Mong ước lớn nhất trong đời Vivien Thomas là trở thành bác sĩ. Nhưng vào năm 1930, niềm khát khao học đại học của chàng trai da đen 19 tuổi đã tan thành mây khói khi ngân hàng nơi anh gửi toàn bộ số tiền dành dụm được trong bảy năm làm nghề mộc đã phá sản.
Lúc ấy, anh chỉ mới làm việc được vài tháng cho Alfred Blalock, một bác sĩ da trắng 31 tuổi làm việc tại Bệnh viện Đại học Vanderbilt. Blalock điều hành phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Vanderbilt và ông thuê Thomas làm trợ tá.
Blalock là người làm việc với cường độ cao và không bao giờ chùn bước. Ngay khi còn bé, ông nhất định không đi ngủ khi chưa làm xong bài tập về nhà. Trước đó, một người bạn cảnh báo Thomas về Blalock và bảo anh sẽ khó làm việc cùng ông ấy. Do cần việc nên Thomas cứ xin vào làm. Qua lần gặp đầu tiên, anh nhận thấy Blalock dễ gần, trầm tĩnh và nghiêm túc. “Tôi muốn một người làm việc trong phòng thí nghiệm, người mà tôi có thể hướng dẫn làm mọi việc tôi có thể làm và cả những việc tôi không thể”, - vị bác sĩ nói với người mới được tuyển.
Thomas học việc rất nhanh. Anh tiến hành các thí nghiệm trên cơ thể những chú chó đã được gây mê, cẩn thận ghi chú những phản ứng sinh lý gây tổn thương hệ thần kinh, với hy vọng những khám phá đó có thể cứu được mạng sống con người. Vào thời điểm ấy, số bệnh nhân chết vì bị sốc khi phẫu thuật nhiều hơn bất kỳ nguyên nhân nào khác.
Trong vài tháng đầu, mọi việc tiến triển tốt đẹp. Thomas viết: “Chúng tôi làm việc với nhau khá ăn ý, nhưng đến một sáng nọ, một việc đã xảy ra. Tôi không nhớ chính xác đó là việc gì, chỉ biết mình đã mắc lỗi nào đó. Bác sĩ Blalock hét lên giận dữ. Những lời lẽ xúc phạm mà ông dùng chắc phải khiến cho chuyên gia tục ngữ ngưỡng mộ”. Rồi Blalock lấy lon coca trong tủ lạnh và lao ra ngoài, bỏ Thomas đứng sững sờ trong phòng thí nghiệm”.
Thomas thay bộ đồ phòng thí nghiệm rồi vào văn phòng của Blalock. Vị bác sĩ tỏ vẻ ngạc nhiên như chưa có gì xảy ra.
Sau khi Thomas nói lên cảm xúc và suy nghĩ của mình về sự việc, Blalock xin lỗi. Ông bảo ông đã mất bình tĩnh và chuyện đó sẽ không bao giờ lặp lại. Ông đề nghị Thomas quay trở lại làm việc và anh đồng ý. Nhưng nếu Blalock nổi đóa một lần nữa, Thomas sẽ kiên quyết nghỉ việc.
“Bác sĩ Blalock đã giữ lời suốt 34 năm sau, dù tôi phạm nhiều lỗi lầm. Chúng tôi thi thoảng có những bất đồng, thậm chí tranh luận nảy lửa nhưng chúng tôi không ngần ngại cho người kia biết điều mình đang nghĩ, theo cách thẳng thắn giữa đàn ông với đàn ông, dù nó liên quan đến cuộc nghiên cứu, hay đến việc điều hành phòng thí nghiệm. Ngẫm lại, tôi nghĩ xung đột nhỏ này đã hình thành nên giai đoạn mà tôi gọi nó là sự tôn trọng lẫn nhau qua năm tháng”, - Thomas viết.
Do sự chênh lệch về trình độ học vấn, chức vị và sự khác biệt màu da trong thời kỳ xã hội còn nạn phân biệt chủng tộc, nên họ đã không nhận được sự đánh giá ngang nhau. Trong mối quan hệ hợp tác của hai người, rõ ràng Blalock là người chịu trách nhiệm chính còn Thomas là người hỗ trợ. Tuy nhiên, bên trong phòng thí nghiệm, họ đối xử với nhau như những người cộng sự.
