Mang tiền về cho mẹ hay chỉ cần mang hạnh phúc về cho mẹ?

08/01/2022 17:00
Mang tiền về cho mẹ hay chỉ cần mang hạnh phúc về cho mẹ?

Nhiều người ủng hộ việc mang tiền về cho mẹ nhưng có ý kiến cho rằng, chỉ cần mang hạnh phúc về cho cha mẹ là đủ.

Gần đây, trên mạng xã hội đang có nhiều quan điểm, tranh cãi về việc "mang tiền về cho mẹ", phe thì ủng hộ con mang tiền về cho mẹ, phe thì nói mẹ không cần tiền, mẹ cần con hạnh phúc, con hiếu thảo, con thành đạt, thậm chí con phải biết đấu tranh với những cái xấu, bất công, ngang trái của xã hội.

Dưới đây là những quan điểm về việc nên hay không nên "mang tiền về cho mẹ".

Mang tiền hay mang hạnh phúc về cho mẹ!

Bàn luận về vấn đề trên, ông Đỗ Cao Bảo, Ủy viên HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng "hãy mang hạnh phúc về cho mẹ". Lấy dẫn chứng, ông cho biết, thời mẹ ông còn sống, những năm cuối đời mẹ ông chỉ ở trong nhà, không đi được đâu, không có chỗ để tiêu tiền. Bà muốn gì con cháu đều mua cho hết. Tuy nhiên, với thói quen từ nhiều năm trước, mỗi lần về thăm mẹ, ông vẫn biếu mẹ ít tiền.

"Thậm chí, có lần tôi chưa kịp đưa, mẹ hỏi luôn "Con chưa cho mẹ tiền à?". Nghe mẹ hỏi thế, trong số con cháu tôi, có đứa còn hỏi trêu mẹ rằng: Bà có tiêu gì đến tiền đâu, bà lấy tiền làm gì? Và bà đáp lại rằng, bà có tiêu và vẫn cần tiền", ông nói.

Ông Bảo phân tích, đúng là mẹ ông không tiêu tiền gì cho cá nhân, nhưng mẹ ông cần tiền để cho các cháu, các chắt, từ cháu chắt nội, cháu chắt ngoại, từ cháu chắt gần đến cháu chắt xa. Không đi được đâu, nhưng mỗi khi có em, có cháu đến nhà thăm, bà thường đóng phong bì gửi về cho mỗi cháu, mỗi chắt một ít gọi là của bà, của cụ cho.

Mỗi dịp như vậy, mẹ ông cười rất tươi, rạng rỡ hạnh phúc. Vì mẹ ông chỉ ở trong nhà, các em, các cháu, các chắt mỗi người ở một nơi, mẹ không đi gặp được, thì cách biểu lộ tình yêu thương của mẹ là gửi cho tiền.

"Có một lần mẹ bảo tôi, mẹ muốn cho các cháu cả nội lẫn ngoại mỗi đứa 5 chỉ vàng (sau khi qua đời), giờ mẹ vẫn còn thiếu mấy chỉ nữa, con cho mẹ thêm tiền để mẹ mua đủ 4 cây vàng (mẹ có 8 cháu nội ngoại tất cả). Sau khi mẹ mất, chúng tôi lấy 4 cây vàng của mẹ chia cho 8 cháu nội ngoại, mỗi đứa 5 chỉ vàng theo như nguyện ước của mẹ", ông nhớ lại.

Mang tiền về cho mẹ: Hiểu thế nào cho đúng? - 1

Gần đây, trên mạng xã hội đang có nhiều quan điểm, tranh cãi về việc "mang tiền về cho mẹ (Ảnh minh họa: Đ.Đ).

Theo ông Bảo, ngẫm sâu xa ra thì mẹ ông coi việc cho tiền, cho vàng các cháu, chắt là niềm vui, niềm hạnh phúc. Thế nên, mẹ ông vẫn cần cậu con trai trưởng, khá giả nhất cho mẹ tiền để mẹ làm công việc mà mẹ thấy vui, thấy mình vẫn có ý nghĩa với các con, các cháu, các chắt.

"Vì vậy,  thực chất không phải tôi mang tiền về cho mẹ mà chính là tôi mang hạnh phúc về cho mẹ. Mẹ muốn tôi cho tiền không phải vì mẹ cần tiền mà mẹ cần niềm vui, niềm hạnh phúc, đơn giản thế thôi", ông nhận định.

Với ông, các con nên mang hạnh phúc về cho mẹ, với bà mẹ này thì hạnh phúc là con cái thành đạt, con cái hiếu thảo, với bà mẹ kia thì là tiền là quà, với bà mẹ khác thì là sức khỏe của con cháu, bởi mỗi bà mẹ sẽ cảm thấy hạnh phúc với những món quà khác nhau. Vì vậy, mọi người không nên áp đặt cho người khác món quà mang về cho mẹ của họ cũng phải giống như món quà mà mình mang về cho mẹ mình.

Cha mẹ có vui khi con mang tiền về?

Tương tự, khi được đặt câu hỏi về việc "mang tiền về cho mẹ", liệu mẹ có vui không, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng: "Có lẽ vui! Tiền mà, vui chứ! Sau này, nếu 3 con của tôi mang tiền về cho bố mẹ, chắc mình cũng vui đấy, chỉ là đừng coi tiền như thước đo việc báo hiếu". 

