1. Tiểu sử nhà văn Kim Dung
Kim Dung là ai? Đây là một trong những nhà văn xuất sắc hàng đầu của nền văn học Trung Quốc. Nhà văn có tên thật là Tra Lương Dung sinh ngày 10/3/1924, trấn Viên Hoa, huyện Hải Ninh, địa cấp thị Gia Hưng, Chiết Giang của Trung Quốc.
Ông được sinh ra và lớn lên trong một gia tộc khoa bảng danh giá. Ông nội của Kim Dung là Tra Văn Thanh từng giữ chức tri huyện Đan Dương, tỉnh Giang Tô. Sau này, Tra Văn Thanh từ chức, đến đời con là Tra Xu Khanh thì gia đình bắt đầu sa sút. Kim Dung là đứa con thứ 2 trong gia đình có 9 anh chị em.
Nhà văn Kim Dung - Nguồn Internet
Không chỉ thông minh, lanh lợi, nghịch ngợm, ông còn là người yêu thiên nhiên, thích nghe kể những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, nhất là về những ngọn triều trên sông Tiền Đường. Đặc biệt, từ bé Kim Dung đã rất mê đọc sách. Trong dòng họ của ông có một nhà để sách được gọi là "Tra thị tàng thư" có những cuốn sách cổ nổi tiếng khắp vùng Chiết Tây.
Năm lên tám tuổi, Kim Dung lần đầu tiếp xúc với tiểu thuyết võ hiệp. Đó là khi ông đọc đến bộ truyện Hoàng Giang nữ hiệp của nhà văn Cố Minh Đạo. Khi ấy, cố nhà văn cảm thấy rất say mê. Cũng từ đó, ông thường sưu tầm tiểu thuyết thể loại này.
Nhà văn Kim Dung đã hoạt động báo chí trên 30 năm. Ông là người thành lập nên các tòa báo: Minh Báo, Minh Báo nguyệt san, tuần san và Tân Minh nhật báo... Năm 1955, ông lấy bút danh Kim Dung nhắm mục đích sáng tác quyển tiểu thuyết võ hiệp đầu tay Thư Kiếm Ân Cừu Lục. Ông lập tức được nhiều người biết đến và nổi tiếng ngay sau đó.
Tiếp theo thành công đó, 15 tác phẩm võ hiệp ra đời: Xạ điêu tam ca, Lộc đỉnh ký... Tác phẩm của Kim Dung phổ biến gần như trên toàn cầu. Và đã được đưa lên màn ảnh, truyền hình, tuồng cổ, game, ... Ngoài ra, nhà văn Kim Dung còn viết nhiều về lĩnh vực pháp luật, lịch sử, Phật giáo.
Trải qua một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật, nhà văn tài năng Kim Dung đã qua đời ở tuổi 94, ngày 30/10/2018, tại Bệnh viện Hong Kong.
2. Các tác phẩm của Kim Dung
Kim Dung có bao nhiêu tác phẩm và những bộ tiểu thuyết của ông có gì đặc biệt mà được lưu danh, trở thành một kho tàng bất hủ.
Về số lượng, nhà văn Kim Dung đã viết tổng cộng 15 bộ tiểu thuyết, đa số đều là trường thiên tiểu thuyết. Đây không phải là con số lớn với những tác gia võ hiệp khác như Lương Vũ Sinh, Cổ Long, Ngọa Long Sinh hay Ôn Thụy An… Tuy nhiên, nếu so về độ bề thế, chất lượng nghệ thuật hay thông điệp truyền tải của những tác phẩm đó lại vượt trội. Những tác phẩm đó đã trở thành mẫu mực cho dòng văn học võ hiệp.
Kim Dung và nhân vật trong tiểu thuyết của mình ( Nguồn: Baidu)
Nếu nói tới điều đặc biệt trong những cuốn tiểu thuyết của Kim Dung thì đó chính là những tàng thư đồ sộ về văn hóa, lịch sử Trung Hoa cổ điển. Luận về võ hiệp đã đành nhưng nó còn liệt kê đủ thư về y lý, âm nhạc, ẩm thực, thư pháp, thơ ca.
