Ngày 26.11.1978 (nhằm ngày 26.10 âm lịch), nữ nghệ sĩ Thanh Nga cùng chồng đã bị giết hại rất dã man. Kỷ niệm 40 năm ngày NSƯT Thanh Nga và chồng ra đi vĩnh viễn, cháu trai của bà là nghệ sĩ Hữu Châu và gia đình sẽ làm lễ giỗ hàng năm của bà và chồng tại TP.HCM vào trưa ngày 2.12.2018.
Tròn 40 năm, thời gian trôi qua, nhưng những ký ức về bà trong lòng của những người nghệ sĩ đồng nghiệp như Bạch Tuyết, Thanh Kim Huệ, Mộng Tuyền... và nhiều người khác giả vẫn không phai nhạt.
NSƯT Thanh Nga (1942 - 1978) - Ảnh: Gia đình cung cấp
NSND Bạch Tuyết
“Giấc mơ về chị vẫn luôn có trong tôi, từ ngày còn là một khán giả nhỏ. Năm 14 tuổi, tôi vẫn còn là cô học trò rất ngây thơ học ở trường Đức Trí đã len lỏi trước bao khán giả để xin một tấm hình có chữ ký Thanh Nga. Không biết có phải hữu duyên hay không mà tôi được chị Nga chú ý, chị nâng cằm tôi và hỏi: "Cưng có biết hát cải lương không?". Tôi sung sướng trả lời: "Thưa chị, em biết hát tân nhạc chút chút". Thế là chị bảo: "Em đi học cải lương đi, gương mặt này đi hát nổi tiếng lắm đó".
Đó là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với người nghệ sĩ mà mình yêu mến. Thật tuyệt vời, cả đêm tôi mất ngủ, cứ mơ màng nhìn thấy chị. Thời điểm đó, chị nổi tiếng lừng lẫy với các vở Người vợ không bao giờ cưới, Hoàng hậu Mã Nhi Nương Bửu... Lời khuyên của chị ngày nào đối với tôi như một định mệnh. Tôi bước vào nghệ thuật và trở thành nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Bạch Tuyết và nghệ sĩ Thanh Nga - Ảnh: T.V ghép
Năm 1963, tôi đoạt HCV giải Thanh Tâm cùng nghệ sĩ Ngọc Giàu, Trương Ánh Loan, Diệp Lang, Thanh Tú, Tấn Tài. Thật bất ngờ, sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga đã quyết định dàn dựng vở Khói sóng Tiêu Tương của tác giả Hà Triều Hoa Phượng, tập hợp toàn các nghệ sĩ vừa đoạt giải nhập vai.
Tự đáy lòng, tôi muốn hỏi đất, hỏi trời đã có bao giờ dự đoán về sự ra đi quá đau đớn và đột ngột này hay không? Có hay không thì chị, tài năng tạo thành biểu tượng của cái đẹp, đôi khi quá mong manh rồi vỡ vụn để hóa thành vĩnh cửu với tha nhân... Những vai diễn của chị Thanh Nga ít ai dám diễn lại, không phải vì bản thân người đó không có tài, mà vì trong tấm lòng và cách nhìn của khán giả không có ai hơn chị Thanh Nga. Mà nhất là sự ra đi của người nghệ sĩ đó, đã làm cho người ta quá thương mến. Thành ra, với khán giả, không ai diễn hay hơn Thanh Nga.
Những người tổ chức nghệ thuật có một cái nhìn là, người ta chỉ tổ chức những chương trình hấp dẫn khán giả. Còn những chương trình không thu hút, người ta không làm. Khi thủ vai Trưng Trắc trong Tiếng trống Mê Linh, chị Thanh Nga đang ở tột đỉnh danh vọng. Nhan sắc ở lứa tuổi 30 là nhan sắc của người đàn bà đầy tự tin. Tôi không còn thấy mặt Thanh Nga là một thiếu nữ đượm buồn như ngày trước nữa. Hàng ghế khán giả đa số là sinh viên nước mắt ròng ròng. Tôi cũng khóc... Lệ của người đàn bà thay chồng giữ nước trong tình huống ngặt nghèo này đã uất hận chảy ngược về tim”.
