Không bao giờ là thất bại - Công trình Đập Soyang kỳ 1: Chưa ai dám thay thế dự án của Chính phủ

28/12/2021 08:30
Không bao giờ là thất bại - Công trình Đập Soyang kỳ 1: Chưa ai dám thay thế dự án của Chính phủ

​​​​​​​Công trình đập sông Soyang do Bộ Xây dựng phát thầu. Chúng tôi giành được công trình này vì Hyundai là công ty có mức giá thầu thấp nhất.

Đổi thiết kế đập bê tông thành đập sỏi đá

Đập sông Soyang là công trình xây dựng được Nhật Bản chi trả một phần kinh phí và Công ty Nippon Koei của Nhật đảm nhiệm từ khâu thiết kế, công nghệ đến dịch vụ. Từ chủ tịch, giám đốc đến phó giám đốc của công ty này đều là những người có uy tín tầm cỡ thế giới trong lĩnh vực xây dựng đập. Vì vậy chúng tôi, những người không có kinh nghiệm và trình độ kỹ thuật xây dựng đập còn non kém, ngay từ đầu đã không có lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng làm theo chỉ đạo của họ.

Sau khi nhận đấu thầu, chúng tôi mới biết đây là đập bê tông trọng lực. Có kinh nghiệm từ lần hợp tác trước đó nên khi nhìn vào bảng thiết kế công trình đập sông Soyang, chúng tôi có thể thấy được ý đồ của họ. Với việc xây dựng đập bê tông này, một khoản tiền vô cùng lớn từ chi phí thiết kế, phí vật liệu cho đến dịch vụ kỹ thuật đều chảy về Nhật Bản.

Vào thời điểm đó, Hàn Quốc chưa có nhà máy thép. Vì vậy, chúng tôi bị phụ thuộc vào thép nhập khẩu, và do trong nước thiếu nguyên vật liệu, từ xi măng, sắt thép cho đến cơ sở hạ tầng, nên việc chúng tôi thực hiện những công trình có quy mô lớn như đập thủy điện sông Soyang quả thật là một sự mạo hiểm.

Nghĩ đến bài toán chi phí, đầu tôi bỗng nhiên nặng trĩu. Giá các vật liệu cơ bản khác cũng biến động mạnh, lại thêm chi phí vận chuyển đến vùng núi rất tốn kém. Nếu chúng tôi nhận thi công thì thiệt hại có thể rất nặng nề, cụ thể là một số tiền lớn - từ chi phí thiết kế, dịch vụ kỹ thuật cho đến tiền nguyên liệu cơ bản - sẽ chảy vào túi của công ty Nhật Bản. Nhận thầu công trình lần này chẳng phải là chuyện có lợi cho quốc gia. Tôi nhớ mình đã loay hoay với câu hỏi “Không có cách nào khác ư?”. Trong giây lát, trong đầu tôi hiện lên những bãi cát, đá và sỏi mênh mông, nơi con đập Soyang được xây dựng.

Tôi lập tức cử Giám đốc Kwon Gi-tae xuống khảo sát thực địa. Anh ấy trở về và báo cáo đúng như tôi dự đoán. Chúng tôi đưa ra kết luận là thay vì xây đập bê tông trọng lực, chúng tôi sử dụng đất, cát, đá và sỏi ngay tại đó để xây đập đá sỏi thì sẽ kinh tế hơn nhiều. Ngay lập tức, tôi chỉ thị Kwon Gi-tae và Chun Gap-won thay đổi thiết kế đập bê tông thành đập sỏi đá.

Vào thời điểm đó, vì đã có kinh nghiệm đấu thầu công trình xây dựng Đập Pason của Thái Lan do người Pháp thiết kế, nên chúng tôi cũng có một số kiến thức cơ bản về đập bê tông và đập sỏi.

Để thay đổi thiết kế, chúng tôi thu thập tất cả các tài liệu về đập trên khắp thế giới. Dữ liệu thu thập được cho thấy sau Thế chiến thứ hai, đa số đập trên 100 mét đều là đập đá sỏi, đó là xu thế của thế giới.

Tôi gọi cho Bộ Xây dựng, nói rằng chúng tôi muốn trình giải pháp thay thế cho dự án xây đập sông Soyang. Cho đến thời điểm đó, chưa có tiền lệ cho một nhà thầu xây dựng đề xuất giải pháp xây dựng thay thế cho dự án của Chính phủ. Cách thức thông thường là cứ làm theo chỉ đạo từ Chính phủ.

Một nhà thầu phụ chưa có tên tuổi như chúng tôi lại dám đề xuất phương án thay thế cho bản thiết kế của Nippon Koei, công ty xây dựng đập hàng đầu thế giới. Đã thế, bản thiết kế của họ lại là một bản thiết kế hoàn chỉnh, đã được Tổng công ty Phát triển Tài nguyên nước thẩm định xong và Bộ Xây dựng cũng đã phê chuẩn. Thay đổi một bản thiết kế xây dựng đã được duyệt là một sự liều lĩnh đủ để gây ác cảm - chúng tôi bị mang tiếng là coi thường quyền lực của các quan chức và trực tiếp đối đầu với Công ty Koei có uy tín trên thế giới. Lúc đó, tôi đã bị lăng mạ, sỉ nhục và phải chịu đựng tất cả mọi sự chỉ trích nặng nề.

