- Hiện nay có rất nhiều dự án về trí thông minh nhân tạo (AI) dựa trên ý tưởng rằng các chức năng của bộ não chỉ đơn thuần là những tính toán có tính logic để xử lý thông tin mà các giác quan thu thập được. Do đó, nếu ta đã biết bộ não hoạt động như thế nào thì ta có thể lập trình cơ chế hoạt động đó vào máy tính. Các công ty lớn như Google, Microsoft, Meta đều đã bỏ ra những khoản tiền rất lớn để xây dựng một hệ thống máy tính thông minh siêu việt như bộ não con người.
Một trong những công ty được chú ý nhất là Open AI với sản phẩm ChatGPT vừa ra mắt. Hệ thống của phòng thí nghiệm Open AI có khả năng tính toán và thu nhập dữ liệu nhanh hơn các máy tính thông minh hiện nay. Cuộc chạy đua giữa các công ty khổng lồ hiện nay đang bước vào giai đoạn cạnh tranh mãnh liệt và kẻ thắng có thể loại hẳn đối thủ ra khỏi thị trường trị giá hàng trăm tỷ Mỹ kim này.
Thomas hỏi:
- Theo anh, họ có thể thành công trong việc này không?
Tôi cân nhắc một chút trước khi đáp:
- Là một nhà khoa học chuyên môn trong lĩnh vực này, tôi không tin người ta có thể kiến tạo một máy tính thông minh y như con người được. Lý do rất đơn giản là các máy tính hiện nay đều dựa vào logic nhị phân đúng hay sai còn bộ não con người không hoạt động như thế. Ngay như máy tính lượng tử, sử dụng các yếu tố xác suất như “có thể đúng”, “có thể sai”, “không hẳn đúng”, “không hẳn sai”, cũng không thể tính toán được như bộ não con người với các cảm xúc và lý trí xen kẽ nhau và còn thay đổi tùy theo trường hợp.
Một số nhà nghiên cứu đang áp dụng lĩnh vực khoa học thần kinh để tạo ra một máy tính thông minh hoạt động như các tế bào thần kinh. Nhưng ý thức thì đâu phải là thứ có thể tính toán được. Nói một cách đơn giản, bộ não lưu trữ kinh nghiệm bằng cách điều chỉnh các kết nối thần kinh trong một quá trình tích cực giữa chủ thể và môi trường. Trong khi máy tính ghi lại dữ liệu trong bộ nhớ chứ không thể tự điều chỉnh được. Đó là sự khác biệt căn bản giữa việc xử lý các dữ liệu của bộ não với việc xử lý dữ liệu của máy tính.
Thomas gật đầu:
- Thì ra thế. Nhưng tôi nghe nói máy tính còn có thể tự học được nữa?
Tôi đáp:
- Đúng thế, máy có thể tự học dựa trên những dữ kiện được lập trình của học máy (Machine Learning) nhưng không thể so sánh với bộ não con người được. Vì bộ não luôn tích cực thay đổi, khám phá môi trường xung quanh để đưa ra những quyết định thích hợp tùy theo mỗi người. Cùng một hoàn cảnh, cùng một dữ kiện nhưng mỗi người sẽ hành động khác nhau. Tại sao? Theo tôi đó là bởi sự tác động kết hợp giữa ý thức và Mạt na thức (bản ngã) cũng như các yếu tố tiềm ẩn nằm sâu trong A lại da thức (nghiệp lực hay nhân duyên). Do đó, có nhiều hành động không liên quan trực tiếp đến các dữ liệu phát xuất từ cảm giác, vì bản ngã đã gạt bỏ nó đi. Con người không hành động dựa trên logic mà còn có các cảm xúc và thành kiến nữa. Con người có thể hành động một cách phi logic trong khi máy tính chỉ dựa trên logic đã được lập trình sẵn mà thôi.
Tuy nhiên, trí thông minh nhân tạo có thể nguy hiểm khi được sử dụng vào các quyết định quan trọng trong y học hay chiến tranh. Tôi giả sử khi máy tính thông minh đưa ra những quyết định cho chiến tranh, nó chỉ tính toán làm sao để thắng chứ không tính đến con số thương vong hay sự tàn phá, vì đối với máy tính, mạng người cũng chỉ là những dữ kiện mà thôi.
Thomas gật đầu:
- Đúng thế, khi xưa tại Atlantis, con người sử dụng các máy móc tân tiến hơn ngày nay rất nhiều nhưng họ sống vô cảm, không biết đến tình thương là gì nên xã hội hết sức tàn bạo, bất công và con người đối xử với nhau không khác loài thú và kết quả là nền văn minh đã hoàn toàn tan rã. Tương tự, trong các kiếp sống tại Assyria, Ai Cập, Hy Lạp và La Mã, tôi đã trải nghiệm các cuộc chiến tranh mà chiến thắng là mục đích tối hậu, bất kể con số thương vong và các thảm cảnh xảy ra sau đó. Các đế quốc lớn đó đều tan ra thành nhiều nước nhỏ. Bài học lịch sử còn đó nhưng mấy ai học được? Điều tôi quan tâm là hiện nay chúng ta cũng đang đi đến tình trạng vô cảm, vô trách nhiệm, xã hội đầy những bất công và hận thù...
Tôi gật đầu:
- Lịch sử là bài học muôn đời cho nhân loại nhưng hiện nay nền giáo dục lại không mấy chú trọng vào những bài học đó. Giáo dục hiện nay tập trung vào công nghệ vì đó là ngành kiếm ra nhiều tiền. Tôi thấy rõ công nghệ đang thay đổi thế hệ trẻ ngày nay. Đa số dành rất nhiều thời gian cho các mạng xã hội, họ sống ảo nhiều hơn sống thật và điều đó đẩy họ đến một đời sống vô cảm và tách biệt hơn. Là giáo sư trong lĩnh vực công nghệ, tôi thường nhấn mạnh với các sinh viên của mình rằng ý thức không phải thứ có thể tính toán được.
Một người có ý thức nhận thức được những gì họ đang nghĩ và có khả năng ngừng suy nghĩ về một điều này để suy nghĩ về một điều khác. Còn máy tính thì không làm như thế được, một khi nó khởi động một quá trình tính toán thì không thể ngừng cho đến khi đi đến kết quả. Một nhà độc tài bấm nút gây chiến tranh thì đó là hành động không thể vãn hồi. Do đó, theo tôi, một trí thông minh nhân tạo không bao giờ có thể thay thế bộ não con người. Tôi thường sử dụng tài liệu của hai nhà khoa học lừng danh Werner Heisenberg và Erwin Schrodinger để nhắc nhở sinh viên sự khác biệt giữa các tính toán logic và ý thức của con người, rằng ý thức của con người không phải một hiện tượng vật lý hay có thể tính toán được.
Lược trích Muôn kiếp nhân sinh 3