Làm cách nào để được tự do?

30/12/2018 08:00
Làm cách nào để được tự do?

Khi người ta yêu: nếu bị người họ yêu từ chối, họ tan nát con tim, đau đớn vật vã, có khi tự tử. Bạn có thể cảm thấy vui sướng khi lần đầu bạn yêu, nhưng bạn phải trả giá sau đó.

Hình dung thú nhục dục

Khi bạn nhìn một người duyên dáng, bạn chỉ nhìn thấy lại một người nữa trong vòng Luân Hồi, một người cũng phải chịu đựng tuổi già, bệnh tật và cái chết giống như bạn. Khi tôi thấy một phụ nữ, tôi nhìn cô ta không khác gì cái cách tôi nhìn những nhà sư khác. Cô ấy là một con người trong thân xác phụ nữ, không phải là một đối tượng để khao khát. Thật tuyệt vời khi bạn có thể nhìn tất cả mọi người theo kiểu như thế. Như vậy có nghĩa là bạn tự do.

Có những khát khao khiến chúng ta phát sốt đến nỗi chúng ta không thể ngưng suy nghĩ, mơ tưởng và phung phí quá nhiều thời gian cho chúng. Tuy nhiên, người ta vẫn mê say cảm xúc đó. Như trong tích truyện về một người bị bệnh cùi. Anh ta đốt những vết thương ngứa ngáy trên thân thể mình trên ngọn lửa, bởi vì việc đó khiến anh ta cảm thấy dễ chịu hơn. Thật ra là anh ta đang đốt chính mình, nhưng vì bản chất của căn bệnh phong hủi, anh ta cảm nhận như thế là đáng vui mừng. Cũng tương tự với những thú vui từ các giác quan mang lại, nếu chúng ta hiểu bản chất thật sự của chúng, chúng ta sẽ buông bỏ chúng.

Đại sư Ajahn Sumedho có lần kể câu chuyện về một cặp vợ chồng sống gần tu viện Chithurst ở nước Anh. Họ được mặc nhiên là đôi vợ chồng hạnh phúc: họ yêu nhau từ khi còn trẻ và hầu như không hề cãi nhau. Sau đó người vợ mắc căn bệnh thấp khớp, hay bị hành hạ bởi những cơn đau thật khủng khiếp. Nhưng khi bà ta muốn buông xuôi và chết, ông chồng không chịu để cho vợ đi, nói rằng ông không thể sống nổi nếu không có bà. Vậy là một người phải chịu đau đớn vì người kia không buông cho bà đi. Hồng phúc quý giá của tình vợ chồng giống như một món nợ mà bây giờ phải trả.

Thật vậy, Đức Phật truyền giảng rằng có khát khao giống như vay một món nợ: Bất kỳ niềm hạnh phúc nào rút ra từ thế giới các giác quan, bạn đều phải trả lại bằng nỗi thất vọng, bực bội và đau khổ. Bạn có thể thấy điều đó khi người ta yêu: nếu bị người họ yêu từ chối, họ tan nát con tim, đau đớn vật vã, có khi tự tử. Bạn có thể cảm thấy vui sướng khi lần đầu bạn yêu, nhưng bạn phải trả giá sau đó.

Khi bạn tiếp tục mường tượng “Tôi phải xa rời và chia lìa tất cả mọi thứ quý giá và phù hợp với tôi”, từ từ bạn sẽ mất đi nỗi hứng thú với những niềm vui từ năm giác quan và thân thể bạn. Khi bạn điều tra kỹ chúng, bạn nhận ra rằng theo đuổi hạnh phúc thông qua những thứ này là chẳng có nghĩa lý gì hết. Sau đó, bạn có thể tự bắt buộc mình phải rời xa thân thể và hứa sẽ không tái sinh vào bất kỳ thân xác nào khác trong tương lai. Sự gắn kết với thân thể là một trong những điều quan trọng nhất cần phải hiểu để buông bỏ nó luôn.

Nếu bạn không thể buông bỏ thân thể khi bạn còn mạnh khỏe, thì làm sao bạn có thể làm điều đó khi bạn ốm đau bệnh tật?