Đập sông Soyang

Mấy thằng nhãi ranh các anh bị điên à?

Nhưng chúng tôi tuyệt đối không thể lùi bước. Không có gì quan trọng hơn niềm tin rằng mình suy nghĩ và hành động đúng đắn. Chúng tôi làm những gì chúng tôi nghĩ là có lợi cho đất nước.

Sau đó, một hội nghị bốn bên được mở ra với thành phần tham dự gồm Công ty Nippon Koei của Nhật, Bộ Xây dựng, Tổng công ty Phát triển Tài nguyên nước và Công ty Xây dựng và Cơ khí Hyundai. Tôi đã dẫn theo Kwon Gi-tae và một số kỹ sư đến cuộc họp. Các tiền bối ở Bộ Xây dựng có mặt hôm đó đều có hơn hai mươi năm kinh nghiệm so với các kỹ sư của chúng tôi. Về phía Công ty Nippon Koei thì có Phó Giám đốc Hashimoto, người thiết kế đập trọng lực bê tông Soyang; đại diện Tổng công ty Phát triển Tài nguyên nước có Giám đốc Ahn Gyeong-mo; đại diện Bộ Xây dựng có Cục trưởng và Vụ trưởng.

Họ ngồi đó với gương mặt không mấy thân thiện. Đội ngũ kỹ thuật của chúng tôi bắt đầu trình bày phương án thay thế đã được chuẩn bị, nhưng trước khi chúng tôi giải thích vào vấn đề chính, những người của Bộ Xây dựng đã mắng chúng tôi không tiếc lời:

“Mấy thằng nhãi ranh các anh bị điên à? Các anh biết gì về cách xây đập mà đòi thay đổi?”

Về cơ bản, họ đang bảo chúng tôi hãy tự biết vị trí của mình và đừng quá phận. Nhưng nói chung thì tôi nhớ là họ mắng chửi nhiều hơn nói chuyện tử tế. Trong tình huống đó, đội ngũ nhân viên kỹ thuật của tôi chỉ có thể cúi đầu chịu trận. Tôi nén cơn phẫn nộ, im lặng lắng nghe và khi thời cơ đến, tôi mới bắt đầu giải thích:

“Việc xây đập cao trên 100 mét bằng đá sỏi đang là xu thế của thế giới. Dù chúng ta không nhất thiết phải theo xu thế, nhưng việc xây dựng đập bằng bê tông không phù hợp với điều kiện hiện nay của chúng ta vì chúng ta phải nhập xi măng và sắt thép. Hơn nữa, đất nước chúng ta hiện đang thiếu kinh phí, nên việc tận dụng cát, sỏi và đất là cách làm phù hợp, giúp giảm đáng kể chi phí xây dựng. Chỉ cần chuyển sang phương án xây dựng một công trình đập bằng đá sỏi là chúng ta đã có thể tiết kiệm chi phí để xây dựng mười công trình đường dẫn nước địa phương...”

Khi tôi chưa kịp dứt lời, ông Phó Giám đốc Hashimoto đã chỉ vào mặt tôi và mắng:

“Anh đã học về xây dựng đập ở trường lớp nào? Nếu cứ nói những lời thiếu hiểu biết như vậy thì tốt nhất là anh nên ngậm miệng lại!”

Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ khi đó ông ấy đã biết tôi không được học cao, còn ông ấy thì xuất thân từ Đại học Tokyo, có mấy chục năm thâm niên trong lĩnh vực xây dựng đập tại một công ty kỹ thuật hàng đầu và lại lớn tuổi hơn tôi nên mới nói như thế để khiến tôi mất hết dũng khí.

“Anh đã học mấy thứ đó ở đâu? Ai đã dạy anh?”, ông ấy tiếp tục cao giọng.

Những người đại diện công ty Nhật, những người thuộc Bộ Xây dựng, và Công ty Phát triển Tài nguyên nước đều chỉ thẳng vào mặt tôi để phản bác. Trong tình huống bị công kích từ nhiều phía cùng một lúc, chúng tôi cảm thấy vô cùng tồi tệ nhưng đành phải nhẫn nhịn. Chúng tôi đã đưa ra các giải pháp thay thế vì lợi ích quốc gia, nên cảm thấy vô cùng bối rối khi các quan chức ngành xây dựng phản ứng như vậy. Hôm ấy, chúng tôi rời khỏi cuộc họp, trong lòng nặng trĩu vì cảm thấy bị tổn thương nặng nề.

Kỳ tới: Công trình Đập Soyang kỳ 2: Khi Chủ tịch Nippon Koei quỳ gối và cúi đầu

Bạn đọc quan tâm cuốn sách có thể tìm hiểu thêm tại đây. Ấn bản bìa cứng được phân phối độc quyền tại Tiki với ưu đãi 30%.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025