Ban tổ chức Liên hoan phim Thế giới Châu Á (The Asian World Film Festival – viết tắt AWFF) tại Mỹ vừa chính thức công bố, nữ minh tinh người Mỹ gốc Việt Kiều Chinh được vinh danh với giải thưởng cao quý nhất tại LHP “Giải thành tựu trọn đời” - Snow Leopard (Báo Tuyết). Đây là giải thưởng điện ảnh được tổ chức và điều hành bởi Aitysh USA - một tổ chức phi lợi nhuận từ thiện quốc tế.
Trên trang Facebook cá nhân, nữ diễn viên Kiều Chinh cũng đã xác nhận thông tin này, bà viết: “Cảm ơn Georges Jojo Chamchoum, Liên hoan phim Thế giới Châu Á vì Giải thưởng Thành tích Trọn đời - Báo Tuyết. Tôi vinh dự và khiêm tốn khi nhận được giải thưởng danh giá này”.
Lễ trao giải sẽ được cử hành vào tối 15.3 tại thành phố Los Angeles, bang Califonia, Mỹ.
Nữ diễn viên Kiều Chinh sinh năm 1937 tại Hà Nội, bà di cư vào Nam năm 1954 hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh và sau đó trở thành ngôi sao của điện ảnh miền Nam trước năm 1975. Bà cũng tham gia đóng phim cho Hollywood của Mỹ và một số phim của các nước châu Á như Thái Lan, Ấn Độ, Singapore.
Kiều Chinh nổi tiếng sau khi đóng vai chính trong bộ phim Hồi chuông Thiên Mụ (1957). Sau đó tên tuổi của bà được khẳng định trong loạt phim tiếp theo như Mưa rừng, Chuyện năm Dần, Người tình không chân dung, Bão tình, Chiếc bóng bên đường…Trong thập niên 1960, bà cũng xuất hiện trong các bộ phim của Mỹ như A Yank in Vietnam (1964) và Operation C.I.A. (1965).
Sau năm 1975 bà định cư cùng gia đình tại Mỹ và tiếp tục hoạt động điện ảnh. Kiều Chinh tham gia các bộ phim truyền hình và phim truyện như The Children of An Lac (1980), The Letter (1982), The Girl Who Spelled Freedom (1986), như Hamburger Hill (1987), Gleaming the Cube (1988), The Joy Luck Club (1993), Catfish in Black Bean Sauce (1999), What's Cooking (2000), Face (2002), Returning Lyly (2002)...
Năm 1996, Viện Khoa học và Nghệ thuật Truyền hình Mỹ (Academy of Television Arts and Sciences) đã trao giải Emmy cho phim tài liệu Kieu Chinh: A Journey Home của đạo diễn Patrick Perez / KTTV. Năm 2003, tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế (Vietnamese International Film Festival), Kiều Chinh được trao giải thưởng Thành tựu Suốt đời (Lifetime Achievement Award). Cũng trong năm 2003, tại Liên hoan phim Phụ nữ (Women's Film Festival) ở Torino, Ý, Kiều Chinh được trao giải Diễn xuất Đặc biệt (Special Acting Award).
Khi trở thành công dân Mỹ, Kiều Chinh từng về Việt Nam 2 lần. Năm 1995, bà về nước thăm anh trai và gặp gỡ hai nghệ sĩ đồng nghiệp là Kim Cương và Thẩm Thúy Hằng. Năm 2016, bà về lần thứ hai dự lễ cắt băng khánh thành ngôi trường thứ 50 của quỹ từ thiện Vietnam Children's Fund - Quỹ trẻ em Việt Nam do Kiều Chinh và Quỹ này do diễn viên Kiều Chinh và nhà báo Terry Anderson sáng lập.
“Phần lớn trong những dịp gặp gỡ lễ tết, liên hoan phim, hội họp, Kiều Chinh thường xuất hiện với bộ áo dài nhiều kiểu dáng thuần Việt độc đáo. Những bộ áo này thường do Trịnh Bách (nhà nghiên cứu, sưu tập, phục chế trang phục Việt) và nhà thiết kế áo dài Sĩ Hoàng thiết kế riêng cho chị. Hai vị này mong ước sớm có bộ sưu tập áo dài cho Kiều Chinh”, nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Phú Yên chia sẻ.
Liên hoan phim Thế giới châu Á (AWFF) mang đến Los Angeles một số thuộc những tác phẩm hay nhất của châu Á để thu hút sự công nhận lớn hơn về tài năng của nghệ sĩ châu Á và tăng cường mối quan hệ giữa ngành công nghiệp điện ảnh châu Á với Hollywood.
Giải thưởng Thành tựu trọn đời - Báo tuyết (Snow Leopard) của chúng tôi luôn nghiêng về nhân cách đằng sau tài năng. Kiều Chinh đại diện cho cả hai yếu tố đó. Tài năng và nhân cách của bà làm “tan nát” màn ảnh! Các phim tranh giải năm nay, như hằng năm, phản ánh sự sống động của điện ảnh châu Á, là tinh thần thực sự những gì chúng ta đang hướng tới: rộng mở cánh cửa đến với điện ảnh thế giới của châu Á.
Georges N.Chamchoum - Giám đốc điều hành AWFF