NSƯT Thanh Kim Huệ
Ngày nghe tin chị bị sát hại, tôi tức tốc chạy đến bệnh viện. Chị nằm đó như đang ngủ, tóc xõa dài, mặc nguyên bộ quần áo đỏ rất đẹp. Chị Nga mất, tôi hụt hẫng một thời gian dài, đêm nào cũng nằm mơ thấy chị. Tôi nhớ năm 12 tuổi, nhờ một ký giả kịch trường giới thiệu nên được về đoàn Thanh Minh Thanh Nga 2.
Hôm đó, một buổi chiều, đoàn tập vở Đồ Long kiếm tại nhà chị Thanh Nga. Chị vào vai nữ hiệp, còn tôi đóng vai tỳ nữ theo hầu. Đến lớp của chị tập, lẽ ra phải nói trước một câu thoại để tôi từ trong cánh gà bước ra thì chị lại nói trật nên tôi không ra. Người quản lý thấy vậy liền thúc tôi cứ ra đi, tôi cãi lại: "Tại chị ấy nói sai tuồng làm sao em ra được".
Không ngờ chị Nga ở bên ngoài nghe thấy, ai cũng tưởng chị sẽ nổi giận đùng đùng vì từ trước đến nay chị nói gì mọi người cũng nghe. Không ngờ chị phì cười và nói: "Con nhỏ đó nguyên tắc ghê, như vậy rất tốt, sẽ tạo được sự nghiệp lớn trong nghề chứ chẳng chơi". Lúc đó, tôi chỉ biết cười và trong lòng đã có một ấn tượng đẹp về Thanh Nga, một nữ nghệ sĩ nổi danh, tài sắc, ca hay diễn giỏi, lại là con gái bà bầu nhưng không kiêu ngạo mà rất công bằng.
Nghệ sĩ Thanh Kim Huê thời trẻ - Ảnh: CLVN
Thời đó, tôi còn nhỏ nhưng có biệt tài xem bói bài, chị Nga thường xuyên chở tôi về nhà xem, nhiều lần tôi được chị khen đúng nên cho tiền. Sau năm 1975, tôi rời đoàn nên chị em ít có dịp gặp nhau, lúc đó tôi đã lập gia đình và tạo được tên tuổi cho mình. Có lần tôi diễn, chị còn mang một đống mũ đội đầu của nhân vật vào cho tôi chọn khiến tôi vô cùng cảm động. Lần tôi sang Mỹ du lịch, gặp lại chồng cũ của Thanh Nga, tôi hỏi anh: "Đã sống đến 70 tuổi rồi, ngồi ngẫm nghĩ lại, anh thấy thương ai nhất?", anh đã trả lời: "Đến bây giờ, tôi thương Thanh Nga nhất, cô ấy là một nghệ sĩ có tâm tính hiền lành, trong sáng".
Nghệ sĩ Thanh Nga trong thời gian đóng phim "Hai chuyến xe hoa" - Ảnh: Gia đình cung cấp
Một kỷ niệm nữa về chị mà tôi không bao giờ quên là lần hai chị em thu chung bài vọng cổ Người mẹ đào hầm. Lúc đó, tôi đã nổi danh qua các vở Lan và Điệp, Mái tóc người vợ trẻ..., thu xong, thấy chị nói khô cổ quá, tôi liền chạy đi lấy nước cho chị uống, vậy mà chị Nga rưng rưng cảm động: "Trời, em nổi tiếng vậy mà còn đi rót nước cho chị sao?". Chị cứ cầm cốc nước xoay xoay: "Chị tưởng khi người ta đã nổi tiếng thì không ai hạ mình". Tôi cầm tay chị nói: "Tại em mến, trân trọng chị nên làm vậy thôi, chị uống đi cho em vui". Chị Nga là vậy, chỉ có một việc làm nhỏ cũng suy nghĩ nhiều.
