'Nghèo sang chảnh' - Cạm bẫy từ lối sống mới của giới trẻ

10/12/2021 16:00
'Nghèo sang chảnh' - Cạm bẫy từ lối sống mới của giới trẻ

Tài khoản tiết kiệm 0 đồng, nhưng lại làm màu bằng vẻ ngoài hào nhoáng, đó chính là cạm bẫy từ lối sống "nghèo sang chảnh" của giới trẻ hiện nay.

"Nghèo sang chảnh" là cụm từ mang ý nghĩa: "Dù cuộc sống vẫn còn khó khăn nhưng lại học theo cách sống của những người có điều kiện khá giả, giàu có". 

Giới trẻ sẵn sàng mua những món đồ hiệu đắt tiền, mỹ phẩm cao cấp, điện thoại đồ xa xỉ… trong khi những thứ đồ đó vượt qua thu nhập hàng tháng. Sự đánh đổi ấy để có được những lời tán thưởng, sự ghen tị của người ngoài hay đơn giản chỉ là vỏ bọc bên ngoài.

Sự thỏa mãn trong thoáng chốc

Sinh sống ở một thành phố đáng sống nhất Việt Nam mang tên Đà Nẵng, Huỳnh Thanh Tú (sinh năm 1996, quê Hội An) từng có những tháng ngày "hết mình". Tuy nhiên, Thanh Tú đã thoát ra khỏi lối sống hưởng thụ trước, tiết kiệm sau để có được những thành công như ngày hôm nay. 

Nghèo sang chảnh: Lối sống mới hay sự lệch lạc trong nhận thức? - 1

Ý thức được việc tiết kiệm, quản lý tài chính cá nhân đã khiến Thanh Tú có được một cuộc sống tốt đẹp và gặp nhiều may mắn trên con đường sự nghiệp.

Thanh Tú chia sẻ: "Suốt những năm tháng của tuổi đôi mươi, mình đã hưởng thụ cuộc sống một cách "hết mình". Nhưng nhìn lại, tất cả những gì Tú có chỉ là những buổi cà phê sang chảnh, những bữa ăn tiền triệu và cả những món đồ hiệu bằng nửa tháng lương. Thú thật, chúng cũng đã đem lại cho mình sự thỏa mãn, nhưng chỉ thoáng qua, không có ý nghĩa gì cả".

"Mình chợt nhận ra rằng bản thân đã "giàu có" ở tuổi 26, nhưng là giàu kinh nghiệm và bài học rút ra từ chính những vấp ngã. Giàu bởi ý thức được việc phải tiết kiệm, quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả và tối ưu, không lãng phí. 

Bên cạnh đó, mình cũng giàu thêm về kiến thức sau những chuyến đi tới Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan hay thậm chí là mọi miền của Tổ quốc. Bởi mỗi chuyến đi, mình có một bài học đường đời, thấu hiểu về con người nơi đây để nhìn lại cách sống của bản thân", Thanh Tú kể.

Tuy chưa thành công theo sự mong muốn, nhưng Thanh Tú đã có thể tìm ra mục tiêu sống của bản thân một cách rõ ràng. Có thể đủ khả năng và sẵn sàng phụ giúp bố mẹ khi họ cần về tài chính. Để có được điều này, Thanh Tú mong các bạn trẻ hãy sớm tìm ra được phương hướng cho chính mình tránh lún sâu vào lối sống "nghèo sang chảnh" kia.

Hãy tiết kiệm khi còn trẻ

"Mình từng thấy một người bạn học cấp 3 chỉ là nhân viên văn phòng bình thường với mức lương 10-15 triệu đồng/tháng, nhưng sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu mua một đôi giày, hay vài triệu cho một bữa ăn thậm chí cả 30 triệu để chạy theo công nghệ. Tất cả chỉ là một vỏ bọc bên ngoài và khoe mẽ với bạn bè xung quanh", Nguyễn Vương Anh (sinh năm 1997, quê Sơn La) cho hay.

Nghèo sang chảnh: Lối sống mới hay sự lệch lạc trong nhận thức? - 2

Vương Anh luôn quan niệm, khi còn trẻ thì hãy cống hiến cho những mục tiêu và tiết kiệm thật nhiều tiền.

Chàng trai quê Sơn La cho rằng, những người trẻ chưa nhận ra được giá trị của đồng tiền, ít gặp sóng gió thì hay bông đùa gọi một cách dí dỏm đều là "tuổi trẻ chưa trải sự đời". 

Vương Anh tâm sự: "Dịch Covid-19 đã là một minh chứng rõ ràng về điều này, nếu bạn có sự tiết kiệm khi còn chập chững đi làm thì chắc chắn sẽ chẳng gặp nhiều khó khăn gì mà hoàn toàn tự hào về chính mình. Hoặc bạn sẽ luôn có một khoản dự phòng để dùng khi ốm đau, khi bố mẹ cần đến, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn".