Tuy có nhiều khác biệt nhưng giữa Blalock và Thomas vẫn có nét tương đồng quan trọng. Cả hai bù đắp cho nhau những mong đợi không được như ý của bản thân mỗi người. Cả hai đều chăm chỉ cống hiến cho ngành y. Cả hai đều có kỹ năng cao, mặc dù khác nhau nhưng bổ sung cho nhau. Khi vị bác sĩ bận rộn công việc bên ngoài phòng thí nghiệm, Thomas đảm nhận nhiều nhiệm vụ hơn. Chẳng mấy chốc, chàng kỹ thuật viên không chỉ giúp chuẩn bị động vật cho cuộc phẫu thuật mà còn thực hiện toàn bộ quá trình.
Vào năm 1940, Blalock được đề nghị làm bác sĩ chính kiêm trưởng khoa phẫu thuật tại bệnh viện John Hopkins. “Nếu tôi đồng ý, và chắc chắn tôi sẽ nhận, thì tôi muốn cậu đi cùng tôi”, - vị bác sĩ bảo Thomas. Và cả hai chuyển đến Baltimore cùng với gia đình của họ.
Khi Thomas chứng tỏ được năng lực bản thân, Blalock đã tìm cách vận động để tăng lương cho Thomas, hỏi và đánh giá cao ý kiến của anh, cùng viết các bài luận với anh, và chỉ đồng ý về làm việc nếu như kỹ thuật viên của ông cũng được nhận vào làm.
Trong các cuộc phẫu thuật động vật, đôi khi họ hoán đổi vai trò cho nhau: Thomas cầm dao mổ, còn Blalock hỗ trợ. “Hai người kết hợp thật ăn ý với nhau”, - một bác sĩ phẫu thuật tại Hopkins cho biết.
Blalock gọi Thomas là “anh chàng kỹ thuật viên tuyệt vời của tôi”. Qua quá trình làm việc với bác sĩ Blalock, Thomas trở thành người hướng dẫn các sinh viên y khoa tại John Hopkins. Anh được học viện trao tặng bằng tiến sĩ danh dự.
Khi đến lúc phải quyết định nên treo bức chân dung Thomas ở đâu, nhà trường tuyên bố: “Chúng tôi sẽ treo bức chân dung của anh cạnh giáo sư Blalock. Chúng tôi nghĩ các anh đã gắn kết với nhau và hãy cứ tiếp tục như thế nhé”.
***
Mối quan hệ hợp tác nào cũng là sự kết hợp của hai người không hoàn hảo. Trong sự hợp tác đó, bạn không cần phải chấp nhận mọi cách cư xử mà nên điều chỉnh tính cách hoặc thói quen nào đó của người cộng sự nếu nó vượt quá ranh giới cho phép, giống như việc Vivien Thomas không chấp nhận để Alfred Blalock la mắng. Người cộng sự không nên có cảm giác mình đang chịu đựng hay bị lạm dụng, không nên lười biếng, không thành thật, ích kỷ, cũng không nên tranh hết công trạng trong thành tích chung.
Đừng để danh sách “những điểm không thể chấp nhận” về người cộng sự của bạn quá dài, tuy nhiên việc đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn có thể khiến bạn khó tìm thấy những người cộng sự tiềm năng. Thay vào đó, có lúc bạn cần nỗ lực thích ứng khi hợp tác cùng nhau, như Thomas học cách sống với tính nóng nảy và hay than phiền của Blalock vậy.
Sự chấp nhận chủ động đi đôi với cấp độ hạnh phúc và khả năng kiểm soát cao. Trong một mối quan hệ hợp tác, cần nhớ là nên tập trung vào điểm mạnh của cộng sự, thay vì điểm yếu, chấp nhận con người thật của họ và thông cảm khi họ phạm lỗi lầm. Trong mối quan hệ cộng tác thành công nhất, người cộng sự sẽ từng bước đánh giá cao điều mà trước đây khiến họ bực mình.
Theo “Người thông minh không làm việc một mình”