Người thông minh không làm việc một mình - Nếu người cộng sự phản bội, bạn sẽ trả thù hay tha thứ?

26/04/2020 08:00
Người thông minh không làm việc một mình - Nếu người cộng sự phản bội, bạn sẽ trả thù hay tha thứ?

Shirer nhìn sang Murrow tìm kiếm sự ủng hộ. Thế nhưng, thay vì đứng về phía người cộng sự lâu năm của mình, Murrow lại nói: “Nếu anh không muốn thì thôi vậy. Bill, anh là sếp”...

Edward R. Murrow và William L. Shirer, hai phóng viên đài phát thanh CBS, là đôi cộng sự ăn ý. Họ làm nhiều chương trình phát thanh gây chấn động về châu Âu trước chiến tranh, nổi tiếng nhất là chương trình “Tổng hợp tin tức châu Âu” ngay sau khi Áo bị Đức quốc xã thôn tính.

Quá trình làm việc cùng nhau dưới nhiều áp lực đã xây dựng sự tin tưởng mãnh liệt giữa hai phóng viên. “Chúng tôi đã tạo nên mối liên kết thật sự, và bạn chỉ có thể có được một vài lần như thế trong đời”, - Shirer cho biết sau chương trình phát thanh cuối cùng từ châu Âu.

Nếu người cộng sự phản bội bạn, bạn sẽ trả thù hay tha thứ? (kỳ 1) - 1

Vào năm 1947, Shirer là bình luận viên của đài CBS, nhưng khi nhà quảng cáo tài trợ cho chương trình tỏ ra không hài lòng về anh, anh bị chuyển xuống làm chương trình vào giờ phát sóng không được tài trợ. Shirer tuyên bố từ chức. Với tuyên bố công khai như vậy, Shirer đã đặt Murrow, khi ấy đang nằm trong ban giám đốc điều hành CBS, vào tình thế khó xử trước những đồng nghiệp đứng về phía Shirer.

Hai nhà báo gặp nhau bàn chuyện trong một quán rượu ở khách sạn New York. “Họ là hai cộng sự già từng bên nhau trong những đường hào chiến đấu để có ngày hôm nay”, - Joseph E. Persico, người viết tiểu sử Murrow, viết. Họ nghĩ ra cách sắp xếp cho Shirer ở lại CBS. Hai người trình bày với Tổng Giám đốc CBS là William S. Paley và mong được chấp thuận. Tuy nhiên, Paley không quan tâm. “Tôi chỉ biết rằng anh không còn hữu dụng nữa. Anh bị sa thải”.

Shirer nhìn sang Murrow tìm kiếm sự ủng hộ. Thế nhưng, thay vì đứng về phía người cộng sự lâu năm của mình, Murrow lại nói: “Nếu anh không muốn thì thôi vậy. Bill, anh là sếp”. Shirer cảm thấy như bị phản bội.

Nếu người cộng sự phản bội bạn, bạn sẽ trả thù hay tha thứ? (kỳ 1) - 2

Việc rời khỏi CBS rốt cuộc lại có lợi cho Shirer. Anh chuyển sang viết lách và tác phẩm hay nhất của anh đã ra đời, cuốn “The Rise and Fall of the Third Reich” (Thời Kỳ Huy Hoàng Và Sụp Đổ Của Đệ Tam Quốc xã). “Nếu Shirer tiếp tục làm trong lĩnh vực phát thanh, thay vì nghiên cứu và viết lách, thì sẽ không bao giờ có quyển sách đó”, - tờ The New York Times bình luận.

Shirer thôi làm phát thanh. Nhưng đó không phải là vấn đề. Murrow đã dập tắt sự tin tưởng ở Shirer, nhưng lại nhen nhóm lên sự căm phẫn trong anh. Trong cuốn tiểu thuyết năm 1954 “Stranger Come Home” (Người Lạ Trở Về Nhà) của Shirer mô tả một nhân vật với tính cách nhu nhược và đạo đức giả, như là bức chân dung biếm họa của Murrow.

Gần hai mươi năm sau sự việc, Murrow lúc đó đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư, đã đòi được gặp Shirer. Hai người cộng sự cũ lái xe lòng vòng trong một ngày hè oi ả gần trang trại của Murrow ở thành phố New York. Murrow có vẻ mệt mỏi và ho. “Có đôi lần anh ấy muốn nhắc về quá khứ, nhưng tôi đã lảng sang chuyện khác”, - Shirer nhớ lại. - “Tôi không muốn nói lại nữa. Chuyện đó đã xảy ra, đã tàn phá con người tôi, nhưng tôi vẫn sống được. Chỉ thế thôi”.

Họ trở lại nhà của Murrow và tạm biệt nhau.

Murrow mất vào mùa Xuân năm sau. “Shirer đã gạt bỏ ký ức đó ra khỏi trái tim mình, và khi ấy, anh đã tha thứ”, - Persico viết.

***

Khi một mối quan hệ hợp tác đang tốt đẹp thì những người cộng sự sẽ hành động vì nhau. Người này thay đổi mục tiêu để thích ứng với người kia. Họ công bằng với nhau. Họ tập trung vào ưu điểm và bỏ qua nhược điểm của nhau. Đỉnh điểm của sự hợp tác là khi cả hai đều hy sinh lợi ích cá nhân vì hạnh phúc của người kia.

