Lối sống hối hả: Đánh đổi sức khỏe lấy tiền bạc, danh vọng

28/12/2021 16:00
Lối sống hối hả: Đánh đổi sức khỏe lấy tiền bạc, danh vọng

Khi năng suất lao động ngày càng được đề cao, chúng ta ngày càng khó rời xa lối sống hối hả (thuật ngữ tiếng Anh là "hustle culture").

Đối với nhiều người, công việc 8 tiếng/ngày giống như một gánh nặng. Thậm chí, một số còn cảm thấy mình lúc nào cũng phải làm việc hùng hục 40 tiếng hàng tuần chỉ để được coi là một nhân viên "năng suất".

Mặc dù mỗi người có một nhịp độ khác nhau, nhưng lúc nào cũng sẽ có hàng ngàn cách để thúc đẩy bạn phải đi tiếp. Người nổi tiếng thì tôn vinh những ngày khó khăn, hy sinh vất vả; các vị giám đốc thì sẵn sàng khen thưởng hoặc tăng lương cho sự cống hiến và có hàng loạt các câu nói truyền cảm hứng trên mạng xã hội khi bạn cảm thấy mất động lực.

Trong một số môi trường, việc cố gắng để thăng tiến trong công việc và mọi mặt khác trong cuộc sống được coi là một việc vinh quang, mặc cho những hậu quả nặng nề lên sức khỏe tinh thần và thể chất.

Đây đều là những điều cấu tạo nên "lối sống hối hả" (thuật ngữ tiếng Anh là: hustle culture). Lối sống này hiện hữu thường trực tới mức bạn rất khó để nhận ra mình đang là một phần của nó, và càng khó hơn nhiều để thoát ra khỏi lối sống này.

LỐI SỐNG HỐI HẢ LÀ GÌ?

Lối sống hối hả là khi công việc được đặt lên hàng đầu, còn những mặt khác của cuộc sống, như sở thích, gia đình và bản thân đứng sau.

Ngày nay, công việc càng chiếm nhiều thời gian của mọi người trên khắp thế giới. Theo khảo sát năm 2021 của Viện Nghiên cứu ADP, cứ 1 trong 10 người được khảo sát ở 17 nước cho rằng họ đã dành ra hơn 20 tiếng làm việc không lương hàng tuần; trong khi đó, mức trung bình của nhân viên là 9,2 tiếng làm việc ngoài giờ, không trả lương. Con số này vào năm 2020 chỉ là 7,3 tiếng.

Lối sống hối hả: Đánh đổi sức khỏe lấy tiền bạc, danh vọng? - 1

Đam mê làm việc là biểu hiện rõ nhất của văn hóa hối hả (Nguồn ảnh: Getty Images).

Các chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng sự gia tăng của việc làm việc quá sức cũng có thể là hậu quả của sự gia tăng của nền kinh tế Gig (nền kinh tế mà mọi người chủ yếu làm việc trực tuyến hoặc bán thời gian) và làm việc từ xa, khiến cho ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân bị xóa nhòa.

Nhiều người sẵn sàng làm nhiều giờ vì nhiều lí do; một trong số đó chính là vì chúng ta phải làm nhiều hơn chỉ để có mức lương bằng với thời ông bà, theo Viện Chính sách Kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, điều tệ hơn là lối sống này đã làm thay đổi quan điểm về việc làm ngoài giờ. Lối sống hối hả mang niềm tin rằng "càng bận thì càng tốt", việc thường xuyên bận rộn sẽ dẫn tới tiền bạc, địa vị, hạnh phúc và lòng tự trọng cao.

Các con số lại đang cho thấy điều ngược lại. Theo Bộ Lao động Mỹ, năm 2019, làm việc quá nhiều sẽ giảm tới 68% năng suất ở nhân viên. Một nghiên cứu vào năm 2014 của Pencavel cho thấy mối quan hệ giữa giờ làm và năng suất không có tỉ lệ thuận. Trong giới hạn 48 giờ, đầu ra công việc tương ứng với giờ làm. Vượt qua mức trên, chất lượng công việc giảm dần theo thời gian.