Chẳng hạn như trong cuốn "Hiệp Khách Hành", ông đã mượn bài thơ cùng tên của thi tiên Lý Bạch mà tạo ra hai mươi tư pho đồ giải nên chiêu thức võ công. Hay như cuộc xâm lược Nam Tống của quân Nguyên Mông cũng được tái hiện lại qua bao thế hệ trong Xạ Điêu Tam Bộ Khúc.
Hay đơn giản là cuộc đàm luận về tửu đạo giữa Tố Thiên Thu và Lệnh Hồ Xung nhưng cũng đã chứa đựng hết cái tinh túy của men rượu đối với con người. Thoạt nhìn Kim Dung giống như là văn nhân cổ điển như thế, nhưng tác phẩm của ông lại nồng đậm men say khiến độc giả phải đắm chìm.
Lệnh Hồ Xung do Hoắc Kiến Hoa thủ vai trong phim Tiếu Ngạo Giang Hồ 2012 ( Nguồn: Sina)
Nếu nhìn kỹ, chúng ta lại thấy có những trúc trắc với luân lý người xưa. Có những quan điểm đã đi ngược với lễ giáo thông thường. Điển hình, như Tiểu Long Nữ tuy đã thất thân nhưng mà vẫn được mô tả như một tiên nhân không vướng bụi trần. Hay đôi khi, Kim Dung đã nâng tộc "tứ rợ", "man di" như Triệu Minh lên trên Chu Chỉ Nhược, người được xem là "danh môn chính phái".
Kể từ khi "phong bút" sau khi viết những dòng cuối cùng của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Lộc Đỉnh Ký, nhà văn Kim Dung đã dồn toàn lực vào chỉnh sửa những tác phẩm của mình. Ông đã đưa tất cả chúng trở thành những đỉnh cao của dòng văn học võ hiệp. Đôi khi thiết nghĩ, những cách thức ông đưa vào những trang viết của bản thân mình xứng đáng để cho bậc hậu thế sau này nghiên cứu và học tập.
3. Triết lý sống sâu sắc trong truyện Kim Dung
Cái chất làm nên truyện của Kim Dung khiến người xem say sưa không hẳn là những màn võ thuật mà nó chính là "triết lý sống sâu sắc", đặc biệt hơn khi nó tái hiện qua những bộ phim được chuyển thể.
Nếu trong các tác phẩm của Kim Dung, chủ đề và chất võ hiệp là xương sống của tác phẩm thì tình yêu lại làm "mềm hóa" câu chuyện. Đan cài giữa những trận chiến thư hùng luận võ là những cuộc tình đủ cung bậc cảm xúc, ái tình bi hận xen lẫn vào nhau. Nhà văn Kim Dung hay sử dụng mô típ quen thuộc là tình yêu giữa hai nhân vật nhưng thuộc phe phái đối lập hay các tầng lớp khác nhau, trái với luân lý thường tình.
Trương Vô Kỵ, Giáo chủ Minh giáo - thủ lĩnh nghĩa quân người Hán nên duyên cùng với quận chúa Mông Cổ Triệu Mẫn của Ỷ thiên đồ long ký. Hay như một lãng tử Lệnh Hồ Xung - đại đệ tử của danh môn chính phái lại đem lòng yêu Nhậm Doanh Doanh, con gái của giáo chủ ma giáo trong Tiếu ngạo giang hồ. Viên Thừa Chí ôm một mối tình si A Cửu - con gái của kẻ thù giết cha mình ở Bích Huyết kiếm.
Bản Thần điêu Hiệp lữ do TVB thực hiện năm 1983 với Lưu Đức Hoa và Trần Ngọc Liên
Có lẽ chữ "Tình" nổi bật nhất và cũng đặc biệt nhất, được nhiều người biết đến là tình yêu giữa đệ tử Dương Quá và sư phụ Tiểu Long Nữ. Cả hai đã bất chấp những lời đàm tiếu của giang hồ trong Thần điêu hiệp lữ.
