Tam thập nhi lập
Người xưa nói, tam thập nhi lập, với 1 người bình thường, 30 tuổi là tuổi bắt đầu lập thân, lập nghiệp. Trước ba mươi tuổi, cơ nghiệp lẫn tình cảm cá nhân thường ít ổn định, do nhận thức lúc này còn non, khó giữ.
Trước ba mươi tuổi, người trẻ có trí cần xây móng cuộc đời. Móng càng chắc, thì cơ nghiệp mấy chục tầng vẫn đứng vững. Còn móng yếu quá, chỉ đủ chịu được nhà cấp bốn, thì "càng cao danh vọng, càng dày gian nan". Bạn nắm cái này để giải thích vì sao, có người giỏi giang kinh khủng, học hành thuận lợi mà chạy ăn từng bữa, khổ cực trăm bề?
Nhiều người nói tại sinh ra trong nhà nghèo phải chịu. Thực tế là con cái của nhà giàu, khi thừa hưởng gia tài, ít ai giữ được. Những người trúng số hay được đền bù giải toả đất có tiền tỷ trong tay cũng vậy. Nguyên nhân là móng yếu quá, tự dưng được ai đó đặt một lâu đài lên trên, thế là sập.
MÓNG ở đây chính là nhận thức, đạo đức, bản lĩnh. Có 2 yếu tố quan trọng là tính kỷ luật (sắt thép), và sự trung thực (xi măng), cứ trộn 2 cái này vào nhau thì có móng vững, đó là xây dựng được lòng tin.
"Lòng Tin (TRUST) là thứ ĐẮT NHẤT TRÊN ĐỜI (the most expensive thing). Mất nhiều năm để gây dựng (take years to earn), nhưng vì vài ba giây làm mất (a matter of seconds to lose). Phần lớn là do chúng ta tự đánh giá cái "lòng tin" ấy nhỏ hơn "tiền, quyền, tình" nên chọn 3 cái trên thay vì lòng tin, chứ không phải "tình cờ bị mất". Cũng đừng hỏi, sao em không tin anh, sao chị không tin em, sao bạn hem tin mình? Người duy nhất trả lời được câu hỏi đó, chính là mình.
Có lần tôi thuê đơn vị sửa chữa nhà ở ngoại ô thành phố, sáng đó cậu thầu xây dựng đi lên đo đạc để báo giá. Cậu đang đứng đo trong nhà thì điện thoại reo, nó vội nói "em đang chạy xe trên đường, tới gần nhà anh rồi, 5 phút nữa em tới". Tony nói khỏi báo giá đi em. Nó ngạc nhiên hỏi sao vậy, Tony nói "Em nói 5 phút qua ngay, trong khi đó từ đây qua bển cũng 1 tiếng. Nếu em nói thật, thì ông kia lại có thể sắp xếp công việc đi đâu đó, thay vì ngồi chờ, rồi sốt ruột rồi gọi, rồi lại nghe 1 phút tới liền..nhưng em vẫn đang ở đây. Cả xã hội này bị lãng phí thời gian kinh khủng nếu ai cũng 1 dây chuyền nói dối như em". Cậu ta nhìn tôi như trên trời rơi xuống. "Em nghĩ như vậy là lanh lợi để được việc của mình. Xưa nay cha mẹ ông bà em đều dạy em như thế cả. Em chả thấy mình sai gì ở đây cả".
Thì tuỳ bạn thôi, bạn không nhận ra được thì đố ai nói bạn nghe. Chỉ là tiếc cuộc đời bạn, không làm nên được thành tựu gì vì 2 chữ MA LANH.
Tôi có ông khách hàng đạo mạo, hay nói chuyện đời. Bữa ngồi nhậu chung, điện thoại reng, vợ hay con gì đó gọi, ổng nói đang kẹt xe. Rồi cười ha hả, nói cứ nhậu thoải mái đi, khuya anh về cũng được, anh sẽ tìm lý do khác. Mình thấy sao sao, nói dối cả với cả người thân yêu nhất của họ thì mình là gì mà họ không nói dối. Nên thôi, không tin để cho nợ, cứ trả tiền trước thì mới bán hàng. Ai đó nói rằng, đừng có vui mừng vì lừa được 1 người, vì những người bạn lừa thành công, đều rất mực tin tưởng bạn.
Chỉ 1 LẦN THẤT TÍN, thì VẠN LẦN BẤT TIN. Cái này mình tự trách mình chứ không trách người khác, tất cả là do mình hết.
Cả cuộc đời mình, nhất là tuổi trẻ, PHẢI xây dựng lòng tin, từng li từng tí một. Vì không còn lòng tin thì chính mình mới là người thiệt hại. Có sao nói vậy, thành thật, trung thực…thì sẽ có cảm tình từ người khác. Và lúc đó, muốn gì cũng được, làm gì cũng thuận lợi. Tự dưng sẽ có may mắn. Vì đơn giản là người ta tin.
Còn cứ đã nói dối 1 lần, thì cứ phải động não nghĩ ra cách chống chế. Và trí nhớ phải tốt để nhớ hôm bữa mình đã lấp cái gì, liếm cái gì…
Nói dối và ăn cắp, dù 1 lần, coi như tự mình phá hỏng tòa nhà sự nghiệp mình muốn xây. Cả cuộc đời xoay quanh 2 chữ lấp và liếm. Có khi lấp không được, thì phải đào lên mà liếm…"
(Trích Tony buổi sáng)
Theo Trí Thức Trẻ