1. Khi cô đơn không còn là một trong những sự lựa chọn
Có một nữ nhân viên công sở 30 tuổi sống tại Trung Quốc tự kể lại rằng, do từng đi du lịch qua vùng dịch trong thời điểm nghỉ Tết, cô chủ động về nhà tự mình theo dõi và cách ly với mọi người xung quanh. Trước khi bắt đầu, cô đã lên một kế hoạch nghỉ ngơi dài hạn, coi đó là khoảng thời gian để phục hồi cả thể chất lẫn tinh thần sau nhiều năm làm việc mệt mỏi.
Hàng loạt bộ phim dài tập được tải về đầy máy, các cuốn truyện được chất chồng, tủ lạnh trữ đầy đồ ăn yêu thích để tự nấu nướng ở nhà, điện thoại luôn sạc đầy pin, sẵn sàng cho những thú vui tiêu khiển… Ngày một ngày hai, cô còn cảm thấy hết sức thú vị và thoải mái. Tuy nhiên, khi thời gian dần trôi qua, cô lại ngày càng cảm nhận sự lạc lõng cô đơn rõ ràng trong lòng.
Thời điểm đó lại trùng đúng vào sinh nhật, một mình đóng cửa ở nhà, không có bất cứ người thân, bạn bè nào có thể chung vui.
Cô cảm khái: “Đến thời điểm bắt buộc phải cô đơn một mình, tôi mới nhận ra mình chẳng thể hưởng thụ sự cô đơn hoàn toàn như bản thân vẫn nghĩ”.
Quả thật, khi cô đơn chỉ là một trong những sự lựa chọn, chúng ta hoàn toàn có thể chấp nhận và vui vẻ trong tình trạng đó. Thế nhưng, khi cô đơn trở thành lựa chọn bắt buộc duy nhất, thái độ của chúng ta sẽ hoàn toàn đổi khác khi phải đối mặt với nó.
Chúng ta tìm mọi cách để xóa bớt cô đơn trong nội tâm, gọi điện trò chuyện với bạn bè, lên mạng chơi game, thậm chí là tìm đến những chương trình trò chuyện online cùng người lạ, hát karaoke online… Bằng mọi cách, chúng ta chỉ muốn được tiếp xúc và hòa nhập vào với cộng đồng.
Tuy nhiên, khi chúng ta quá khát vọng được hòa hợp với tập thể, rất dễ quên đi ý nghĩa của việc ở một mình. Sự cô đơn là khoảng thời gian để tận hưởng hay tự thui chột chính mình đều dựa vào thái độ của chính bản thân khi đối mặt mà thôi.
Bộ trưởng Văn hóa Đài Loan Long Ứng Đài, cũng là tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Big River, Big Sea" (Tạm dịch: "Đại Hà, Đại Hải") từng nói: "Vô ưu vô lo đồng hành, vui đùa ca hát cùng nhau, tất cả chỉ là những cảm xúc của thời niên thiếu. Một khi giai đoạn trong sáng thuần khiết này đi qua, quãng đời còn lại của sự trưởng thành sẽ luôn gắn liền với cô độc. Có những việc chỉ có thể tự mình làm, có những đoạn đường chỉ có thể tự mình đi, có những khó khăn chỉ có thể tự mình trải qua”.
Một sự thật đau lòng trong thế giới của người lớn chính là việc: Rồi mỗi người chúng ta sẽ luôn trưởng thành theo cách của riêng mỗi người. Đó là một hành trình rất cô đơn, buồn một mình, khóc một mình, đau đớn một mình, gục ngã một mình, và rồi cũng một mình vui lên, một mình xóa nhòa nỗi đau, một mình tự động viên bản thân và một mình đứng dậy bước tiếp.
2. Thay đổi thái độ đối mặt
Cũng nghỉ ở nhà để theo dõi tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một nữ sinh viên lại chia sẻ hành trình một ngày của mình như sau:
Mỗi ngày cô chọn một cuốn sách khoảng 100.000 từ để đọc từ đầu tới đuôi.