Tiểu Long Nữ dù đã thất thân vào người khác nhưng Quá Nhi vẫn một lòng một dạ chấp nhận nàng. Để rồi câu chuyện tình thăng trầm phải chờ 16 năm thì cả hai mới gặp lại nhau tại chốn thiên đường ở dưới hạ giới "Tuyệt Tình Cốc".
Tình yêu mà nhà văn Kim Dung mang đến cho độc giả không chỉ có màu hồng, mà còn có những cuộc tình đượm buồn chia ly, như giữa Vô Kỵ và Tiểu Chiêu, A Châu và Tiêu Phong. Tuy nó không quá bi kịch hóa hoặc đẫm nước mắt nhưng để lại nhiều day dứt trong lòng của độc giả.
Bên cạnh phần nội dung hấp dẫn đi kèm với những tình tiết ly kỳ và cách xây dựng nhân vật độc đáo, các tác phẩm của cố nhà văn Kim Dung còn được đánh giá cao về những triết lý sống và nhân sinh quan sâu sắc. Triết lý được Kim Dung đặc biệt quan tâm chính là "Luật nhân quả" - đây là một hệ tư tưởng đặc trưng của Phật giáo.
Luật nhân quả trong tác phẩm của Kim Dung được thể hiện rõ nét qua nhân vật phản diện nổi tiếng trong Anh Hùng Xạ Điêu, đó chính là Dương Khang. Khi nói về nhân vật này, "bi kịch" là từ chuẩn xác nhất để miêu tả về số phận người nam nhân ấy. Và cái bi kịch này xuất phát từ nhiều yếu tố, cả bên ngoài lẫn bên trong. Tuy nhiên, cái kết đau đớn cuối cùng rốt cuộc cũng là do nhân vật tự chuốc phải.
Bản Anh hùng xạ điêu do TVB thực hiện năm 1994
Vì nóng lòng mong muốn học được võ công của Tây Độc Âu Dương Phong mà đã ra tay giết hại Âu Dương Khắc (con ruột của Âu Dương Phong). Sau khi sự việc của Dương Khang bị Hoàng Dung lật tẩy, người này đã mất mạng bởi chất độc của Âu Dương Phong vẫn còn sót lại ở trên áo giáp của Hoàng Dung.
Mặc dù không phải do chính tay Tây Độc hạ sát, tuy nhiên do luật nhân quả đã báo ứng. Giết một mạng thì phải đền một mạng. Thêm vào đó, cái chết của nhân vật Dương Khang cũng có nhiều tác động từ phía Hoàng Dung, do chính Dương Khang đã giết các sư phụ của Quách Tĩnh, có mạng phải đền mạng nên Hoàng Dũng đã thay mặt thực hiện điều này.
Luật nhân quả vẫn còn ứng nghiệm sau khi Dương Khang qua đời, người con là Dương Quá sau này lại vô tình được Tây Độc Âu Dương Phong trong lúc thần trí không rõ ràng dạy võ công.
Đây được xem là một phần "trả nợ" cho việc Hoàn Nhan Hồng Liệt và Dương Khang đã cứu cha con Âu Dương Phong trên biển.
Sự việc Quách Phù (con gái Quách Tĩnh) chặt đứt một cánh tay của Dương Quá cũng có thể được xem như trả nợ ân oán xưa kia Dương Khang làm nhiều việc có lỗi với Quách Tĩnh. Luật nhân quả một lần nữa lại được tái hiện rõ ràng dưới ngòi bút và khả năng sáng tạo của nhà văn tài hoa Kim Dung.
4. Sức ảnh hưởng của Kim Dung lên nền văn hóa
Tại Hong Kong, nhà văn Kim Dung đã bắt đầu nghiệp viết tiểu thuyết võ hiệp vào năm 1955, nghĩa là cách đây đã 67 năm. Ông giỏi ngoại ngữ, có kiến thức uyên bác ở nhiều lĩnh vực cho nên các tác phẩm của ông có kết cấu chặt chẽ vượt trội tất cả các tác gia tiểu thuyết võ hiệp khác. Những tác phẩm của ông tạo ra sức ảnh hưởng lớn lên nền văn hóa của giới trẻ Trung Quốc nói riêng và của Châu Á nói chung.