LỐI SỐNG HỐI HẢ HIỆN HỮU TRONG CÔNG VIỆC VÀ CUỘC SỐNG

Áp lực từ việc phải làm thêm lớn tới nỗi nhiều người sẵn sàng làm thêm giờ so với quy định chỉ để trở thành một nhân viên "lý tưởng". Trong một nghiên cứu của Giáo sư Erin Reid tại trường Kinh tế trực thuộc Đại học McMaster, bà đã phát hiện ra rằng ở một công ty tư vấn, những nhân viên "giả vờ" làm việc 80 tiếng/tuần được lãnh đạo cho rằng là "ngôi sao" hoặc "siêu nhân". Trong khi đó, nam giới chủ động từ chối nhận những công việc nặng thường không có cơ hội thăng tiến và bị cô lập bởi đồng nghiệp.

Theo nhà tâm lý học Nicole Cammack - Giám đốc điều hành của Black Mental Wellness, khi lối sống hối hả tôn vinh việc làm việc quá sức, nó thường dẫn tới môi trường đầy sợ hãi, tội lỗi và xấu hổ khi bạn không thể theo kịp những người khác.

Lối sống hối hả: Đánh đổi sức khỏe lấy tiền bạc, danh vọng? - 2

Nếu không làm việc thì bạn sẽ trở thành kẻ lạc loài (Ảnh: Andrea Piacquadio/Pexels).

"Bạn sẽ trở thành kẻ lạc loài", Cammack nhấn mạnh, "Bạn sẽ bị coi không phải là một người có tinh thần làm việc nhóm, hoặc không quan tâm tới người khác. Khi mọi người đang làm nhiều thì bạn cũng cần phải làm nhiều".

Khi đó, với tư cách là nhân viên, bạn thường sẽ cảm thấy phải nói "có" với tất cả mọi công việc, do dự khi nghỉ ốm hay dành cả trưa nghỉ ngơi, trả lời công việc vào cuối tuần hay bắt ép bản thân phải vượt quá giới hạn.

Mạng xã hội càng khiến cho văn hóa hối hả phổ biến hơn khi nó khiến ta so sánh cuộc sống của mình với cuộc sống "hoàn hảo" của người khác. Nicole cho biết: "Nó khiến bạn cảm thấy "Có lẽ cuộc sống tôi đang có là chưa đủ vì mọi người còn có nhiều điều khác đang diễn ra".

Có nhiều người vô thức theo đuổi lối sống hối hả để né tránh giải quyết các vấn đề trong cuộc sống cá nhân. Cammack chia sẻ: "Đôi lúc sự bận rộn khiến bạn không nghĩ tới những vấn đề này hoặc trở thành một cách để trốn tránh mâu thuẫn ở nhà. Tuy nhiên, bạn vẫn phải đối mặt với nó, vậy liệu thế có đáng không?"

ĐẠI DỊCH KHIẾN CHO LỐI SỐNG HỐI HẢ CÀNG CUỐNG HƠN

Covid-19 đã gây ra tác động lớn tới cuộc sống bình thường của con người. Nhiều người mất việc làm, thất nghiệp và cố gắng chuyển sang những cách kiếm sống mới. Một số phải cố gắng nghĩ ra các giải pháp sáng tạo để cứu lấy doanh nghiệp của họ.

Làm việc tại nhà cũng khiến nhiều nhân viên phải học cách đảm bảo chất lượng công việc giống như tại văn phòng. Nếu như những áp lực đến từ văn hóa hối hả là chưa đủ thì những thay đổi này còn gia tăng thêm nỗi lo của nhiều người.

Tiến sĩ Muhammed Khan, người sáng lập Alpha Catering, nhận xét: "Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến nhiều thay đổi đối với cách sắp xếp công việc của hàng triệu nhân viên. Một số trong tương lai gần sẽ bị cắt giảm lương hay mất việc. Tất cả những yếu tố này đang ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và dẫn tới nhiều biểu hiện khác nhau".

NHỮNG TÁC HẠI SỨC KHỎE ĐẾN TỪ LỐI SỐNG HỐI HẢ

Một trong những cái giá phải trả từ văn hóa hối hả chính là sự kiệt sức đi cùng với nó. Cammack định nghĩa: "Kiệt sức là khi bạn cảm thấy kiệt quệ về cả mặt cảm xúc lẫn thể chất đến mức bạn cảm thấy không thể làm được thêm việc nào nữa hoặc có lẽ bạn không có động lực như trước".

Lối sống hối hả: Đánh đổi sức khỏe lấy tiền bạc, danh vọng? - 3

Kiệt sức là hậu quả thường gặp từ lối sống hối hả (Ảnh: Getty Images).

