Theo từ điển tra cứu tiếng Việt, mật, là dịch màu vàng xanh đen, vị đắng, tính kiềm, tiết từ gan động vật có xương sống. Ở nhiều loài, mật được lưu giữ trong túi mật giữa các bữa ăn và được đổ vào tá tràng khi ăn, hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Theo Đông y, nhiều loại mật động vật là thuốc chữa bệnh của con người; loại nào cũng rất đắng, không riêng gì cá mè “Đắng như mật cá mè”.
Ngược lại, mật từ thân cây, trái cây, nhụy hoa lại rất ngọt. Các loài ong mật chế biến từ nhụy hoa, có khi cả lá, thành thứ mật ngọt, thực phẩm bổ dưỡng, chữa bệnh đa năng. Mật từ cây có mía; từ bông thốt nốt, bông dừa; từ các loại trái cây có vị ngọt. Tất cả đề ở dạng nước, được cô đặc thành dạng sệt. Mật ngọt phổ biến từ trong ca dao tục ngữ đến cuộc sống.
Thành ngữ “Mật ngọt chết ruồi” hay những từ như “Lời đường mật”, “Tuần trăng mật” đến các sản phẩm từ mật. Trái cây nào ngọt đỉnh được gọi là mật. Từ mít, chuối, cam, quít đến cả thơm (dứa, khóm) cũng mật… Các loại trái cây có từ mật đi kèm, thường ngọt, ngon và giá đắt hơn bình thường. Gần đây, tôi phát hiện thêm có cả mật chua từ quả dứa mật.
Dứa mật được trồng ở vùng cao nguyên, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc. Trái thơm mật mắt thưa, mọng nước, vị ngọt thơm, mỗi trái từ 2 ký trở lên. Khi chín, ruột bên trong có chỗ như bị úng do lượng đường tập trung. Lần đầu ăn, có người ngỡ thơm sắp hỏng. Ăn rồi là ghiền. Hàng không có quanh năm và cũng chưa phổ biến như các loại thơm khác.
Gần đây, xuất hiện một số xe bán thơm kiểu hàng rong vỉa hè, trên cầu. Thường bán chung với thơm Thái. Nhìn bề ngoài cứ ngỡ ông - cháu. Thơm Thái bé tẹo, trái chỉ vài trăm gram, vị ngọt, thơm, dòn khỏi chê. Thơm mật Việt Nam như võ sĩ samurai, ăn đứt thơm Thái, cả hương vị lẫn trọng lượng.
Gặp xe bán thơm trên cầu K. tôi mừng như trúng số. Bảng hiệu viết tay “thơm mật, thơm Thái” rành rành. Từng ăn và mê thơm mật, tôi nghĩ, bán chung kiểu này, thơm Thái khó cạnh tranh nổi. Thơm Thái 30.000 đồng mỗi ký. Thơm mật chỉ 25.000 đồng. Điện thoại cho bạn bè, quảng bá thơm mật, hỏi xem có ăn không thì mua giúp. Tôi còn hào hiệp mua mấy trái tặng bạn quý.
Bạn nhận quà, cảm kích. Tôi dặn “Thơm này chỉ để ăn sống. Đừng nấu canh, phí”. Cất vào tủ lạnh, chưa kịp ăn thì bị mắng vốn “Thơm mật gì mà chua không thể tưởng, hơn cả chanh”. Hơi bị sốc, lấy ra ăn thử thì chua… “té đái”. Ăn với đường vẫn chua. Cứ như mình chơi khăm bạn. Chẳng biết thanh minh thế nào. Đành vứt bỏ.
Ra chỗ bán phàn nàn, người bán tỉnh bơ “Chắc tại cuối mùa mưa?” rồi cười trừ và tiếp tục “lừa” người khác. Bán hàng kiểu này, khác nào triệt tiêu hàng Việt. Mua một lần là "tởn tới già".
Phải chăng đó là lý do mà một số người Việt quay lưng với nông sản Việt. Sợ thuốc trừ sâu, sợ chất lượng hàng, sợ cả sự lập lờ, dối trá của người bán. Dĩ nhiên không phải tất cả. “Con sâu làm rầu rồi canh” nhưng sâu nhiều quá nên hoảng.
Lạ là những chiếc xe này vẫn bán ngang nhiên ngoài đường, không thấy quản lý thị trường hỏi han, nhắc nhở. Thế nên, ai bị lừa thì ráng chịu. Đành an ủi “Thơm mật, nhưng là mật chua”, chứ không phải mật ngọt.