Sẽ không có câu trả lời cho tình trạng phạm tội ở thanh thiếu niên, chừng nào bạn và tôi còn chưa hoàn toàn bước ra khỏi xã hội - cái xã hội tượng trưng cho tham vọng, tàn nhẫn, khao khát thành đạt, trở thành ông kia bà nọ, vươn đến đỉnh cao. Toàn bộ tiến trình đó về cốt lõi là theo đuổi sự thỏa mãn lấy cái tôi làm trung tâm, biến nó thành điều duy nhất đáng trọng.
Vấn đề này đã được Krishnamurti giải đáp trong cuốn sách “Như ta là” như sau:
Có một sự phản kháng rõ rệt trong khuôn mẫu xã hội. Một số phản kháng đáng tôn trọng, nhưng một số thì không, nhưng chúng luôn xảy ra bên trong phạm vi xã hội, bên trong những giới hạn của hàng rào xã hội. Và chắc chắn, một xã hội được xây dựa trên sự ganh tị, tham lam, tàn bạo, chiến tranh, thì tất phải chờ đợi sự phản kháng diễn ra bên trong nó. Những bộ phim chiếu ở rạp có quá nhiều cảnh bạo lực.
Đã từng có hai cuộc chiến tranh thế giới khủng khiếp, tượng trưng cho toàn bộ bạo lực của nhân loại. Một quốc gia duy trì quân đội tất phải gây ra tính hủy diệt cho các công dân của chính nó. Xin hãy lắng nghe điều này. Không có quốc gia nào hòa bình chừng nào nó còn có quân đội, dù là để phòng vệ hay tấn công. Quân đội vốn mang cả hai chức năng ấy, nó không mang lại hòa bình. Khi một nền văn hóa thiết lập và duy trì quân đội là lúc nó đang tự hủy diệt mình. Đây là một thực tế trong lịch sử. Và về mọi khía cạnh, ta đều được khuyến khích cạnh tranh, tham vọng, thành đạt.
Cạnh tranh, tham vọng và thành đạt là những thần thánh của một xã hội thịnh vượng như thế này, bạn còn trông mong gì nữa? Bạn muốn tình trạng phạm tội ở thanh thiếu niên trở nên đáng kể, chỉ thế thôi. Bạn không giải quyết tận gốc vấn đề, tức là chấm dứt toàn bộ quá trình chiến tranh, chấm dứt việc duy trì quân đội, chấm dứt tham vọng, không khuyến khích cạnh tranh. Những điều này, đã cắm sâu gốc rễ vào tâm can ta, là những rào chắn của xã hội mà bên trong đó ý thức phản kháng luôn luôn diễn ra cả ở người trẻ lẫn người già.
Vấn đề không chỉ là tình trạng phạm tội ở thanh thiếu niên, nó liên quan đến toàn bộ cấu trúc của xã hội; và sẽ không có câu trả lời chừng nào bạn và tôi còn chưa hoàn toàn bước ra khỏi xã hội - cái xã hội tượng trưng cho tham vọng, tàn nhẫn, khao khát thành đạt, trở thành ông kia bà nọ, vươn đến đỉnh cao. Toàn bộ tiến trình đó về cốt lõi là theo đuổi sự thỏa mãn lấy cái tôi làm trung tâm, biến nó thành điều duy nhất đáng trọng.
Bạn sùng bái một người thành đạt biết bao! Bạn tôn vinh một kẻ đã giết chết hàng ngàn người thế nào! Và trong đó có tất cả những sự chia rẽ của niềm tin, giáo điều - Kitô giáo và Hindu, Phật giáo và Hồi giáo. Đó là những thứ gây ra xung đột và khi ta tìm cách giải quyết tình trạng phạm tội ở thanh thiếu niên, bằng cách không cho chúng ra khỏi nhà hay khép chúng vào kỷ luật, đưa chúng vào quân đội hoặc nhờ cậy đến nhà tâm lý học và nhà cải cách xã hội, bạn chắc chắn đang xử lý hết sức hời hợt một câu hỏi nền tảng.
Nhưng ta ngại giải quyết các câu hỏi nền tảng bởi vì ta có thể trở nên xa lạ với số đông, ta có thể bị gán cho những cái tên như kẻ theo thuyết không tưởng hay đại loại như thế, và tên gọi dường như quá sức quan trọng đối với phần đông chúng ta. Dù là ở Nga, Ấn Độ hay ở đây, vấn đề về cốt lõi vẫn chỉ có một, và chỉ khi nào trí não thấu hiểu toàn bộ cấu trúc của xã hội, ta mới tìm thấy một thái độ tiếp cận vấn đề hoàn toàn khác, nhờ đó có thể thiết lập nền hòa bình thật sự, chứ không phải thứ hòa bình giả tạo của các chính trị gia.