Trong bức thư Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi cho thiếu niên, nhi đồng nhân Tết Trung thu năm nay, có đoạn:
"Trung thu là Tết của thiếu nhi, là dịp mà các cháu được hòa vào không khí vui tươi đầm ấm, quây quần bên cha mẹ, ông bà, vui chơi phá cỗ, trông trăng. Tuy nhiên, ở một số địa phương trên cả nước, nhiều cháu đón Tết Trung thu trong khu cách ly hay đang cùng gia đình thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống đại dịch Covid-19.
Bác rất xúc động khi nhiều cháu tuổi còn nhỏ nhưng đã trở thành những "chiến sĩ tí hon" dũng cảm, tự lập trong điều kiện xa gia đình để thực hiện cách ly; cha, mẹ, người thân phải tạm xa các cháu để thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch".
Có lẽ, chưa bao giờ, con trẻ lại đón một mùa trăng đặc biệt như thế này. Dù không thể có một cái Tết Trung thu trọn vẹn như những năm trước đây, nhưng ở nhiều nơi, chỉ cần những ca khúc quen thuộc vang lên đã thấy niềm vui trong ánh mắt trẻ thơ.
Thằng Cuội của nhạc sĩ Lê Thương là một ca khúc như thế!
"Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ
Lặng yên ta nói Cuội nghe:
"Ở cung trăng mãi làm chi"
Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ".
Những ca từ mộc mạc mà quen thuộc trong bài hát Thằng Cuội đã trở thành hồi ức đẹp trong lòng nhiều thế hệ người Việt Nam. Giai điệu trong veo như một khúc đồng dao.
Còn nhớ, cách đây 6 năm, ca khúc Thằng Cuội một lần nữa gây "sốt" khi trở thành ca khúc chủ đề trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ (dựa theo cuốn truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh).
Ngay khi bộ phim công chiếu, ngoài những thước phim đầy chất thơ và giàu cảm xúc, thì khán giả cũng một lần nữa bất ngờ bởi sự trở lại của ca khúc tuổi thơ.
Chất giọng mượt mà của Ngọc Hiển với bản phối do nhạc sĩ Đỗ Thanh Lâm thực hiện đã chinh phục khán giả. Điều này cho thấy sức sống trường tồn của ca khúc qua năm tháng.
Ca khúc "Thằng Cuội" trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"
Giới chuyên môn đánh giá cao đạo diễn Victor Vũ khi anh khéo léo chọn bài hát Thằng Cuội. Nhạc sĩ Đỗ Thanh Lâm khi ấy đã chia sẻ rằng, phối lại ca khúc này không cần tay nghề giỏi mà cần cảm xúc trên tinh thần càng giản dị, mộc mạc càng tốt.
Thằng Cuội có thể nói là một ca khúc mà ai soi vào cũng thấy ký ức tuyệt đẹp về một tuổi thơ hồn nhiên.
Thằng Cuội được Lê Thương viết khoảng thời gian 1946-1954. Cái hay của Lê Thương là ông dám đưa từ "thằng" vào bài hát, cách gọi dân dã, chân phương, không màu mè.
Lời bài hát kể lại hình ảnh "thằng Cuội" quanh năm ở mãi cung trăng, chỉ biết "ngồi ôm một mối mơ".
Chắc hẳn, các em nhỏ nghe đến đây sẽ ngước mắt nhìn trời, thấy bóng cây đa thấp thoáng trong vầng trăng rằm.
Nhạc sĩ đã dùng thủ pháp nhân cách hóa để những sự vật hiện lên trong thế giới tuổi thơ cũng như có linh hồn, sức sống tựa thế giới loài người. Đến chú dế mèn cũng biết… hát xẩm, trăng gió biết bảo nhau.
Tất cả đã làm nên một tác phẩm âm nhạc kết hợp bởi nghệ thuật tinh tế và tâm hồn trong sáng.
Nghe ca khúc Thằng Cuội là có cả một miền nhớ. Nhớ gia đình, nhớ bạn bè và cả những điều ngây ngô thuở nhỏ mà nhắc đến đã thấy thương...
Chỉ cần nhắm mắt lại, hồi tưởng về những ngày tháng đẹp đẽ với những chiếc đèn lồng mà ba mẹ làm bằng lon bia cho con là đâu đó những giai điệu trong trẻo nhất của ca khúc Thằng Cuội cứ thế hiện lên trong tiềm thức một cách tự nhiên nhất.
"Các em thích cười
Muốn lên cung trăng
Cứ hỏi ông Trời
cho mượn cái thang
Mười lăm tháng Tám trời cho
Một ông trăng sáng thật to
Các em thích cười
Muốn lên cung trăng
Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang".
Nghe Thằng Cuội là ta biết mùa đoàn tụ đến rồi. Tết đoàn viên đẹp nhất trong mơ ước của mỗi người dân Việt Nam lúc này có lẽ là ngày mà vạn người dân trên khắp mọi nẻo đường đất nước chẳng phải cách xa, lo lắng, vất vả vì bệnh dịch nữa!
Nhạc sĩ Lê Thương sinh năm 1914, tại phố Hàm Long, Hà Nội, ông tên thật là Ngô Đình Hộ. Ông sinh trưởng trong một gia đình bố mẹ là những nghệ sĩ cổ nhạc.
Lê Thương cũng là tác giả của bộ ba ca khúc Hòn vọng phu bất hủ. Nhạc sĩ Phạm Duy từng viết trong hồi ký của mình như sau: "Lê Thương làm thơ, làm nhạc rất bay bướm nhưng anh có cuộc sống rất giản dị".
Phương Nhung