Một số dấu hiệu của việc kiệt sức như là tốn nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc, trì hoãn hoặc lảng tránh công việc, mắc nhiều sai lầm hơn bình thường, mất cảm hứng làm việc, cảm thấy lo lắng hoặc trầm cảm, gặp khó khăn trong việc lắng nghe và chăm sóc người khác.

Các nghiên cứu đã cho thấy tác hại của việc làm việc thường xuyên ảnh hưởng tới sức khỏe như tăng nguy cơ cao huyết áp, đau tim, thậm chí là đột quỵ. Nhiều vấn đề sức khỏe xuất hiện là bởi vì cách chúng ta làm việc và mức độ stress ta gặp phải. Vào năm 2019, 55% người dân Mỹ cảm thấy áp lực vì cuộc sống của họ, cao hơn 20% so với mức trung bình trên thế giới.

GIẢI THOÁT BẢN THÂN KHỎI LỐI SỐNG HỐI HẢ

Vì sự hiện hữu của lối sống hối hả trong cuộc sống chúng ta, việc sống chậm lại và tạo nên thói quen mới có thể rất khó khăn. Tuy nhiên, điều này vẫn có thể đạt được, dù chỉ là với những thay đổi nhỏ nhất.

Kiểm soát mức độ năng lượng của bản thân

Vì việc sống nhanh đã quá được bình thường hóa mà đôi khi ta không nhận ra cuộc sống của mình đang mất cân bằng. Nó khiến ta đánh giá ngày của mình dựa trên số lượng việc đã làm được chứ không phải cảm xúc thực sự.

Để kiểm soát năng lượng của bản thân, các chuyên gia khuyên rằng bạn nên viết nhật kí, ít nhất ba phút vào cuối ngày. Hãy ngẫm lại những điều bạn đã cảm thấy trong ngày hôm đó. Viết lại những việc tốt, những việc chưa tốt và những bài học bạn nhận được.

Nếu sau một tuần, nếu bạn nhận thấy có những vấn đề thường xuyên xuất hiện, đã đến lúc để điều chỉnh lại thời gian và năng lượng của mình để giải quyết chúng.

Lên kế hoạch nghỉ ngơi và giải trí

Đọc một cuốn sách không liên quan tới công việc. Đi chơi với bạn bè và gia đình. Học chơi một nhạc cụ mới. Dành thời gian cho bản thân sẽ giúp bạn nhận ra những điều quan trọng nhất với mình, hơn là chỉ làm theo những điều người khác yêu cầu.

Nhìn nhận những công việc bạn thích và đem tới ảnh hưởng tới cuộc đời bạn

Việc này sẽ giúp bạn tìm ra giới hạn đâu là công việc và đâu là cuộc sống của bạn. Một phương pháp được các chuyên gia đưa ra là phân tích 80/20. Hãy dành thời gian để hỏi bản thân: "20% các hành động nào của mình sẽ tạo ra 80% kết quả của mình?".

Khi đó, bạn sẽ tìm ra được những việc cần ưu tiên và đầu tư công sức vào chúng. Những việc kém quan trọng hơn thì sẽ được phân bổ ít sức lực ít hơn.

Đặt ra giới hạn rõ ràng

Nếu bạn cảm thấy đủ an toàn, hãy chia sẻ giới hạn của mình với sếp và đồng nghiệp. Hãy cho họ biết khi nào bạn sẵn sàng trả lời email hoặc cho họ biết bạn cần có những ca nghỉ giữa ngày. Việc thảo luận trước những vấn đề này sẽ khiến cho lãnh đạo và đồng nghiệp biết cần hi vọng gì từ bạn và giảm thiểu xung đột.

Đưa ra định nghĩa "thành công" đối với bản thân

Thành công trong công việc, gia đình, tình cảm và những mặt khác trong cuộc sống là như thế nào đối với bạn? Hãy tự trả lời những câu hỏi này. Việc xây dựng lối sống dựa trên kỳ vọng bản thân, hơn là những điều bạn thấy trên mạng xã hội, sẽ giúp giảm tải áp lực.

Cuộc sống có nhiều điều hơn là công việc. Dù làm việc chăm chỉ sẽ mang tới thành quả, chúng ta vẫn cần dành thời gian cho cuộc sống cá nhân. Vào cuối ngày, cảm giác hạnh phúc và hài lòng với một ngày của mình là quan trọng nhất.

Hà Mi - Mai Châm


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024