Thay vì lãng phí thời gian cho những cuộc vui, cho cuộc sống hưởng thụ "nghèo sang chảnh" thì bạn nên tập trung để phát triển cho sự nghiệp, và không ngừng tạo ra những khoản tích lũy, tiết kiệm cho bản thân. Bởi, khi bạn bị đẩy vào một tình thế khó khăn, biết đâu tiền lại chính là một phao cứu sinh giúp bạn thoát ra khỏi vũng lầy đó.

Vương Anh cũng chắc chắn một điều rằng: "Khi bạn nỗ lực và biết tiết kiệm ngay từ khi còn trẻ, không "nướng" tiền bằng việc sống "nghèo sang chảnh". Lúc về già, bạn sẽ có những tháng ngày hưởng thụ và thảnh thơi hơn bao giờ hết".

Không đơn giản là lối sống, đó là sự lệch lạc về nhận thức

Hoàng Minh Huê (Cầu Giấy, Hà Nội) lại cho rằng: "Ai cũng có thể chọn một cuộc sống sang chảnh. Nhưng cái gọi là cuộc sống sang chảnh đối với mọi người cũng là khác nhau, nó là sự phong phú, thỏa mãn và bình yên thực sự từ trong tâm hồn chứ không phải nói hôm nay bạn mua chiếc túi hàng hiệu này, ngày mai đi đôi giày hàng hiệu kia thì mới là sang chảnh".

Nghèo sang chảnh: Lối sống mới hay sự lệch lạc trong nhận thức? - 3

Minh Huê thẳng thắn nói: "Không ai đánh thuế ước mơ của bạn. Việc mong muốn có một cuộc sống dư giả, đầy đủ là động lực phấn đấu của rất nhiều người. Nhưng không khó để thấy nhiều bạn trẻ có suy nghĩ sai lệch, lầm lạc khi cho rằng chỉ khi khoác trên mình những bộ đồ hiệu, dùng những đồ dùng công nghệ đắt tiền mới được người khác công nhận. Chính lối tư duy đó khiến không ít người bị rơi vào vũng bùn của sự tha hóa, họ lấy giá tiền của những món đồ, thương hiệu của những gì người khác mặc làm thước đo nhân cách, quy chuẩn con người".

Theo Minh Huê, sự lệch lạc trong nhận thức đó còn bắt nguồn ngay từ chính những thói quen thường ngày. Không ít bạn sinh viên biện minh cho thói quen tiêu xài phung phí của mình với những lý do như "tuổi trẻ phải sống hết mình", "không mua bây giờ sẽ không còn cơ hội nữa"... Những lời biện minh để mê hoặc cho những lần quá tay đó lâu dần trở thành một lối sống độc hại biến không ít người trở nên mù quáng, thiếu khôn ngoan khi chi tiêu và trở thành người chuộng vật chất.

Bài học tích lũy từ lối sống "nghèo sang chảnh"

Là một người trẻ, vững vàng trong tài chính nên Thanh Tâm có quan điểm: "Trên đời có ba thứ người bình thường hay truy đuổi nhưng thực sự khó có thể cùng lúc viên mãn cả ba. Đó là thời gian, tiền bạc và sức khỏe; lúc trẻ có thời gian, sức khỏe nhưng ít tiền. Lúc trưởng thành có sức khỏe, có tiền nhưng ít thời gian. Lúc già có tiền, có thời gian nhưng sức khỏe hao mòn. 

Nghèo sang chảnh: Lối sống mới hay sự lệch lạc trong nhận thức? - 4

Thanh Tâm đã rút ra được một bài học tích lũy từ lối sống "nghèo sang chảnh" để làm nên những giá trị thật, không hào nhoáng. 

Do đó, chấp nhận hao hụt một thứ để bù đắp thứ thiếu hụt ở mỗi giai đoạn là tốt nhất. Không nhất thiết phải làm đầy cả ba ngăn. Chỉ cần san ra cho cân bằng là được. Vả lại trong ba thứ đó, tiền là yếu tố linh hoạt nhất. Tiền có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian và nâng cấp sức khỏe. Nhưng để có tiền trước hết phải có sức khỏe và thời gian. Nên tốt nhất đừng dựa vào "biến số" để cân bằng phương trình. Thời gian là cố định. Sức khỏe là cần thiết. Tiền có thể tùy nghi gia giảm".

Thanh Tâm cho hay: "Bạn nên đảm bảo sự vững vàng trong tài chính: Luôn tiết kiệm, có một khoản tích lũy đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong vòng 6 tháng tối thiểu và dài hạn hơn là 1-2 năm… Tiếp đó là sự an toàn tài chính; bạn phải có đủ khả năng tài chính và nguồn thu thụ động để đảm bảo mức sống tối thiểu mà không cần làm việc khi gặp những lý do khách quan từ môi trường, sức khỏe. 

Ngoài ra, bạn cũng cần phải bồi đắp gia tăng số tài sản tích lũy để làm nền móng dựa vào lúc về già mà không phải phụ thuộc ai. Cuối cùng là khi bạn đã làm được những điều trên thì hoàn toàn có dư dả tiền bạc phục vụ các nhu cầu của cá nhân".

Văn Hiền

Ảnh: NVCC


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024