Ngộ nạn – Đoạt bảo – Phục cừu, đây là cái mô típ quen thuộc đã được triển khai cao rộng hơn hẳn khi vào tay Kim Dung. Với nhân vật chính không hề nhận được bất cứ ưu đãi nào về mặt thiên tư như Cẩu tạp chủng trong Hiệp Khách Hành, nhưng cuối cùng vẫn vươn cao lồng lộng bằng tư tưởng xả thân vì nghĩa của một hiệp khách giúp nước cứu đời.
Vị chính nhân quân tử đó được tôn bật lên bằng cả một bối cảnh riêng đặc trưng không lẫn vào đâu được của võ lâm giang hồ kỳ ảo. Một Alexandre Dumas của phương Đông đã chính thức xuất thế.
Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh Ký - tác phẩm phong bút của cố nhà văn Kim Dung đã không còn mang chút hơi hướng tương đồng nào với những vị đại hiệp trước đó nữa. Y, một kẻ đã thoát xác hoàn toàn khỏi chữ "hiệp". Kẻ tiểu nhân đắc chí này bất cố vô sỉ ấy, chính là kết tinh của tất cả sự "giễu nhại" thâm thúy sâu cay cũng những trăn trở suốt dài tận 15 năm về văn nghiệp của Kim Dung.
Vi Tiểu Bảo do Lương Triều Vỹ thủ vai trong bản phim được TVB Hong Kong sản xuất 1984
Rốt cuộc Kim Dung là ai mà cả thế hệ đi trước và đi sau ông đều khó có thể mang tới một thế giới võ hiệp với những nhân vật tưởng trọn vẹn nhưng không trọn vẹn, tưởng hoàn hảo nhưng không hoàn hảo.
Có một Quách Tĩnh khù khờ, Dương Quá ích kỷ, Kiều Phong bế tắc trong cuộc sống, Trương Vô Kỵ ủy mị, Vi Tiểu Bảo đê tiện, Thạch Phá Thiên mù chữ… Tất thảy đó đều phá vỡ thiết lập hình tượng mang tính ước lệ phải thập toàn thập mỹ quen thuộc trong văn chương.
Một cái kết còn bỏ ngỏ cho chàng Hồ Phỉ. Trang cuối cùng của Tuyết Sơn Phi Hồ, câu chuyện trăm năm vẫn để trống. Một nhát đao chém xuống đầu cha của ái nhân bên miệng vực. Liệu thế nào là đúng và thế nào là sai, ranh giới giữa cả hai như mảnh chỉ?
Hành trình trong các tác phẩm của Kim Dung đi từ "Hiệp" qua "Phi hiệp" rồi đến "Phản hiệp". Trên con đường thể hiện những điều đó, các tác phẩm của ông đã có nhiều ảnh hưởng làm thay đổi góc nhìn đến độc giả toàn cõi Á Đông. Phải chăng, Kim Dung mất năm nào thì năm ấy thế giới tiếc thương cho số phận của người tài hoa ấy?
Tính đến tháng 3/2021, theo thống kê thì đã có hơn một trăm tác phẩm phim truyện được chuyển thể từ tiểu thuyết của Kim Dung. Con số kỷ lục mà bất cứ nhà văn nào trên thế giới cũng phải ước mơ. Những tác phẩm của Kim Dung thậm chí đã được làm đi làm lại rất nhiều lần.
Khi chuyển thể các tác phẩm võ hiệp của nhà văn Kim Dung, rất nhiều nhân vật được cho là đã được sống lại bởi các diễn viên. Đây cũng là bệ phóng đưa tên tuổi của nhiều diễn viên được nhiều người biết đến hơn. Nó đã trở thành hình tượng kinh điển trong lòng khán giả. Chẳng hạn như Vi Tiểu Bảo do Lương Triều Vỹ thủ vai, hoặc vai diễn Hoàng Dung của Châu Tấn hay Ông Mỹ Linh, Dương Quá Cổ Thiên Lạc và Cô Cô Lý Nhược Đồng, Kiều Phong được Hồ Quân đảm nhận, Đoàn Dự của Lâm Chí Dĩnh, Vương Ngữ Yên của Lưu Diệc Phi…
Hình ảnh trong phim Thần Điêu Đại Hiệp được TVB sản xuất năm 1995
Ngoài ra, các tác phẩm của Kim Dung còn là nguồn tài nguyên vô tận về ý tưởng cho nhiều nhà làm phim, biên kịch, đạo diễn khai thác trong tác phẩm của mình.