Hình dung thân thể

Để cắt đứt sự gắn kết với thân thể, chúng ta luyện tập thiền 31 bộ phận thân thể. Ở Thái Lan, trong tất cả những cuộc khám nghiệm tử thi tôi từng dự, cuộc khám nghiệm lay động tôi nhất là một tử thi nam trạc tuổi tôi. Do anh ta cùng tuổi, tôi có thể liên tưởng nhân dạng thân thể anh ta. Khi tử thi được mổ ra, tôi thấy bản chất ghê tởm của thân xác, và tôi biết thân thể mình cũng như vậy. Tôi liền kết luận: chẳng có giá trị gì trong việc gắn kết với thân thể.

Khi bạn nhìn thấy những thứ bên trong thân xác, bạn nhận ra rằng bản chất của thân thể là già đi, bị bệnh và chết. Khi hiểu sâu sắc điều đó, bạn chứng đắc bể khổ lớn nhất trong sự tồn tại của loài người. Thật vậy, chính vì hình dung được tuổi già, bệnh tật và cái chết mà Đức Phật xuất gia trở thành nhà tu, khởi hành trên đạo lộ tìm sự tự do thoát khỏi những kiếp nạn ấy. Ngài nhận ra tuổi già, bệnh tật và cái chết là những hình thức tra tấn cơ bản, chính nó tạo động lực cho Ngài tìm ra con đường hoằng pháp.

Khi bạn hành thiền với đối tượng là cơ thể mình theo cách này, bạn sẽ khởi sinh cảm giác kinh tởm nó, và rồi sự gắn kết với nó – lo lắng, quan tâm, cuồng dại về nó – biến mất. Khi sự cuồng dại thân thể mình biến mất, thì sự si mê thân thể người khác cũng biến mất. Bạn nhìn một cô gái đẹp và tất cả những gì bạn thấy là thân thể có tim, phổi, tứ chi giống như bạn. Tự nhiên những cảm giác bị chặn lại và sự cám dỗ không nổi lên.

Kỹ thuật hình dung này cũng được áp dụng để đối phó với sân (tà ý). Bạn ít có khuynh hướng nổi giận, cáu gắt với người bị bệnh ung thư;  bạn tự nhiên thông cảm với người bị thương và đau đớn sắp chết. Bạn có thể mở cảm xúc với bất kỳ ai vì tất cả chúng ta đều đang chết. Cho dù người ta có nói gì hay làm gì với bạn, hãy tự nhắc mình rằng họ đang chết. Khi bạn nhìn người khác kiểu này, sân không nổi lên. Do tham và sân không xuất hiện, bạn không lo lắng đến thân thể, bạn an bình ngồi xuống, nhắm mắt lại và thâm nhập lãnh địa của Tâm.

Tự do thoát ly thân thể

Lý do bạn chánh niệm thân là để hiểu bản chất thật của thân thể, để phát Tuệ nibbidā đối với nó và giúp cho bạn từ bỏ nó. Bạn nghĩ: “Tống khứ tốt đấy” khi bàn tay biến mất; “Tới lúc rồi” khi cẳng chân biến mất; “Thật nhẹ nhõm” khi cái lưng biến mất; và “Hàààà” khi hơi thở biến đi. Toàn bộ thân thể biến mất. Cuối cùng bạn tự do thoát khỏi nó. Và do bạn đã buông xả thân thể mình, bạn đã hình dung được cách lìa đời đúng đắn. Đây là một trong nhưng giáo huấn thâm diệu nhất chúng ta có được từ hành thiền sâu.

Nếu bạn không thể buông bỏ thân thể khi bạn còn mạnh khỏe, thì làm sao bạn có thể làm điều đó khi bạn ốm đau bệnh tật? Ngay cả bây giờ, khi bạn bị đau nhức trên thân thể, liệu bạn có dễ hành thiền? Có dễ quan sát hơi thở? Nó sẽ ra sao khi bạn ốm, khi bạn đau và sắp chết, khi bạn yếu và không còn nhiều sức lực nữa? Khi đó sẽ khó hơn rất, rất nhiều. Vì vậy, trong khi bạn còn đang có sức khỏe, giờ là lúc để học cách buông bỏ.

Hãy tự rèn luyện: ngồi xuống, khoanh chân, nhắm mắt lại, và luyện “nhận thức khoảnh khắc hiện tại trong tĩnh lặng”. Nên nhớ rằng hầu hết suy nghĩ của bạn là về niềm vui của thân thể  và của thế giới năm giác quan. Hãy ngưng tất cả những thứ ấy lại. Nán lại cùng hơi thở và cho phép hơi thở trở nên đẹp đẽ, dễ chịu, để rồi thân thể biến mất. Khi bạn tập trung hết sức vào hơi thở, bạn không thể cảm thấy đầu hay chân cẳng mình. Bạn không biết thân thể mình ở đâu và bạn không thể quan tâm ít đi – nó đã biến mất và những gì bạn còn là hơi thở. Hơi thở trở nên đẹp đẽ, dễ chịu, rồi nimitta nổi lên. Ở điểm đó, thân thể, bao gồm hơi thở, đã hoàn toàn biến mất.