Tuy nhiên, anh Tú cũng thừa nhận, vợ chồng anh thích thiên hạ mang tiền về cho mình hơn là con cái mang tiền về cho mình. Do đó, 2 vợ chồng anh chưa bao giờ nghĩ đến việc sau này 3 đứa con nuôi bố mẹ mà chỉ mong rằng các con kiếm được tiền cho chính cuộc đời của con, gia đình nhỏ của con.

"Vợ chồng tôi thích khi già rồi vẫn sẽ tự lo được cho bản thân, nếu dư dả thì giúp chúng nó một xíu kiểu như hỗ trợ, thay vì cho tiền các con hay mong con cho mình tiền.

Tôi vẫn nghĩ rằng, tất cả những gì cha mẹ đã làm cho con cái không phải là hy sinh, dù có thể vất vả đến đâu đi nữa, cũng không phải là hy sinh, đơn giản là chúng ta sinh ra con thì chúng ta phải làm vậy thôi. Nuôi dưỡng những đứa con thành người và không mong hồi đáp", anh nói.

Anh phân tích, chữ "hiếu" sẽ được viết bằng việc các con sẽ không phụ thuộc vào cha mẹ và tạo lập được cuộc sống riêng của mình. Các con sẽ không xấu hổ khi nói về cha mẹ. Đẹp hơn nữa là các con có những niềm tự hào xinh xinh khi kể với bạn bè, con cái, vợ chồng của chúng về những năm tháng ấu thơ vô cùng hạnh phúc.

Theo anh việc "mang tiền về cho mẹ" có thể nhiều cha mẹ sẽ thích và cho rằng số tiền không quan trọng bằng sự quan tâm đến cha mẹ của con cái và mang tiền về chứ đừng mang ưu phiền về. Vì mang tiền về cũng là mang tình về và cha mẹ nào cũng mong con hiếu thuận như thế.

Dưới góc nhìn của anh, anh thích những bà mẹ tân tiến. Đây là những bà mẹ đừng coi hy sinh cho con là lẽ sống đời mình. Vì mẹ hạnh phúc thì con mới hạnh phúc. Người mẹ đừng nhịn ăn nhịn tiêu để rồi ngất giữa đường, đừng muốn con thành tài mà vay mượn tứ lung tung chỉ để con học trường xịn, trường sang, quần áo đồ hiệu.

"Câu chuyện giới trẻ Singapore đang mang gánh nặng cha mẹ, khi cha mẹ vay mượn ngân hàng cho con cái học trường tốt nhất, để rồi sau này ra trường, chúng lại phải kéo cày trả nợ cho món nợ của cha mẹ.

Tôi không thích những câu chuyện kiểu mẹ bán hết trâu bò, ruộng vườn lo cho con vào đại học. Nhiều người coi đó là hy sinh cho con cái nhưng mình thấy đó là tạo áp lực cho con cái. Biến những đứa trẻ trong đầu chỉ toàn chuyện học thật giỏi để mai này kiếm tiền nuôi bố mẹ. Chúng sẽ sống cuộc đời trâu cày với gánh nặng cha mẹ trên vai. Thậm chí, có gầy gò tí cũng thành cái tội đáng bị mẹ đánh đòn vì mẹ đã hy sinh, đã bữa đói, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc để lo cho chúng mày", anh nói.

Mang tiền về cho mẹ: Hiểu thế nào cho đúng? - 2

Một số ý kiến cho rằng, mọi người không nên áp đặt cho người khác món quà mang về cho mẹ của họ cũng phải giống như món quà mà mình mang về cho mẹ mình (Ảnh minh họa: M.Q).

Trái ngược với 2 quan điểm trên, nhà văn Nguyễn Văn Thắng (Alex Nguyen) cho rằng, anh không mang tiền hay quà về cho cha mẹ. Anh cho biết, không phải bố mẹ anh giàu có hay có nhiều tiền. Vì anh biết rằng, tiền, quà không phải là thứ bố mẹ anh mong muốn.

"Là người xa quê, mỗi dịp tết đến xuân về, bố mẹ tôi luôn mong muốn vợ chồng tôi cùng cháu trở về sum họp, đầm ấm. Bố mẹ tôi muốn trông thấy gia đình tôi mạnh khỏe, hạnh phúc. Đó là thứ mà tôi muốn mang về nhất cho bố mẹ. Để khi về đến cổng, tôi có thể nói, cha mẹ con đã về. Với cha mẹ tôi thế là đủ rồi", anh lập luận.

Theo anh Thắng, điều hạnh phúc nhất của đời người là những ai còn bố mẹ, và hạnh phúc hơn nữa khi được sống cùng bố mẹ. Vì có nhiều điều không thể đo đếm bằng tiền, vật chất được, trong đó có tình yêu thương, sự quan tâm vô bờ của bố mẹ dành cho con cháu.

"Tôi nghĩ rằng, mang "....." về cho mẹ trong dấu "...." là điều gì thì chỉ có bạn mới trả lời được", anh phân tích.

Hoàng Dung (lược ghi)

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025