Từ đó, thấy được cách làm đạt hiệu quả nên nhiều người đã chủ động đóng góp để ủng hộ, giúp cho các em học sinh nghèo có cơ hội được đến trường”, cô Đào chia sẻ.
Với cô Đào, thư khen của Bí thư Huyện ủy đã tiếp thêm động lực để chị duy trì hoạt động siêu thị 0 đồng - Ảnh: Khải Hoàn
Thành lập siêu thị 0 đồng cho học sinh nghèo
Có tuổi thơ cơ cực, vất vả và sống trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi thứ ngay từ thuở nhỏ, nên khi lập gia đình và có cuộc sống ổn định, cô Lê Thị Anh Đào (43 tuổi, giáo viên dạy môn tiếng Anh, Trường THCS Thị Trấn, thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) đã đứng ra thành lập siêu thị 0 đồng để kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng. Đó là những vật dụng cần thiết như, tập sách, dụng cụ học tập, cặp, quần áo… để trợ giúp cho những em học sinh nghèo ở nhiều địa phương có cơ hội được tiếp tục đến trường trong năm học mới.
Với phương châm “Ai thừa đến cho, ai thiếu đến nhận” sau nhiều năm hoạt động, đến nay siêu thị 0 đồng của cô Đào (tại nhà cô Đào ở khu phố 1, thị trấn Vĩnh Thuận) đã trở thành điểm tựa vững chắc cho nhiều hoàn cảnh khó khăn. Năm đầu tiên đi vào hoạt động, siêu thị 0 đồng chỉ mở cửa tuần duy nhất, đúng vào dịp nghỉ hè. Đến nay, siêu thị đã có được nhiều nguồn hỗ trợ nên thời gian mở cửa của siêu thị được nâng lên 2 tuần. Cô Đào cho biết, năm tới siêu thị sẽ kéo dài thời gian hoạt động hơn nữa.
Được biết, hình thức vận động của cô Đào rất đơn giản, hễ ai có thứ gì đã qua sử dụng thì ủng hộ cho siêu thị 0 đồng của cô để cô có điều kiện giúp đỡ cho các học sinh gặp khó khăn trong năm học mới. Siêu thị tiếp nhận tất cả những gì mà học sinh có thể sử dụng được. Theo cô Đào, ban đầu siêu thị hoạt động dựa trên sự đóng góp của những học trò cũ, các hảo tâm và phụ huynh học sinh có điều kiện dư dả.
Cô Đào soạn lại mớ sách giáo khoa cũ để tặng cho học sinh nghèo - Ảnh: Khải Hoàn
Thông thường cô Đào không tiếp nhận tiền mặt mà chủ yếu là nhận quần áo, giày dép, tập sách, dụng cụ học tập… ai có gì thì quyên góp cái đó. Chỉ cá biệt, với những nhà hảo tâm ở xa thì cô phải nhận tiền bằng hình thức chuyển khoản nhưng được công khai rõ ràng. Với nguyện vọng muốn thế hệ mai sau sẽ có điều kiện tốt hơn mình ngày trước nên cô Đào đã mạnh dạn thành lập siêu thị 0 đồng để giúp đỡ học sinh nghèo nuôi ước mơ trên con đường chinh phục kiến thức.
“Tôi có 2 đứa con, cứ mỗi khi vào năm học mới thì con tôi được trang bị quần áo, tập sách mới. Từ đó, nếu bỏ thì đi quần áo, tập sách cũ thì hoang phí. Song, bản thân tôi cũng có một tuổi thơ kém may mắn, sống trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi thứ. Sau này, khi tốt nghiệp ra trường về công tác tại địa phương, tôi còn chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học giữa chừng nên tôi quyết định mở siêu thị này”, cô Đào chia sẻ.
Cô còn cho biết, ý tưởng ban đầu của mình là chỉ cho học sinh mà cô trực tiếp giảng dạy. Sau này, cô muốn các em học sinh phải biết chia sẻ, yêu thương với nhau. Đồng thời cô muốn dạy cho các em biết bảo quản, gìn giữ những gì mà mình có được để khi không sử dụng nữa thì tặng cho những trường hợp khó khăn ở lớp sau. Cô Đào còn nói, dân ở quê hương cô có rất nhiều trường hợp nghèo khó, những lớp mà cô phụ trách giảng dạy đa số là học sinh nghèo, con em đồng bào dân tộc ít người.
“Địa bàn tôi ở hiện có khoảng 70% là người dân tộc Khơ Me sinh sống. Hoạt động này tôi duy trì được nhiều năm nay rồi. Thường thì vào đầu năm học mới, học sinh của tôi trao đổi với nhau, em học lớp 7 sau khi kết thúc năm học thì đem những thứ mà mình không còn sử dụng để cho lại các học lớp 6. Từ đó, tạo cho các em có nhận thức về tinh thần tương thân tương ái”.
Cần nhân rộng mô hình hiệu quả
Thấy việc mình làm mang lại ý nghĩa thiết thực nên cô Đào đã nhờ trưởng các khu phố trên địa bàn thị trấn Vĩnh Thuận xuống tận cơ sở - nơi những hộ dân khó khăn có con em trong độ tuổi đến trường để thông báo đến siêu thị của cô để nhận nhận đồ dùng học tập cần thiết. Khi nhận được những món quà ý nghĩa từ siêu thị 0 đồng của cô Đào, nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vô cùng phấn khởi.
