y bác sỹ sẽ can thiệp kịp thời."
Ký tên đồng ý thử nghiệm thuốc xong, Quyên mới báo cho gia đình. Mẹ không đồng ý vì lo sợ con gái gặp bất trắc. Nhưng bố thì ngược lại, ông động viên và ủng hộ quyết định mạo hiểm của cô.
Và, thật bất ngờ, sau khi sử dụng phác đồ điều trị và thuốc mới từ các y bác sĩ, cô có tiến triển tốt. Xét nghiệm âm tính 3 lần và sau đó trở thành một trong những ca bệnh được điều trị khỏi hoàn toàn.
Cô hy vọng sẽ sớm nhận được bằng "tốt nghiệp xuất sắc" sau 14 ngày theo dõi sức khoẻ.
Cô vui mừng chụp ảnh cùng những người bạn.
"Ngoài những cái ôm với người thân, bữa cơm ngon nhất đời do mẹ nấu, điều mong muốn của mình là lại được diện áo dài cất cánh lên bầu trời cao", Quyên nói, và hy vọng hết 14 ngày theo dõi sức khoẻ tại bệnh viện, cô sẽ được trở về bên những người thân yêu.
"Mình tin, sẽ nhanh thôi, bác sĩ sẽ thông báo: "Bệnh nhân 59" tốt nghiệp ra viện với bằng loại xuất sắc". Đó là ngày, đoàn quân "virus hạnh phúc" do Quyên tạo ra, sẽ lấn át và bóp chết lũ "cô vy" thích làm loạn trong cơ thể cô.
Trí thức trẻ