Trước sự ra đi của nhà báo Larry King, rất nhiều chính khách nổi tiếng, các ngôi sao trong nhiều lĩnh vực đã bày tỏ sự thương tiếc thông qua các đăng tải trên mạng xã hội. Giọng nói trầm đặc trưng và phong cách thời trang luôn sử dụng dây kéo quần của ông đã trở nên quen thuộc đối với hàng triệu khán giả trên khắp thế giới.
Phong cách phỏng vấn tự nhiên, thoải mái, nhưng rất sâu sắc và khơi gợi nhiều vấn đề hấp dẫn, có sức nặng ở ông King đã giúp ông có khả năng thuyết phục được cả những chính khách nổi tiếng nhận lời xuất hiện trong các talkshow do ông dẫn dắt.
Phong cách phỏng vấn của Larry King thường được nhận xét là khiến cho máy quay dường như không còn tồn tại, chỉ còn lại những cuộc trò chuyện chân thực, đầy sức hấp dẫn. Điều này đã trở thành nét trứ danh trong sự nghiệp của một nhà báo chuyên dẫn dắt các talkshow phỏng vấn trên sóng phát thanh và truyền hình.
Trong cuộc đời mình, ông King kết hôn 8 lần, có 5 người con. 2 người con của ông đã ra đi trước ông trong tháng 8/2020 vừa qua. Khi qua đời, ông King vẫn đang hoàn tất thủ tục ly hôn lần thứ 8.
Ông King vốn sinh ra ở Brooklyn, New York, Mỹ. Ông không học Đại học và sớm phải đi làm để tự trang trải cuộc sống cá nhân sau khi học xong trung học.
Thuở ban đầu, ông làm những công việc tay chân đưa lại thu nhập thấp, nhưng khi nhận được lời khuyên từ một nhà báo trong lĩnh vực thể thao, rằng lĩnh vực truyền thông đang rất rộng mở, hãy dấn thân vào đó để tìm kiếm cơ hội, bởi đây hiện là lĩnh vực chấp nhận cả những người chưa có kinh nghiệm chuyên môn, nhưng sẵn có sự nhạy bén và bầu nhiệt huyết...
Ông King đã nghe theo và bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở các đài phát thanh. Trải qua sự nghiệp đình đám kéo dài hơn 6 thập kỷ, ông đã trở thành bậc thầy của những cuộc phỏng vấn, được xem như một nhà báo huyền thoại tại Mỹ. Ước tính, ông đã thực hiện hơn 50.000 cuộc phỏng vấn trong sự nghiệp.
Chia sẻ về thiên hướng "ăn nói" của mình, ông King từng chia sẻ: "Khi tôi đi xem các trận đấu bóng chày, tôi sẽ ngồi ở hàng ghế cuối và tự mình bình luận trận đấu theo cách riêng, các bạn tôi đều thích thú và hay ngồi quanh để nghe tôi tường thuật trực tiếp trận đấu, tôi tự bình luận theo cách của mình và đã luôn mơ ước trở thành một phát thanh viên kể từ khi còn nhỏ".
Cuộc sống của ông King bị đảo lộn năm ông lên 9 tuổi khi người cha của ông qua đời đột ngột khiến kinh tế gia đình rơi vào cảnh sa sút: "Cha tôi là động lực dẫn dắt tôi trong cuộc sống. Cái chết của ông tác động rất mạnh tới tôi bởi ông đã từng là cả cuộc sống của tôi".
Cuộc sống gia đình khó khăn, tất cả đều phải trông vào trợ cấp xã hội khiến ông King không thể theo đuổi sự nghiệp học hành mà sớm phải đi làm để tự trang trải cuộc sống.
Có thời điểm ông làm công việc tạp vụ cho một công ty thuê văn phòng trong một tòa nhà có trụ sở của một đài phát thanh, chàng thanh niên Larry King khi ấy đã có một trò chơi rất thú vị: "Khoảng 5-6 lần một ngày, tôi tranh thủ đi thang máy lên tầng 22, nơi có trụ sở của đài phát thanh, giả vờ mình là một phát thanh viên của đài.
"Rồi tôi lại đi thang máy xuống và hình dung mình nghỉ trưa, đi ăn trưa hoặc nghỉ giải lao, đi uống cà phê. Đôi khi có những phát thanh viên đi cùng chuyến thang máy với tôi, tôi nghe họ nói, tôi ao ước được là một người trong số họ".
Sau đó, ông lấy hết can đảm tiếp cận một phát thanh viên và hỏi xin lời khuyên từ người này, để làm sao ông có thể tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực phát thanh vốn đang rất phát triển thời bấy giờ. Người này đã thành thật khuyên ông nên tới thành phố Miami, nơi có nền công nghiệp truyền thông đang phát triển nhanh và mạnh mẽ, đưa lại rất nhiều cơ hội cho những người trẻ chưa có kinh nghiệm.
King nghe theo và liền tới thành phố Miami, bang Florida, ông đi gõ cửa từng đài phát thanh để xin một cơ hội. Giọng nói trầm ấm của ông đã thu hút sự chú ý của một nhà đài, ông được họ thuê làm... nhân viên dọn dẹp vệ sinh tạm thời, ông chấp nhận sự sắp xếp này để chờ một cơ hội hiếm hoi xuất hiện, để được lên sóng khi có một vị trí bị bỏ trống hoặc có một phát thanh viên nghỉ đột xuất.
Cơ hội mà ông chờ đợi đến rất nhanh khi có một DJ của đài nghỉ việc, khi ông vừa lên sóng được vài phút, sếp của ông bắn tin vào phòng phát thanh, yêu cầu ông chọn ngay một tên mới để khán giả dễ nhớ (tên thật của ông là Lawrence H. Zeiger), ông liền chọn tên Larry King ngay trong tức khắc.
Trong lần đầu được lên sóng ấy, ông King đã vô cùng... sợ hãi, thoạt tiên ông không thể nói được gì. Sau vài phút hoàn toàn im lặng, sếp của ông vô cùng tức giận và bước vào phòng thu thanh quát lớn: "Đây là chương trình phát thanh, anh hãy nói gì đi".
Ông King lúc đó mới... "hoàn hồn" và nói nhanh: "Xin chào, tôi là Larry King. Cả cuộc đời mình tôi đã mơ ước được xuất hiện trên sóng phát thanh. Giờ đây, tôi đã được lên sóng phát thanh, nhưng tôi đang sợ quá...".
Vậy là chàng thanh niên Lawrence H. Zeiger đã trở thành... phát thanh viên Larry King vào ngày 1/5/1957 và kể từ sau ngày đó, ông không ngừng xuất hiện trên sóng phát thanh và sau này là sóng truyền hình, đến gần và chinh phục công chúng.
Ông King ngay khi vừa mới xuất hiện đã chinh phục được người nghe đài, sau hai năm làm nghề, ông thực hiện các thủ tục để chính thức đổi tên trên các giấy tờ tùy thân thành Larry King và được ký hợp đồng với nhà đài mà ông đã cộng tác.
Đối với ông King, chính giai đoạn làm việc ở đài phát thanh này là khi ông xem mình như đang "đi học Đại học", bởi ông có cơ hội phỏng vấn các nhân vật thuộc nhiều lĩnh vực, từ người công nhân lao động cho tới ngôi sao giải trí, hay các chính khách danh tiếng...
Bích Ngọc
Theo New York Post/Today