Trời sinh Thanh Nga ra để làm nghệ sĩ, trong từng vai diễn của chị luôn toát ra sự đài các, sang trọng, rất tự nhiên chứ không cần phải diễn nhiều. Tôi học hỏi và ảnh hưởng ở chị trên sân khấu và ở ngoài đời là tấm gương về sự yêu thương và vị tha. Cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn cố gắng không để lại tì vết nào như lời chị từng dạy: "Nghệ sĩ cần có một cái tâm trong sáng".
Nghệ sĩ Mộng Tuyền
Hai chị em có nhiều kỷ niệm thân thương và rất gắn bó… Sinh hoạt lâu năm trong đoàn Thanh Minh, tôi là một người diễn viên gần gũi với chị cũng là điều dễ hiểu. Chị là con bầu gánh nhưng tính tình rất thật thà và hiền lành. Chị sống rất tốt với mọi người, chị là một người con rất hiếu thảo và rất nghe lời Má.
Nếu như trong nghề nghiệp chị luôn gặt hái những thành công thì trong tình cảm chị gặp nhiều phen đoạn trường, nhưng chị Nga là một người sống vì gia đình, luôn nghe theo những an bài của má.
Nghệ sĩ Mộng Tuyền thời trẻ
Ngày chị Nga mất, Tuyền đang diễn ở Long Xuyên, nghe hung tin từ người em gái báo về, Tuyền tức tốc đi xe đò về Sài Gòn. Vào tới nhà xác Bệnh viện Sài Gòn, lúc bấy giờ nghệ sĩ và khán giả chật kín ở ngoài… Khó khăn lắm, Tuyền mới vào được bên trong.
Tuyền thấy xác chị Nga đã được trang điểm lại, gương mặt chị vẫn đẹp như đang ngủ, chị đẹp như một thiên thần trong trang phục áo dài màu đỏ. Chỉ có anh Lân, nhìn rất tội. Tuyền quá đau lòng và ngất xỉu.
Năm 1980, Tuyền trở về diễn cho đoàn Thanh Nga. Về đoàn, Tuyền nhờ chú Nhánh (nhân viên trong đoàn) đóng một bàn thờ trang trọng tưởng nhớ chị Nga.
Nghệ sĩ Thanh Nga (chỉ tay) và nghệ sĩ Bích Sơn (cháu của nghệ sĩ Bích Thuận) - Ảnh: Tư liệu
Mỗi ngày, Tuyền nhờ chú ấy mua hoa, quả để cúng chị Nga. Không khí của đoàn Thanh Minh Thanh Nga rất buồn vì mọi người đều thường nghĩ và nhắc đến chị Nga. Dạo này bé Cúc Cu (tức Phạm Duy Hà Linh-nghệ sĩ hài Hà Linh) còn quá nhỏ, nên má Thơ dẫn theo đoàn. Cúc Cu lúc nhỏ thường hay đi theo Tuyền, nó cũng gọi Tuyền là má Ba, có lẽ vì nó nhớ chị Nga nên mỗi khi Tuyền ngồi vào bàn trang điểm, Cúc Cu thường đứng sau lưng nhìn, rồi nó ôm cổ Tuyền hôn liên tục. Ngay cả khi Tuyền diễn, nó thường ra cánh gà đứng nhìn rất chăm chú, tội nghiệp lắm! .
Có lần Tuyền còn đánh bạo xin Cúc Cu đem về nuôi, nhưng má Thơ khóc và nói: “Làm vậy đâu được! Người ta cười má”. Má Thơ dường như đã chết cả cuộc đời khi chị Nga ra đi.
Khi diễn những vai chị Nga từng diễn thành công như Quỳnh Nga, Trưng Trắc, Thái Hậu Dương Vân Nga… Tuyền không cảm thấy một áp lực gì cả, rất tự tin, lửa chị Nga đã truyền qua Tuyền và Tuyền đã nhận được huy chương vàng tại hội diễn sân khấu toàn quốc tại Hải Phòng với vai Vân trong vở Bóng tối và ánh sáng.
Tiểu Vũ