"Ngày hôm nay, tại đất nước Myanmar của tôi, có quá nhiều người chết. Hãy giúp đỡ Myanmar. Chúng tôi cần sự giúp đỡ khẩn cấp của cộng đồng quốc tế ngay bây giờ", Hoa hậu Hòa bình Myanmar Han Lay nói tại cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế (Miss Grand International) 2020 ở Thái Lan tuần trước.
Cách đây hơn một tháng, Han Lay, 22 tuổi, đã có mặt trên đường phố Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, để phản đối chính quyền quân đội.
Tình trạng bất ổn ở Myanmar bắt đầu từ hai tháng trước, khi quân đội giành quyền kiểm soát đất nước, hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử dân chủ, trong đó đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi giành chiến thắng.
Ban đầu, khi hàng chục nghìn người xuống đường trên khắp cả nước để phản đối cuộc đảo chính, quân đội đã sử dụng vòi rồng để giải tán họ. Sau một tuần, căng thẳng leo thang, quân đội sử dụng đạn cao su và sau đó là đạn thật.
Ngày đẫm máu nhất của cuộc giao tranh giữa người biểu tình và quân đội Myanmar xảy ra hôm 27/3, khi hơn 100 người thiệt mạng. Số người chết cho đến nay đã lên tới hơn 520 người. Theo Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, trong số những người thiệt mạng, có 43 trường hợp là trẻ em.
Han Lay, một sinh viên tâm lý tại Đại học Yangon, đã quyết định sử dụng cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế như một diễn đàn để lên tiếng cho quê hương của mình tại đấu trường sắc đẹp quốc tế.
"Ở Myanmar, các nhà báo bị giam giữ... vì vậy tôi quyết định lên tiếng", Han Lay nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Bangkok, Thái Lan.
Giờ đây, Han Lay lo ngại rằng bài phát biểu kéo dài 2 phút của mình tại cuộc thi có thể đưa cô vào "tầm ngắm" tại quê nhà. Han Lay cho biết cô đã quyết định ở lại Thái Lan ít nhất 3 tháng tới.
Han Lay cho biết trước khi lên đường sang Thái Lan, cô biết rằng mình có thể gặp rủi ro và cần phải ở lại Thái Lan một thời gian.
"Tôi rất lo lắng cho gia đình và sự an toàn của mình vì tôi đã nói rất nhiều về quân đội và tình hình ở Myanmar. Ở Myanmar, mọi người đều biết có giới hạn trong việc nói ra những gì đang xảy ra. Bạn bè của tôi nói với tôi rằng đừng quay lại Myanmar", Han Lay nói.
Những lo sợ của Han Lay không phải là không có cơ sở. Tuần trước, lực lượng an ninh Myanmar đã phát lệnh bắt giữ 18 người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội và 2 nhà báo. Tất cả họ đều đã lên tiếng phản đối đảo chính.
Han Lay cho biết cô không bị phía quân đội hoặc bất kỳ quan chức nào khác liên hệ sau bài phát biểu của mình. Tuy nhiên, cô đã nhận được những bình luận đe dọa trên các tài khoản mạng xã hội. Người đẹp Myanmar không biết ai đứng sau những lời đe dọa đó, tuy nhiên phần lớn các bình luận trên mạng xã hội đều ủng hộ cô.
"Cần phải lên tiếng"
Nhớ lại khoảnh khắc trên sân khấu cuộc thi, Han Lay nói rằng cô phải "nuốt" nước mắt để có thể nói ra những lời từ trong lòng mình.
"Tôi cần phải nói ra. Tôi đã khóc rất nhiều và cả đêm khi về đến phòng tôi vẫn khóc. Cho đến bây giờ khi tôi nói về Myanmar, tôi vẫn khóc rất nhiều", Han Lay chia sẻ với Reuters.
Han Lay nói rằng cô không thể tập trung vào cuộc thi và thương cảm cho người dân đang ở quê nhà.
"Các nữ hoàng sắc đẹp cần phải mỉm cười mọi lúc mọi nơi, cần phải kết nối với mọi người. Nhưng tôi không thể hạnh phúc, vì trong khi tôi đang làm các hoạt động hàng ngày ở đây, rất nhiều người đã chết ở Myanmar", Han Lay nói.
Nhiều bạn học của Han Lay, những người cùng đi biểu tình với cô trong những tuần đầu tiên sau cuộc đảo chính, đã bị bỏ tù. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), ít nhất 2.500 người đã bị bắt trong chiến dịch trấn áp của quân đội Myanmar.
Han Lay cho biết một trong những người bạn của cô đã thiệt mạng. "Anh ấy thậm chí còn không tham gia biểu tình. Anh ấy đến một nhà hàng để uống cà phê vào một buổi tối và ai đó đã bắn anh ấy", Han Lay kể lại.
Han Lay cho biết gia đình của cô hiện vẫn an toàn, nhưng việc liên lạc với họ bị đứt quãng vì Internet thường xuyên bị cắt ở Myanmar.
Những phát ngôn chính trị công khai của Han Lay, trong đó có cả những lời chỉ trích nhằm vào quân đội Myanmar, không phải chuyện thường gặp ở các thí sinh dự thi các cuộc thi sắc đẹp. Tại các cuộc thi này, thí sinh thường giữ thái độ phi chính trị.
Nhưng Han Lay coi việc lên tiếng là "nghĩa vụ" của mình. Cô gọi bà Suu Kyi là "nguồn cảm hứng lớn nhất" của mình. Tuần trước, nhà lãnh đạo dân chủ bị lật đổ đã bị buộc tội vi phạm luật bí mật nhà nước của Myanmar, cáo buộc có mức án tù lên đến 14 năm.
Han Lay trước đây đã lên kế hoạch trở thành một tiếp viên hàng không sau khi tốt nghiệp, nhưng cô nói rằng hiện tại cô không chắc chắn về con đường sẽ đi. Một số người đã cố gắng thuyết phục cô tham gia chính trị, nhưng người đẹp Myanmar không nghĩ điều đó dành cho mình.
Trong khi chờ đợi, Han Lay dự định sẽ tiếp tục sử dụng tiếng nói của mình để lên tiếng về tình hình đất nước.
Thành Đạt
Theo BBC, Reuters