Khởi hành kỳ 2: Tại sao nên vào đại học

21/07/2018 13:30
Khởi hành kỳ 2: Tại sao nên vào đại học

Khoảng thời gian học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cũng chính là lúc phụ huynh lo lắng, loay hoay nghĩ cách chọn trường cho con em. Mỗi năm, vào thời gian này, tôi luôn nhận được nhiều cuộc điện thoại và email từ bạn bè, người thân nhờ tôi cho lời khuyên.

Đại học là nơi để HỌC và để TRƯỞNG THÀNH. Với một số sinh viên, đây là lần đầu tiên bạn có cơ hội tự mình đưa ra quyết định cho bản thân thông qua việc lựa chọn bước tiếp theo trên con đường giáo dục và tự giáo dục. Tất nhiên, trước khi quyết định, bạn phải biết khả năng, điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Bạn phải có động cơ học tập và sẵn lòng phấn đấu trong suốt quá trình học tập. Nói tóm lại, bạn phải biết mình là ai, hiện đang đứng ở đâu, trong tay bạn có gì, bạn có thể làm gì, tương lai bạn cần gì và bạn muốn trở thành một người thế nào để có thể tự hào đối diện với thế giới này.

Đại học là nơi bạn có thể gặp gỡ nhiều người khác nhau, có thêm những người bạn mới và những trải nghiệm mới. Đại học còn là nơi bạn sẽ phạm sai lầm và học được những kinh nghiệm quý giá từ những sai lầm đó. Học từ những sai lầm trong quá khứ sẽ khiến bạn ngày càng khôn ngoan và trưởng thành hơn.

Đại học là một cuộc hành trình. Trong cuộc hành trình này, bạn sẽ phải đối diện với nhiều thách thức và trở ngại. Nếu bạn có thể vượt qua chúng và kiên định giữ vững những mục tiêu bản thân đã đề ra, bạn sẽ càng ngày càng tiến xa hơn, thậm chí còn có thể xa hơn những gì mà bạn nghĩ.

Đại học cũng là một giấc mơ. Mơ có tri thức tốt, khiến cho gia đình tự hào. Mơ có nghề nghiệp tốt, đạt tới địa vị nào đó trong lĩnh vực bạn chọn. Giấc mơ có thể tạo nên sự khác biệt. Giấc mơ cũng có thể tiếp lửa, nâng đỡ và hỗ trợ những người xung quanh bạn. Hãy mơ, tìm kiếm và gặp gỡ những người cùng chia sẻ giấc mơ này với bạn. Hãy nhớ, chính BẠN là người sẽ biến giấc mơ của mình thành SỰ THẬT.

 

Chỉ cần đậu đại học, ngành nào cũng được

Khoảng thời gian học sinh trung học chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cũng chính là khoảng thời gian các phụ huynh lo lắng, loay hoay nghĩ cách chọn trường cho con em họ. Mỗi năm, vào khoảng thời gian này, tôi luôn nhận được nhiều cuộc điện thoại và email từ bạn bè, người thân nhờ tôi cho lời khuyên về vấn đề này.

Câu hỏi  tôi thường  nghe nhất  là  tại sao  nhiều người  tốt nghiệp đại học không thể tìm được việc làm. Tôi giải thích với họ rằng ngày nay bằng đại học KHÔNG còn là tấm giấy thông hành, giúp sinh viên ra trường đảm bảo có việc làm; đặc biệt với bối cảnh xã hội, môi trường kinh tế - chính trị liên tục biến động và thị trường thay đổi nhanh đến chóng mặt trong những năm gần đây.

Để có thể giữ thăng bằng trước tình hình hiện tại, tôi cho rằng các bậc phụ huynh cần phải hiểu rõ và thảo luận với con cái, giúp các cháu nhận thức được rằng giáo dục đại học không phải một cuộc dạo chơi nhẹ nhàng và thư thái mà là một cuộc chiến cần tới sự đầu tư thời gian, tiền bạc và đặc biệt là sự nỗ lực của mỗi cá nhân.

Có một nghiên cứu đã khảo sát khoảng 60.000 sinh viên đại học, những người tốt nghiệp từ năm 2005 tới năm 2010. Tác giả hỏi những người đã tốt nghiệp này một câu hỏi đơn giản: “Giả sử bạn được quay trở lại khoảng thời gian bạn vừa bước chân vào trường đại học, bạn muốn thay đổi điều gì để có thể đạt được nhiều thành công hơn trong hiện tại?”.

Trên 72% người đã tốt nghiệp nói họ sẽ cẩn thận hơn khi chọn lĩnh vực học tập trong trường đại học vì đây chính là yếu tố giúp họ định hướng tương lai. Nhiều người bày tỏ sự hối tiếc vì khi đó họ hoàn toàn không ý thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc lập kế hoạch nghề nghiệp hay nghiên cứu, tìm hiểu xu hướng của thị trường việc làm; mà mù quáng đi theo “niềm tin sai lầm”, rằng chỉ cần có bằng đại học là họ có thể tìm được việc làm tốt.

Khoảng 68% người đã tốt nghiệp nói rằng họ sẽ tập trung cũng như chủ động nhiều hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội và thu thập kinh nghiệm làm việc thông qua các đợt thực tập mùa hè và thực tập cuối khóa; 54% nói rằng họ sẽ bắt tay vào quá trình tìm kiếm việc làm sớm hơn, ngay trong năm thứ tư thay vì đợi cho tới khi tốt nghiệp xong; 48% bày tỏ rằng họ chắc chắn sẽ học thêm và lấy bằng bổ sung liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin để hỗ trợ cho nghề nghiệp tương lai của họ; và 36% nói rằng họ sẽ chọn một trường đại học khác.

>> Khởi hành kỳ 3: Làm thế nào để chọn trường đại học phù hợp

Theo Khởi hành (Departure) - NXB Tổng hợp TP.HCM - First News


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025