Vừa đọc, cô vừa viết bút ký, ghi chép lại một số trích đoạn truyền cảm hứng, cũng có thể lên mạng tra cứu một ít tài liệu và video có liên quan.
Nữ sinh cho rằng, kỳ thật, một cuốn sách 100.000 từ rất mỏng. Nhưng thói quen sử dụng các thiết bị điện tử khiến ta xa rời trang giấy, quên mất độ dày thực sự của nó. Thực chất, mỗi ngày cô chỉ cần bỏ ra vài giờ đã đọc xong số này rồi.
Thông qua cách đọc sách, cô cũng có thể tâm bình khí hòa, thoát khỏi sự khủng hoảng, lo sợ mỗi khi lướt mạng và bắt gặp ngày càng nhiều những tin tức tiêu cực nhan nhản trên mặt báo điện tử.
Có thể thấy rằng, thay đổi thái độ sống, đối mặt với sự cô đơn bằng một tâm hồn bình thản, chúng ta mới nhận ra: Đại đa số sinh mệnh của con người luôn gắn liền với sự cô đơn, trò chơi vui thú nhất trong thời gian cô đơn này chính là không ngừng nỗ lực trưởng thành.
Đây chính là khoảng thời gian gia tăng giá trị tốt nhất cho một người. Sự cô đơn khiến bạn tập trung tất cả sự chú ý vào bản thân và có thể nỗ lực hết mình trên con đường phát triển mà không bị nhân tố ngoại cảnh quấy nhiễu.
3. Tận dụng cơ hội càng tốt, con đường dẫn tới thành công càng nhanh
Năm 1665, một trận Đại dịch hạch xảy ra ở London, Vương quốc Anh. Đến nay, nhắc tới Cái Chết Đen, người ta vẫn không khỏi rùng mình sợ hãi trước mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của nó tới đời sống xã hội và kinh tế của toàn bộ một đế quốc.
Lúc đó, Isaac Newton đã theo học và tốt nghiệp tại Cambridge. Ông phải về lánh nạn ở quê nhà trong suốt 2 năm. Thay vì rảnh rỗi ở nhà chờ đợi căn bệnh khủng khiếp đi qua, Newton lại tận dụng chính quãng thời gian này để làm việc cật lực, tiến hành toàn bộ những dự định nung nấu suốt nhiều năm qua trên giảng đường đại học.
Nhờ thế, đỉnh cao của những phát kiến quan trọng trong sự tiến bộ của lịch sử loài người đã được ra đời bao gồm định lý nhị thức, ánh sáng, kính thiên văn, vi phân và thần học… Trọng lực cũng là vấn đề được bộ óc thiên tài vĩ đại đưa ra nghiên cứu trong suốt một thời gian dài, đến vài năm sau thì chính thức đạt được thành tựu.
Thông qua câu chuyện này, người ta đưa ra những nghiên cứu có liên quan và cho thấy, sự cô đơn có thể kích thích sức sáng tạo của con người. Trong suốt lịch sử, có rất nhiều tác phẩm xuất sắc được sáng tác trong khoảng thời gian cô độc đến cực đoan.
Chẳng hạn như, “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trường thi “To Althea, from prison” của nhà thơ siêu hình Richard Lovelace, hay tác phẩm sử thi đỉnh cao là sự kết hợp xuất sắc của lịch sử, triết học với văn học chưa hoàn tất có tựa đề “The History of the World” của nhà thơ Anh Walter Raleigh lỗi lạc.
Nhà triết học nổi tiếng người Đức Arthur Schopenhauer từng nói: “A high degree of intellect tends to make a man unsocial”, có thể hiểu là: Càng trí tuệ, con người càng có xu hướng phi xã hội hóa.
Người tầm thường chọn cách lấp đầy cuộc sống của mình bằng sự phấn khích, người xuất sắc chọn cách đạt được bản thân bằng sự cô độc.
Giống như cách mà nhà văn Chiang Hsun (Tưởng Huân) của Trung Quốc từng nói: "Cô đơn chỉ là khởi đầu của một cuộc sống thành công. Chúng ta không thể thành công trong xã hội nếu không thành công ngay từ khi một mình đối mặt với chính bản thân.”
Trí thức trẻ