Danh ca Lệ Thu tên khai sinh là Bùi Thị Oanh, nguyên quán ở Hà Ðông, nhưng bà sinh ra ở Hải Phòng rồi di cư vào Nam. Sau năm 1975, bà chọn ở lại Việt Nam vì còn có mẹ già. Mãi đến năm 1980 bà mới đặt chân đến Mỹ. Tháng 1.2021 Lệ Thu mất bên ngoài quê hương ở tuổi 78. Thân xác của bà sẽ trở về cát bụi nhưng tiếng hát của bà thì còn ở lại trong lòng người mộ điệu.
Danh ca Lệ Thu có một chất giọng đặc biệt, khàn khàn trầm buồn và hơi hơi lạnh. Tiếng hát của bà như dẫn người nghe vào thế giới mộng mị liêu trai, rồi chìm đắm trong đó khó thoát ra được nếu như tiếng hát của bà chưa dừng lại...
Khác với các ca sĩ cùng thời thường gắn bó với nhạc của một nhạc sĩ nào đó, ví dụ nhắc đến Khánh Ly là nhắc đến nhạc Trịnh Công Sơn, nhắc đến Thái Thanh, Thái Hằng là nhắc đến Phạm Duy..., Lệ Thu thì khác, nhắc đến tên bà là dường như tất cả những bản tình ca bất hủ của các nhạc sĩ hiện ra. Đó là Trường Sa, là Cung Tiến, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Đoàn Chuẩn, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Trầm Tử Thiêng, Vũ Đức Sao Biển… Lệ Thu là dấu gạch nối đặc biệt không thể tách rời giữa nhạc sĩ – tác phẩm – ca sĩ – khán giả. Bà đã hát ca khúc nào là đóng một dấu ấn mà bất cứ ca sĩ nào sau đó cũng khó có thể làm phai mờ.
Vì vậy, khi nhắc đến Xin còn gọi tên nhau, Nước mắt mùa thu, Ngậm ngùi, Hương xưa, Thuyền viễn xứ, Dạ khúc, Mắt lệ cho người, Chiếc lá thu phai, Xin mặt trời ngủ yên, Thu hát cho người…thì người ta không thể không nhắc đến Lệ Thu.
Danh ca Lệ Thu học nhạc lý từ bé với các soeur trong trường dòng, sau này vào Nam bà lại tiếp tục học nhạc và đàn piano với một cô giáo người Pháp ở đường Võ Tánh (Sài Gòn).
Một lần đi dự sinh nhật một người bạn ở phòng trà Bồng Lai, được sự cổ vũ của bạn bè, lần đầu tiên bà bước lên sân khấu hát bài Tà áo xanh của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn – Từ Linh. Nghe giọng ca quá đặc biệt của bà, ông chủ phòng trà đã mời bà làm ca sĩ biểu diễn tại đây.
Về sự kiện này, sinh thời bà đã kể lại: “Mình tuy thuộc loại bạo gan và hay nghịch, nhưng tự nhiên bị xách đầu lên hát cũng thấy e ngại. Sau khi hát xong vừa trở về bàn là ông Lê, giám đốc nhà hàng đến tìm Thu. Ông ta hỏi Thu muốn đi hát không, sẽ có thù lao như thế này này. Mới tý tuổi đầu, thấy kiếm được tiền nhờ ca hát là Thu nhận lời. Kệ, cứ đi hát xem sao. Nhưng phải giấu các cụ".
Sau lời mời của ông chủ phòng trà Bồng Lai, Lệ Thu vẫn lén gia đình đến đây hát rồi về, nhưng sau đó gia đình phát hiện và bắt bà lấy chồng, khi đó bà vừa 18 tuổi.
Thời gian sau, Lệ Thu tìm cách trở lại sân khấu. Từ đó sự nghiệp ca hát của bà từ từ hình thành rồi bay vút lên trở thành một hiện tượng trong đời sống âm nhạc miền Nam thời bấy giờ.
