Tiếp đó, nhà nghiên cứu nhốt hai con khỉ vào hai cái chuồng cạnh nhau để chúng có thể thấy việc đổi chác của con bên cạnh. Cô đến bên một con khỉ và thực hiện cuộc trao đổi thông thường: một lát dưa chuột đổi lấy một viên thạch anh. Rồi cô tiến đến con khỉ thứ hai, nhưng lần này là đổi một quả nho lấy một viên thạch anh. Khỉ thích nho hơn dưa chuột.
Thấy con khỉ kia có được phần lớn hơn dù cũng đổi một viên thạch anh, con khỉ đầu tiên tỏ ra buồn bã. Nó có thể “đình công”, không chịu trao đổi vào những lần sau. Nó có thể không thèm ăn lát dưa chuột mặc dù đã đổi viên thạch anh để lấy lát dưa đó. Nếu không nhìn thấy việc đổi lấy nho thì chắc chắn nó đã ăn lát dưa đó rồi. Trong những trường hợp quá khích, con khỉ có thể tức giận ném món đã đổi ra ngoài.
Phản ứng như vậy thật vô lý. Khi từ chối đổi những viên đá lấy thức ăn hay khi ném những lát dưa mà đáng ra nó được ăn, con khỉ chỉ tự làm nó tức giận thêm. Vậy thì tại sao nó lại hành xử như thế?
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Khỉ châu Phi dường như biết ước lượng phần được chia một cách tương đối, so sánh phần của chúng với thứ có sẵn, và cả nỗ lực của chúng so với những con khỉ khác. Chúng phản ứng theo hướng tiêu cực… nếu con trong đàn có được phần lớn hơn”. Các học giả gọi hiện tượng này là “mối ác cảm về sự bất công” hay “công bằng về sự phân phối”. Nếu lẽ công bằng quan trọng đối với khỉ thì đối với con người, yếu tố ấy càng đóng vai trò quan trọng hơn.
Trong mối quan hệ công việc, ngay cả khi bạn không phải là sếp, bạn cũng nên bảo đảm rằng cộng sự của bạn được sự đối xử công bằng. Nếu bạn có một quả nho, bạn có trách nhiệm đảm bảo rằng anh ta có một cái gì đó tốt hơn những lát dưa chuột.
Ở cùng một cấp độ thì công bằng là lẽ thường tình. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu người mẹ bảo hai đứa trẻ dọn dẹp đồ chơi và rồi thưởng cho bé này quả táo còn bé kia kem ốc quế. Các bà mẹ hiểu được sự công bằng, và họ biết rằng bọn trẻ mới chập chững biết đi sẽ so đo rồi giận dỗi không khác những con khỉ là mấy.
Dù không hiểu biết về các thuật ngữ như “công bằng về sự phân phối” và “mối ác cảm về sự bất công”, nhưng trẻ con nhanh chóng học được cách giữ sự công bằng. Chúng nên chia mẩu bánh sô-cô-la như thế nào? Một bé cắt bánh; bé còn lại sẽ chọn phần của mình. Ai được đi trước trên bàn cờ? Hãy ném xúc xắc để được điểm cao hơn. Ai được ngồi ở hàng ghế đầu tiên? Oẳn tù tì sẽ biết thôi. Bọn trẻ biết khó mà chơi cùng nhau nếu không làm vậy. Đứa trẻ nào nhận thấy không có sự “ăn đồng chia đủ” sẽ gào lên “Đồ ăn gian!” rồi bỏ chạy một mạch về nhà.
Người lớn cũng đòi hỏi sự công bằng. Cho dù khéo che đậy cảm xúc, ít than vãn, ít ném đồ đạc, hay ít khi tức giận công khai hơn, nhưng họ đều biểu lộ cảm giác giống nhau khi được hỏi về việc làm quá nhiều, nhưng nhận được quá ít.
Sự công bằng chính là nền tảng, là động lực để cả hai cùng nhau làm việc một cách hiệu quả và tránh rơi vào cảm giác thua thiệt, bất công.
Để trở thành một cộng sự tuyệt vời, bạn phải không ngừng xem xét lượng công việc mà cộng sự của bạn đang đảm trách và phần thưởng người ấy sẽ nhận được từ nỗ lực đó. Phần thưởng nào có ý nghĩa nhất đối với người ấy, và liệu anh ấy/cô ấy có nhận chúng không? Bạn có sẵn lòng đổi công việc và phần thưởng của mình với người đó không? Hai bạn có đang thật sự làm việc bình đẳng không? Việc xác định vấn đề này đòi hỏi phải có những cuộc trò chuyện thẳng thắn và nếu cần, còn phải sẵn lòng làm nhiều hơn và nhận ít hơn. Và cộng sự của bạn cũng cần điều chỉnh tương tự.
Đạt đến cấp độ này không phải dễ, ngay cả với những người có học vấn cao trong xã hội. Các giáo sư thường tranh cãi quanh vấn đề ai nhận được cái gì. Họ không tranh luận về những quả nho và dưa chuột, mà về việc ai được đứng tên trước trên công trình khoa học. Các giáo sư có họ bắt đầu bằng những chữ cái nằm cuối bảng ký tự Latinh kêu ca rằng thật không công bằng khi họ thường xếp sau trong danh sách tác giả.
Các con khỉ châu Phi biết cách giải quyết vấn đề này. Vào năm 2006, các nhà nghiên cứu chia chúng thành từng cặp và đưa chúng một thiết bị giữ hai chén thức ăn, mỗi con một chén. Hai chén được giữ xa khỏi tầm với của cả hai con khỉ. Các nhà nghiên cứu đưa chúng vào tình huống khó xử, đó là thỉnh thoảng bỏ vào trong chén này một lát táo và chén kia một quả nho. Cũng giống như tác giả được xếp tên đầu trong bài báo, chỉ có một trong số những người cộng sự có được quả nho.
Nhưng các con khỉ có thể đổi vị trí cho nhau. Và đó chính là điều mà những đôi khỉ ăn ý nhất đã làm. Các nhà nghiên cứu khám phá rằng ở “những đôi công bằng”, chúng hợp tác tốt hơn khi luân phiên giữ vị trí có nho, và với phương pháp như vậy, chúng đã thành công. Ở “những đôi không công bằng”, trong đó một con khỉ luôn giành phía có nho, chúng khó hợp tác với nhau khi cuối cùng, con khỉ ít khi được phần nho không chịu tham gia.
Một cách ngẫu nhiên, khỉ thay đổi cách thức hợp tác dựa vào tính công bằng trong mối tương tác với đồng đội. Các nhà khoa học kết luận: “Ở các cặp đôi mà cả hai lần lượt thay phiên nhận phần thưởng có giá trị cao hơn thì tỷ lệ thành công sẽ cao gấp hai lần những cặp ít công bằng hơn”.
Đó là lợi ích của sự công bằng.
Theo Người thông minh không làm việc một mình