Nhà thơ Phan Vũ: Cảm hứng tình yêu và tự do

16/07/2018 17:52
Nhà thơ Phan Vũ: Cảm hứng tình yêu và tự do

Phan Vũ, “chàng thi sĩ lãng du 93 tuổi” lại đọc thơ và hát ở Sài Gòn, giọng vẫn khỏe vang. Bên cạnh trường ca Em ơi, Hà Nội phố dài tới 23 khổ, trong tập thơ mới Ta còn em là 30 bài thơ tri ân Hà Nội và nhớ về các bóng hồng xưa.

Trước đó, năm 2010 kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, Phan Vũ đọc "Em ơi Hà Nội phố" trong ánh nến bập bùng và tiếng guitare phóng khoáng của Lê Minh Sơn. Ông cũng kể về một đêm đọc thơ ở Hà Nội do Dương Tường mời khách, có dãy ghế phía trước “toàn bà tóc bạc- những giai nhân của tôi lúc 17-18 tuổi”.

Tiếng “em” đa nghĩa đa tình

Tại buổi giao lưu, bà Xuân Phượng - người được coi như cây cầu nối nhiều sản phẩm văn hóa Việt ra với thế giới - đã hé lộ câu chuyện tình trong Em ơi Hà Nội phố của Phan Vũ. Năm 1972 bom Mỹ thả xuống Hà Nội, ngôi nhà đổ ấy vẫn vang tiếng đàn piano của một thiếu nữ con nhà trí thức. Cô đi sơ tán, thỉnh thoảng về nhà ở Hà Nội và chơi đàn.

Bà Xuân Phượng kể sau này bà mời Phan Vũ sang Paris. Chàng hát thứ tiếng Pháp được học lúc 7 - 8 tuổi cho hơn 300 người nghe. Bà Xuân Phượng muốn Phan Vũ gặp lại cô gái xưa chơi đàn trong ngôi nhà đổ - giờ đã lớn tuổi, sống ở ngoại ô, đi chơi đàn ở nhà thờ cuối tuần để kiếm sống. Khi bà Xuân Phượng muốn bà ấy gặp Phan Vũ thì bị từ chối, vì “bản giao hưởng dang dở có cái đẹp của nó, cứ để nó đẹp như vậy”.

Phan Vũ bảo ông “không nhớ hết tên người yêu”. Nhưng nhà báo Nguyễn Thế Thanh khi dẫn chuyện lại bảo “trong tình yêu, Phan Vũ không quên ai hết: mỗi khi ra Hà Nội ông đều nhớ tặng hoa cho các bóng hồng dù bây giờ họ đều đã yên phận thành những bà già”.

Nhà thơ Phan Vũ (trái) ký tặng thơ cho nhà báo Nguyễn Thế Thanh và đạo diễn Lê Cung Bắc tại buổi giao lưu ở TP.HCM - Ảnh: Độc Lập

Phan Vũ đào hoa, yêu nhiều, cảm xúc nhiều. Ông đã có lần cõng vợ - diễn viên điện ảnh Phi Nga - chạy trên phố Hàng Bún để đưa vợ đi cấp cứu. Với nhà báo Diễm Chi, người vợ mà ông gắn bó khi đã 73 còn nàng 37 tuổi, xưa ông coi nàng là con nít thì bây giờ nàng cũng coi ông như… con nít, nhắc đừng quên kính quên chìa khóa, nhớ uống thuốc. Tình yêu đã là cuộc đời cụ thể. Phan Vũ từng nói, với đàn ông, tình thương sâu đậm hơn dù lúc yêu mê mải đắm say.

Thơ tình Phan Vũ gần như bao giờ cũng dính dáng với một người nào đó, nhưng chữ “Em“ trong thơ của ông rất đa nghĩa. Em có thể là hồn Hà Nội, là mái ngói rêu phong, là màu xanh thời gian…

Thơ Phan Vũ không vần một cách thông thường. Nhưng cái hồn - như một Việt kiều nhận xét - “một cái hồn không cắt nghĩa được, đọc lên rung động, yêu và nhớ Hà Nội da diết”. Đọc thơ ông mỗi người sẽ hiện lên kỷ niệm của riêng mình, có khi chỉ là lá sấu khô chạy rào rào theo bước chân vào mùa gió thổi. Nhiều người cũng sẽ giống ông “người nghệ sỹ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”...