Tên Lệ Thu xuất hiện trên biển quảng cáo của phòng trà ca nhạc Sài Gòn, sóng phát thanh, trên bìa sản phẩm của hãng thu âm nổi tiếng như một yếu tố thu hút khán thính giả. Trong một bài viết trên báo ở miền Nam trước 1975, nhà văn - nhà báo Duyên Anh ca ngợi Lệ Thu là "Giọng ca vàng mười" từ đó danh hiệu này cũng gắn liền với tên tuổi của bà.
Cho đến nay, nghệ danh Lệ Thu của bà vẫn là câu hỏi khiến cho nhiều người tò mò. Vì thế xung quanh cái tên vừa đẹp vừa buồn của bà, người ta đã thêu dệt nên nhiều giai thoại. Giai thoại nào cũng đẹp. Có người nghĩ rằng do bà hát những bản nhạc về mùa thu trong đó đặc biệt có bài Nước mắt mùa thu do nhạc sĩ viết Phạm Duy tặng cho bà nên tên Lệ Thu từ đó mà có…
Tuy nhiên bí ẩn này đã được chính danh ca Lệ Thu “giải mã” trong một cuộc trò chuyện với một tờ báo Việt ngữ tại Pháp vào năm 2010:
"Thực ra, tên Thu theo các cụ định thì không phải là Bùi Thị Oanh. Thầy Thu làm chức tước nhỏ gì đó ở làng hay huyện Ðông Xá. Mẹ Thu là thiếp, thua thầy đến gần 30 tuổi. Thầy dặn mẹ là nếu sinh con gái thì đặt tên là Bùi Trâm Anh, còn nếu con trai thì đặt là Bùi Gia Bảo. Thế lúc đi làm giấy tờ, Tây nó hỏi, cụ sợ, theo nếp cũ là con trai thì lót tiếng “Văn,” con gái thì lót chữ “Thị,” nên bèn khai đại là Bùi Thị Oanh. Cho nên trong nhà vẫn gọi Thu là Trâm chứ không gọi là Oanh.
Về tên Lệ Thu, trong một lần đến chơi bệnh viện Cộng Hòa thăm ông cậu làm việc ở đó, gặp dịp lễ lạt bệnh viện dự định tổ chức văn nghệ cho thương bệnh binh giải trí. Ông cậu hỏi Thu: Cháu muốn hát không? Lúc đó Thu chưa đi hát bao giờ, nhưng vẫn gật đầu bừa, nhưng lại sợ mẹ. Cậu hứa sẽ về “nói với mợ cháu là đi chơi với cậu thì mợ yên tâm.
Ðến lúc lên hát, bất ngờ người ta hỏi tên là gì để còn giới thiệu. Thu ú ớ, nói bừa là Mộng Thu. Sau thấy chữ Mộng có vẻ mộng mị quê mùa quá, nhưng lỡ dính chữ “Thu” nên lấy tên “Lệ Thu” cho rồi. Thu vội nói với ông animateur, bây giờ gọi là ông MC, “Này ông ơi, tên tôi là Lệ Thu nhé.”
Thực ra không biết từ bao giờ, thuở còn bé lắm, Thu cứ thích tên Thu. Còn chữ Lệ thì lúc sắp lên hát cuống quá, lấy đại cho rồi, nhưng chắc cả hai chữ đó lởn vởn đâu đó trong tiềm thức."
Suốt 78 năm có mặt trên cuộc đời, danh ca Lệ Thu đã đi qua những bước thăng trầm của định mệnh. Thênh thang trên con đường ca hát, lận đận dang dở trong tình duyên:
Nước mắt mùa Thu khóc cho hạnh phúc
…
Nước mắt mùa Thu khóc than một mình
Một đời ca sĩ hát trong buồn tênh
Giọng ca buồn bã vào trong đời úa
Thời gian còn đó còn thương còn nhớ hoài
Trời ơi nước mắt mùa thu khóc thân phận mình…”
Lệ Thu – cái tên trở thành định mệnh. Cũng theo giải thích của bà “lệ” có nghĩa là đẹp, là diễm lệ nhưng cũng có nghĩa là dòng nước mắt. Vậy Lệ Thu là “mùa thu diễm lệ” hay “giọt lệ mùa thu”? Có lẽ cả hai đều đúng.
Nghe danh ca Lệ Thu hát Nước mắt mùa thu - (Nhạc: Phạm Duy):