Misty Copeland, người vào năm 2015 trở thành nghệ sĩ múa chính da đen đầu tiên của Nhà hát ba lê Mỹ trong lịch sử hơn 70 năm, đã tái đăng hồi tuần trước trên trang Instagram của cô một tấm hình các nghệ sĩ múa ba lê trẻ người Nga trang điểm mặt đen diễn tập các vai của họ trong vở La Bayadere (Vương quốc bóng tối).
“Và đây là thực tế của giới ba lê”, cô viết dưới bài đăng tải, bài viết nhận được hơn 64.000 lượt thích và gây ra một cuộc tranh luận với gần 5.000 bình luận. Bài đăng tải nhanh chóng thu hút sự chú ý của truyền thông Nga.
Copeland, người có 1.7 triệu người theo dõi, kể các cô gái - những người mà truyền thông Nga cho rằng 14 tuổi - cần biết chuyện trang điểm mặt đen bị xem là phân biệt chủng tộc.
“Với sự tiếp cận truyền thông, truyền thông xã hội, giáo dục và tiếp xúc với thế giới nên không có lý gì khi nói rằng các cô gái không biết chuyện này không được chấp nhận”, cô giải bày.
Các nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực múa ba lê Nga đã bác bỏ cuộc tấn công vì không có cơ sở.
“Vở La Bayadere được biểu diễn theo cách này hàng ngàn lần ở Nga và ở nước ngoài và Nhà hát Lớn sẽ không tham gia vào cuộc bàn luận như thế”, Vladimir Urin, Tổng giám đốc nhà hát khẳng định.
La Bayadere, vở ba lê kể về câu chuyện một lễ cưới Ấn Độ thế kỷ 18, với sự tham gia của các nghệ sĩ múa ba lê trẻ trang điểm mặt đen để đại diện cho người Moor kể từ khi nó được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1877, Makhar Baziyev, người phụ trách đội múa Nhà hát Lớn, trình bày.
“Việc tìm kiếm một số sự sỉ nhục sâu sắc trong chuyện này chỉ đơn giản là vô lý. Không có ai phàn nàn với chúng tôi hoặc nhìn thấy trong những người Moor nhỏ bé này hành động thiếu tôn trọng”, ông giải thích.
Baziyev nói rằng có thể thay đổi kiểu trang điểm nếu nó gây sự giận dữ trong xã hội. Tuy nhiên, trong trường hợp này, đó chỉ là một nghệ sĩ múa và những người theo dõi Instagram của cô ấy, ông bộc bạch.
Nikolai Tsiskaridze, Giám đốc Học viện múa ba lê Nga và là một cựu ngôi sao múa ba lê Nhà hát Lớn, cho biết Nhà hát Lớn hạn chế trang điểm mặt đen ít nhất một lần trong một chuyến lưu diễn ở New York vào năm 2005.
Đội múa được cảnh báo chuyện trang điểm có thể gây “vấn đề”, vì thế, các nghệ sĩ múa thay đổi bằng các bộ trang phục đen, ông chia sẻ.
Phản ứng của truyền thông xã hội
Những người theo dõi Copeland bày tỏ sự tức giận và phê phán Nhà hát Lớn là thiếu hiểu biết. Sáu cô gái Nga có tên trong bài đăng tải của Copeland đã xóa tài khoản Instagram của mình.
“Trong thời gian qua, một số công ty múa ba lê không còn biểu diễn vở này nữa vì sự nhạy cảm về mặt văn hóa và sắc tộc”, Patrick Frenette, người múa cùng với Copeland tại Nhà hát ba lê Mỹ, viết dưới bài đăng tải của cô.
Những người khác chỉ trích Copeland vì đưa những vấn đề sắc tộc của Mỹ và lịch sử chế độ nô lệ của nó đối với Nga cũng như vì “bắt nạt trên mạng” những cô gái trẻ.
“Những cô gái này không cần phải nhận thức về các vấn đề chính trị xã hội của Bắc Mỹ vì chúng không liên quan đến họ và quốc gia của họ”, Yulia Teryaeva đáp trả bài đăng tải của Copeland.
Mặt đen là một hình thức trang điểm sân khấu chủ yếu được các nghệ sĩ da trắng sử dụng để nhạo báng người da đen. Việc thực hành trở nên phổ biến trong thế kỷ 19 và góp phần cho sự truyền bá phân biệt chủng tộc.
Ở Mỹ, mặt đen không còn được chuộng vào đầu thế kỷ 21, và giờ đây bị xem là xúc phạm và thiếu tôn trọng.
Mê Linh (theo RFERL)