Tự do thoát khỏi thân thể – đây là điều xảy ra khi bạn chết. Định Tướng nimitta là cùng thứ ánh sáng bạn thấy khi người ta lìa thân xác lúc chết hoặc lúc cận kề cái chết. Tầng Định Tướng nimitta là hồng phúc tuyệt diệu nhất – hơn cả tình dục, hơn cả một mối tình – và nó không khó thực hiện khi bạn buông bỏ thân thể. Chỉ khi bạn vẫn gắn kết với thân thể là khó mà thôi. Nếu bạn thấy sự nối kết vẫn còn đó, hãy tự nhủ rằng như thế là bạn đang nối kết với bể khổ, như bạn đang cầm một cục than nóng. Hãy buông nó ra, vứt nó đi và bước ra khỏi đống phân.

Nếu bạn đã trải qua những điều này, nó giống hệt như cõi tiên. Khi việc hành thiền của bạn tiến triển, dần dần bạn nhận ra rằng đấy không phải là cõi tiên, đấy là trạng thái thật sự tồn tại. Tất cả những gì bạn cần là hành thiền thêm nữa, buông bỏ thêm nhiều bộ phận thân thể nữa. Khi bạn luyện tập theo phương cách này, bạn bắt đầu thăng hoa. Bạn hiểu rằng thân thể không còn chịu đau khổ vì tuổi già, bệnh tật và cái chết. Đây là một trong những sự khai sáng mạnh mẽ nhất bạn nhận được từ hành thiền sâu. Một Định Tướng nimitta đủ để cho bạn có nhận thức này, nhưng nếu bạn đạt tới Định jhāna, thì điều đó lại càng rõ ràng.

Do chúng ta đã trở nên quen thuộc với sự đau đớn cho nên bình thường chúng ta không nhận ra bể khổ trên thân thể mình. Ajahn Chah đưa ra hình ảnh ví von về một người sinh ra có một sợi dây thừng quấn quanh cổ và hai con quỷ kéo hai đầu dây. Anh ta không thể biết được con quỷ nào kéo, nhưng tôi nghĩ về chúng như là tham và sân, hoặc ý chí và sự gắn kết với thân thể. Hai con quỷ cứ liên hồi kéo xiết sợi dây, nhưng vì nó luôn luôn xiết chặt nên bạn không thể thở đúng, bạn không nhận biết được điều gì đang diễn ra.

Bạn nghĩ điều này là bình thường, rằng cuộc sống là vậy. Rồi đến một ngày bạn thực hành thiền tử tế, bạn đạt tới giai đoạn hơi thở đẹp, sợi dây thừng đó được nới lỏng ra. Bạn có thể thở và nghĩ: “Ôi, an bình làm sao, thật là dễ chịu”. Sau đó, bạn chuyển qua Định Tướng nimitta và sợi dây thừng hầu như lỏng ra hẳn: “Ôi chao, điều này thật tuyệt vời!”.

Bạn đang nhận ra chân lý cao cả trong giáo huấn Phật Pháp, những điều mà Đức Phật đã chứng ngộ: lý do bạn hạnh phúc là bởi vì toàn bộ bể khổ đã biến đi. Hai con quỷ đã buông sợi dây thừng, và bạn có thể thở lại. Thật tuyệt vời khi chính bạn trải qua điều này, bởi vì nó mang lại cho bạn sự chứng ngộ trực tiếp những gì chúng ta đang cố thực hiện. Do bản chất đau đớn của thân thể, chúng ta luyện tập cách chết từ sự vượt qua nó, từ sự thâm nhập vào vương quốc của Tâm.

Khi bạn luyện điều này thật đầy đủ và kiên định, bạn trở thành người không quay đầu lại, và bạn sẽ không bao giờ tái sinh trong thế giới của thân xác nữa. Nhưng nếu bạn không luyện hành thiền, ai mà biết được kiếp sau bạn sẽ tái sinh vào đâu.

Trích Hạnh phúc đến từ sự biến mất


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025