Phan Vũ kể: “Tôi dính dáng Hà Nội dù không phải quê ở đó. Tôi quê Đà Nẵng, sinh ra tại Hải Phòng. Lớn lên đi kháng chiến, vào Nam, sau 1975 mới về sống ở Hà Nội”. Một chuyện về nỗi đau chia cắt đất nước ít người biết là trước khi rời Nam bộ, Phan Vũ đã có vợ tên là Lê - một phụ nữ rất có chí khí, và cô con gái Châu Hà. Đằng đẵng mấy chục năm chiến tranh, mãi sau này gặp lại ông mới biết mình còn một cô con gái nữa, em của Châu Hà, là Dân Nam. Hai cô con gái này cùng với những người con sau của Phan Vũ với diễn viên Phi Nga đều rất thương yêu quý trọng nhau.

Ba cuộc chiến đấu

Phan Vũ bảo đời ông có ba cuộc chiến đấu: vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do sáng tạo, và hiện nay là chiến đấu với... tử thần. Không ai có thể ngờ thi sĩ lãng tử “phóng xe ào ào và ăn mặc bụi trước cả nước” ấy đã từng là chỉ huy quân sự ở một tỉnh... nhiều cọp nhất Campuchia. Thời kháng chiến chống Pháp, năm 1946 anh bộ đội Phan Vũ từng cùng với lính cõng trên lưng... toàn vàng và tiền từ trung ương vào Nam bộ, “mỗi người đeo một cái thùng đã hàn kín hoặc hai cát tút đựng vàng” - Phan Vũ kể, ông vào đoàn kịch Nam bộ rất sớm, từng là một trong những người thuộc chi hội văn nghệ đầu tiên cùng các tên tuổi Trương Bỉnh Tòng, Diệp Minh Châu, Hà Mậu Nhai...

 

Trong cuộc chiến đấu cho tự do sáng tạo, ông “giữ được cái Tôi, nhờ có nền tảng văn hóa, triết học” (Dương Thụ). “Là thế hệ chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp và phương Tây yêu tự do bình đẳng bác ái. Đời bị nhiều tai ương nhưng không oán hận. Đến tuổi này vẫn giữ rung động yêu thương trẻ trung” (TS. Nguyễn Thị Hậu). “Nghệ thuật của Phan Vũ để lại trong lòng công chúng một ấn tượng động mà át âm (dominante) là một vị ngọt ngào thơ man mác tình” (Dương Tường)...

Phan Vũ cho biết ông bị “kết tội” thời Nhân văn - Giai phẩm, suốt 15 năm thơ không được phổ biến, sau này Em ơi Hà Nội phố đi vào công chúng như “lá bùa hộ mệnh”. Phan Vũ làm bài thơ Bình vỡ năm 1956 lúc đang làm biên tập báo Nhân văn, là gửi thông điệp “tự do muôn năm”. Bài thơ đã lên khuôn nhưng rồi không ra được vì báo bị đình bản.

Cả chục năm nay, trong căn phòng nhỏ ở quận 9 ông vẫn làm thơ và cặm cụi trên giá vẽ. Ông nói, mỗi ngày thức dậy phải nghĩ sẵn cái gì đó để làm, vì với ông, thời gian đã như “một cánh cung căng”. Nhớ hồi ông vào tuổi 84 vẫn phóng xe ào ào, bị can ngăn ông bảo: “Tuổi này, khi không dám làm nữa mà dừng cái gì là mất nó vĩnh viễn. Bây giờ vẽ và làm thơ mỗi ngày - đó là thứ vũ khí để tôi chiến đấu ới tử thần”.

Phan Vũ trẻ trung trong thơ trong họa, trong quan niệm sống. Ông thích vẽ những cái ngọn cụt vì “dù bị chém cụt ngọn, cái đẹp vẫn ẩn tàng, đó là niềm hy vọng mãi mãi”...

Theo Nguyễn Thị Ngọc Hải/ Người Đô Thị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025