Cô Đào nói: “Ai có nhu cầu thứ gì thì nhận thứ ấy mà không tốn bất cứ một khoản phí nào. Nhiều khi nguồn vận động, tiếp nhận bằng tiền mặt mà mua dụng cụ, đồ dùng không đủ tôi còn bỏ tiền túi ra để mua tặng cho các em học sinh khó khăn. Nói chung, tôi vận động cho tất cả các cấp học và bản thân chỉ là chiếc cầu nói để cộng đồng chung tay giúp đỡ thôi, chứ cá nhận tôi không thể tổ chức mọi hoạt động được”.
Cô Đào nói: “Nhiều em đến đây nhận quà rồi nói những câu ngây ngô khiến tôi rất xúc động, có em nói hồi đó giờ em chưa có được chiếc cặp nào đẹp như chiếc cặp mà tôi tặng. Chính điều này đã tạo thêm động lực để tôi tiếp tục duy trì hoạt động của siêu thị 0 đồng. Hiện tôi đã vận động và trao tặng hơn 470 suất quà, với giá trị trên 100 triệu đồng. Nói chung khi trao tặng, tôi không giới hạn địa bàn, hễ ai biết và tìm đến là tôi cho”.
Mỗi hoạt động cô Đào đều ghi lại và công khai lên mạng xã hội - Ảnh: Khải Hoàn
Tiếng lành đồn xa, kể từ đó nguồn tài trợ cho cô Đào để duy trì hoạt động của siêu thị 0 đồng ngày càng nhiều. Ngoài sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm trong nước, nguồn tài trợ ở siêu thị này còn lan rộng ra cả nước ngoài. “Khi vận động cộng đồng ủng hộ được bao nhiêu, tôi tổ chức những hoạt động nào và tặng cho ai, quà gì… tôi đều công khai rõ ràng lên trang cá nhân mạng xã hội Facebook hết. Từ đó, thấy được cách làm đạt hiệu quả nên nhiều người đã chủ động đóng góp để ủng hộ, giúp cho các em học sinh nghèo có cơ hội được đến trường”, cô Đào chia sẻ.
Theo cô Đào, ban đầu mỗi suất quà cô tặng chỉ trị giá khoảng 100.000 đồng, sau đó lên 150.000 đồng/suất. Khi có nguồn tài trợ nhiều mỗi suất quà được tăng lên khoảng 300.000 đồng. Cô căn cứ vào nguồn tài trợ nhiều hay ít để cân đối tặng quà sao cho phù hợp nhất. Chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong quá trình vận động quyên góp, cô Đào cho hay, bản thân cô rất ngại khi kêu gọi đóng góp.
Bởi thế, cách thức vận động của cô là sử dụng hình ảnh từ những hoạt động thiết thực và công khai những khoản tài trợ của mọi người để đăng lên mạng xã hội Facebook. Nhận thấy việc làm của cô là ý nghĩa mang tính nhân văn nên nhiều người đã chủ động liên hệ để đóng góp cùng ủng hộ.
Cô Đào cho hay, trước đây có 1 học trò rất khó khăn được cô dạy kèm miễn phí và nấu cơm cho ăn. Bây giờ, người học trò này đã thành đạt, khi biết việc làm ý nghĩa của cô, đã liên hệ xin số tài khoản của cô để chuyển tiền ủng hộ. Người học trò này đã bày tỏ sự biết ơn cô bằng sự kính trọng, nói nhờ có cô mà những hoàn cảnh khó khăn như bạn ấy mới có điều kiện học tập vượt qua khó khăn để thành công.
“Nghe học trò nói vậy, tôi rất xúc động, điều đó là sự đền ơn xứng đáng như vậy là đủ rồi. Những món quà tuy nhỏ nhưng tôi rất quý. Tôi thật sự xúc động”, cô tâm sự.
Ghi nhận việc làm ý nghĩa của cô Đào, ông Lê Trung Hồ, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận vô cùng xúc động và đã viết thư khen ngợi nữ giáo viên đã có sáng kiến thực hiện siêu thị 0 đồng vô cùng hiệu quả và mang ý nghĩa lớn trong phong trào nhân đạo từ thiện. Việc làm của cô Đào đã giúp cho các em có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện để bước vào năm học mới.
Thư khen cô Đào của Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận Lê Trung Hồ - Ảnh: Khải Hoàn
“Việc làm của cô Đào đã truyền cảm hứng, tạo sức lan tỏa và nâng lên tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng để chăm lo cho các em học sinh - thế hệ mai sau trong xây dựng và phát triển huyện nhà. Tôi hoan nghênh, biểu dương và khen ngợi ý tướng sáng tạo thiết thực của cô Đào. Tôi hy vọng việc làm này sẽ được nhân rộng và có sức lan tỏ trong thời gian tới với nhiều mô hình hay. Từ đó, tạo động lực cho các em học sinh, giúp cho các em hiểu được giá trị về sự yêu thương và chia sẻ trong cuộc sống”, ông Hồ viết.
Khải Hoàn