Điển hình như việc đạo diễn nổi tiếng Vương Gia Vệ đã lấy hình tưởng Đông Tà Hoàng Dược Sư và Tây Độc Âu Dương Phong để tạo nên kiệt tác điện ảnh nổi tiếng: Đông Tà Tây Độc. Nó được đánh giá là một trong những bộ phim hay nhất của nền điện ảnh Hong Kong.
Có thể nói không ngoa khi nhờ có Kim Dung mà điện ảnh Hong Kong nói riêng và Trung Quốc nói chung đã được sang một trang mới. Nó đã được nhiều người biết đến và tạo nên dòng phim võ hiệp nổi tiếng. Đây là dòng phim đặc trưng của nền điện ảnh Trung Quốc được bạn bè quốc tế biết đến.
Ngày nay, khi nhắc tới vũ trụ điện ảnh, nhiều người thường nghĩ tới hai cái tên lớn là DC Universe và MCU. Thế nhưng, từ trước khi các tác phẩm truyện tranh siêu anh hùng được chuyển thể thành phim ảnh thì ở Trung Quốc bên kia nửa bán cầu với Mỹ, với luồng tư tưởng độc lập, nhà văn Kim Dung đã xây dựng nên một thế giới võ hiệp phong phú và đa dạng của mình. Một vũ trụ giang hồ in đậm vào nhiều thế hệ trẻ của các đất nước châu Á.
Hình minh họa các nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung, được trưng bày tại cuộc triển lãm về Kim Dung ở Bảo tàng Di sản Hong Kong năm 2017. Ảnh: Xinhua.
Không có ai trong số chúng ta từ bé đến lớn mà không một lần nghe tới Kim Dung. Truyện, tiểu thuyết Kim Dung hầu như đều xuất hiện phổ biến ở các nhà sách, trang đọc truyện chữ online.
Nhà văn Kim Dung xứng đáng được vinh danh là một đại sứ văn hóa của Trung Quốc. Nhiều yếu tố võ thuật trong các tác phẩm của cố nhà văn phần nhiều đều được xây dựng từ nền tảng văn hóa có thật của đất nước Trung Hoa. Thiếu Lâm Tự - trung tâm Phật giáo lớn của Trung Quốc - được ông xây dựng thành Thái Sơn Bắc Đẩu của võ lâm Trung Nguyên.
Kim Dung viết về phái Võ Đang, vậy là môn phái dưỡng sinh này đã được chúng ta tìm hiểu tới tận gốc gác về nhất đại tông sư Trương Tam Sơn và vùng núi Thập Yển, Đan Giang Khẩu.
Dưới ngòi bút của Kim Dung, từng địa danh của Trung Quốc, từng thời đại thăng trầm của lịch sử đều trở thành những chuyến phiêu lưu bất tận. Và chắc chắn trong những chuyến đi này đều chứa đựng sự lãng mạn và tinh thần tươi mới.
Kim Dung chết rồi khiến kiếm hiệp giang hồ mất đi một vị Minh chủ võ lâm. "Minh chủ võ lâm" đã sống hết mình trong cái thế giới kiếm hiệp lãng mạn và tiêu sái đã được xây dựng nên bởi cậu bé Tra Lương Dung mê sóng triều trên sông Tiền Đường năm nào.
Giờ đây, khi nhà văn Kim Dung đã ra đi thanh thản. Có lẽ đâu đó trên bầu trời xa xăm kia, ông đã tìm được ngôi sao của mình rồi. Người đàn ông nhỏ bé nhưng tạo ra những thứ vĩ đại.
Trí Thức Trẻ