Nếu người cộng sự phản bội bạn, bạn sẽ trả thù hay tha thứ? (kỳ 1) - 3

Tuy nhiên, khi sự việc chuyển hướng tiêu cực, một loạt cảm xúc và phản ứng song song sẽ bùng phát. Mỗi người sẽ theo đuổi một mục đích riêng. Điểm mạnh của người cộng sự dường như không còn ấn tượng nữa. Đến lúc mối quan hệ trở nên tồi tệ, các cộng sự không chỉ từ chối hy sinh vì lợi ích của nhau, mà còn “không muốn nhìn mặt nhau” và khiến người kia bị tổn thương.

“Sẽ có ngày họ phải trả giá”, - Terry Garnett tự nhủ khi Giám đốc Điều hành Oracle Larry Ellison sa thải ông. Cuối cùng, Garnett đã trở thành chủ tịch của Ingres, đối thủ cạnh tranh của Oracle. Garnett chia sẻ trên Bussiness Week: “Tôi nuôi mối hận thù. Phải chăng đó là động lực của tôi? Đúng là như vậy đấy”.

Theo triết gia Aristotle, những cảm giác giận dữ cần phải được trút bỏ hoặc giải tỏa, tránh bị dồn nén, bởi điều đó có thể khiến cảm giác tiêu cực bùng nổ dữ dội hơn. Nhà phân tâm học Sigmund Freud lập luận rằng nếu con người không phản ứng mạnh mẽ trước sự tấn công về mặt cảm xúc, những cảm giác chưa được giải tỏa sẽ vẫn còn mãi.

Lời khuyên của Freud đã được lặp lại sau đó hàng thập kỷ. Một cuốn sách xuất bản năm 1993 nói về cách kiểm soát cơn giận dữ đã viết: “Hãy đấm thật mạnh vào cái gối hay bao cát. Hãy trút tất cả sự phẫn nộ vào đó. Và như vậy, bạn sẽ tránh làm tổn hại đến bản thân khi giữ trong lòng sự bực tức tai hại”.

Chỉ có một vấn đề với giải pháp trên là nó… không hiệu quả. Theo giả thuyết của Freud, nếu một người nào đó bị đồng nghiệp lăng mạ, anh ta sẽ chuyển cơn giận sang việc đóng đinh suốt 10 phút, và sau đó sẽ giải tỏa được cảm giác tiêu cực trong lòng. Vào năm 1959, một nhà nghiên cứu ở Đại học Iowa đã thử nghiệm ý tưởng này khi cho phép một nửa đối tượng nghiên cứu đập búa để trút cơn giận sau khi bị lăng mạ. Kết quả là những người đóng đinh càng tăng nỗi hận thù với người đã xúc phạm họ.

Điều đó cho thấy việc giải tỏa cơn giận theo cách đó chẳng khác nào trút thêm dầu vào lửa, và sẽ càng làm cho ngọn lửa cháy bùng lên. Nghĩ đến cảm giác hận thù, hận thù sẽ ngày càng chồng chất.

Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng một người càng nuôi dưỡng sự giận dữ hay gợi lại những sự kiện tồi tệ thì vấn đề càng khó giải quyết, và vì thế mối quan hệ hợp tác sẽ càng khó kéo dài và dễ rạn nứt.

Vậy bạn nên làm gì để hàn gắn mối quan hệ hợp tác của mình? Giải pháp mang tính xây dựng đòi hỏi sự dung hòa giữa việc tách biệt và đắm chìm vào những xúc cảm do sự việc gây ra - đủ gần để chấp nhận hoàn cảnh và đủ xa để tránh hồi tưởng đến nó. Lúc ấy, bạn có thể đánh giá nguyên nhân cảm giác khó chịu mà không khuấy động cảm xúc ban đầu.

Một trong những cách tốt nhất để giải quyết vấn đề trong quá khứ là tìm kiếm điều tích cực bên trong nó. Shirer đã cảm thấy thanh thản hơn khi thôi day dứt về hành động quay lưng của Murrow, mà nghĩ nhiều đến việc rời khỏi CBS đã mang đến cho anh cơ hội viết nên một cuốn sách đỉnh cao.

Một nghiên cứu trên 304 sinh viên với yêu cầu họ nhớ lại “một việc xấu mà ai đó đã làm với bạn” đã khám phá ra rằng những sinh viên được hướng dẫn tư duy tích cực vượt qua sự việc dễ dàng hơn. Nhóm nghiên cứu bảo họ: “Hãy viết ra những điều tốt đẹp sau sự việc ấy. Mặt tích cực mà bạn nhận được là gì? Có thể bạn nhận thức được điểm mạnh của bản thân mà trước đó bạn không hề nhận ra, hoặc có thể bạn trở nên sáng suốt và mạnh mẽ hơn”.

Kết quả là những sinh viên tư duy tích cực dễ dàng tha thứ hơn. Họ ít nghĩ đến việc trả thù và né tránh người gây sự với họ so với những tình nguyện viên được hướng dẫn tập trung vào sự công kích.

Theo “Người thông minh không làm việc một mình"

First News phát hành

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025