Ngày 29/11, tại Thụy Sĩ, Đỗ Trọng Minh Đức (sinh năm 2003), Trần Nguyễn Khánh An (sinh năm 2006) và Nguyễn Hoàng Phúc (sinh năm 2007) là nhóm tác giả của sản phẩm sản phẩm "Mũ cách ly di động phòng dịch Covid-19 Vihelm" được trao danh hiệu Đại sứ trẻ Sở hữu trí tuệ của WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới).
Đây là lần đầu tiên WIPO trao tặng danh hiệu này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và cũng mới là lần thứ hai danh hiệu này được trao trong suốt 50 năm lịch sử của WIPO (thành lập năm 1967).
Tháp tùng phái đoàn của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự sự kiện gặp mặt Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới tại Thụy Sĩ và chứng kiến lễ trao danh hiệu Đại sứ cho ba bạn trẻ Việt Nam, Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã bày tỏ sự hoan nghênh và đánh giá cao: "Danh hiệu Đại sứ trẻ Sở hữu trí tuệ của WIPO là vinh dự, cũng là động lực rất lớn để các bạn trẻ Việt Nam và trên toàn cầu tiếp tục lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong nhà trường, xã hội".
Sản phẩm của ba nhà sáng chế chưa đầy 20 tuổi là "Mũ cách ly di động phòng dịch Covid-19: Vihelm". Đây là một trong 37 công trình, sáng kiến đoạt Giải thưởng "Tuổi trẻ sáng tạo" toàn quốc năm 2020.
Nhóm các nhà sáng chế trẻ này tin tưởng rằng sản phẩm mũ Vihelm đã thỏa mãn 3/5 yêu cầu hành động chống dịch Covid-19 của WHO là: Keep your distance (Giữ khoảng cách); Don't touch your face (Đừng chạm tay vào mặt bạn); Stay home (Ở nhà); Sneeze into your elbow (Hắt hơi vào khủyu tay của bạn); Wash your hands (Rửa tay).
Chiếc mũ Vihelm giúp người đội không cần giữ khoảng cách vật lý, vẫn có thể chạm vào mặt, mọi người vẫn có thể ra ngoài làm việc, giao tiếp. Nhờ vậy, người dùng mũ vẫn an toàn với dịch bệnh như yêu cầu giãn cách xã hội, nhưng lại không làm gián đoạn công việc hàng ngày.
Năm 2020, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và các chuyên gia khác chúc mừng nhóm sáng chế trẻ đã tạo ra chiếc mũ Vihelm với tư duy sáng tạo và đưa ra những lời khuyên thiết thực cho nhóm sáng chế. WHO cho rằng thiết bị này có tiềm năng sử dụng trong môi trường cần phải cách ly và môi trường ô nhiễm, độc hại.
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá sáng chế của nhóm học sinh Việt Nam sẽ truyền cảm hứng cho ngày càng nhiều thanh niên trong nước đóng góp vào cuộc chiến chống lại Covid-19.
Minh Đức, đội trưởng của nhóm các nhà sáng chế trẻ Vihelm cho biết, nhóm đã chuẩn bị cho công nghệ này hơn một năm qua nhằm mục tiêu giải quyết viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy tới của đại dịch Covid-19.
Từng chia sẻ với Dân trí về sản phẩm này, nhóm tác giả cho biết: "Để có được hướng đi và giải pháp thiết thực nhất dựa trên khuyến nghị 5 hành động chống dịch Covid-19 của WHO, nhóm đi tìm và phân tích xem còn cách nào tốt hơn để gắn liền với mong muốn của người dân trong đại dịch là vẫn có thể hoạt động kinh tế bình thường được.
Cùng với đó, để có nền tảng kiến thức sâu rộng về khoa học và thực tiễn, chúng tôi đã tìm hiểu thông tin trên các tạp chí khoa học công nghệ, hay nguyên lý khoa học vị nhân sinh".
Đồng tác giả Minh Đức chia sẻ về quá trình nghiên cứu mũ Vihelm: "Với vai trò là đội trưởng, phải tìm hiểu thông tin chung về kiến thức khoa học, các dữ liệu thông tin về sở hữu trí tuệ của quốc tế, đặc biệt là Mỹ.
Tôi cùng Khánh An và Hoàng Phúc đã dành nhiều thời gian chuyên tâm cho nghiên cứu, thuyết minh về sản phẩm. Có những ngày cao điểm, chúng tôi đã làm việc đến 1,2 giờ sáng để tìm giải pháp.
Các ấn phẩm truyền thông, video liên quan đến việc giới thiệu và mô tả về sản phẩm để đi thi ICAN 2020 và thuyết trình trước UNDP, WHO hay Techfest, Liên hoan Tuổi trẻ Việt Nam sáng tạo... đều do nhóm tự lập kịch bản, tự tay thiết kế, dàn dựng video".
Khánh An, nữ tác giả sản phẩm chia sẻ: "Nhóm mong muốn sẽ phát triển chiếc "mũ cách ly di động" trở thành chiếc mũ thông minh vừa phòng bệnh, vừa bảo vệ người dùng, vừa có thể kết nối dữ liệu.
Thêm nữa, nhóm rất muốn có thể cải tiến sản phẩm thành "mũ bảo hộ kiêm mũ bảo hiểm" tránh khói bụi, độc hại, sẽ rất có ích cho người đi xe máy ở Việt Nam và giúp cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ".
Đáng nói là, nhóm các nhà sáng chế trẻ này đã chủ động chia sẻ CC Lience để bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có thể tự khai thác thiết kế đưa vào sử dụng.
Minh Đức cho rằng: "Nếu sản phẩm được đưa vào quá trình sản xuất đại trà, tôi mong và tin rằng hầu hết các tổ chức hoặc cá nhân người dùng sẽ thích mua sản phẩm này được sản xuất ở Việt Nam chất lượng tốt, giá thành rẻ.
Tuy nhiên, tôi và nhóm sẽ không chú trọng vào thương mại hóa bởi nhóm có mục tiêu duy nhất là nâng cấp sản phẩm sao cho tối ưu và sẽ hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19".
Mai Châm
(Ảnh: NVCC)