Đúng là không dễ để biết – một cách tương đối chính xác – nơi mình muốn đến. Bạn phải thành thật với bản thân thì mới biết mình thật sự muốn gì.
Hãy tự hỏi, “Đâu là việc mà lúc nào mình cũng hào hứng muốn làm?”. Ghi nhớ câu trả lời và làm bài tập sau.
Lập danh sách những việc bạn thật sự thích làm.
Xem xét danh sách đó một cách trung thực. Bạn đã đưa việc nào vào danh sách với suy nghĩ, “Việc này có thể giúp mình kiếm tiền”? Hãy gạch bỏ những việc đó và thay bằng những việc bạn chưa dám viết ra vì tiếng nói trong đầu bạn thì thầm “Mình không làm được”. Đừng nghe theo tiếng nói ấy, hãy viết ra việc bạn muốn làm, bao gồm cả những việc thoạt nhìn có vẻ không liên quan đến công việc. Đơn giản là cứ viết ra những việc làm bạn cảm thấy hào hứng.
Xem lại danh sách và chọn ra ba việc bạn muốn làm nhất.
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên trước danh sách vừa lập, vì nó bao gồm những việc ban đầu bạn không định kể ra khi được hỏi về mục tiêu của bản thân. Không sao. Hãy dành một chút thời gian để làm quen với nó.
Bạn giỏi/dở việc gì nhất?
Những người sáng tạo thích làm nhiều việc khác nhau và họ thường làm khá tốt những việc đó. Tuy nhiên, nếu tiếp tục tất cả những việc đó, bạn sẽ chỉ dừng lại ở mức khá tốt và không bao giờ làm xuất sắc việc nào.
Vòng tròn Năng lực của bạn là gì?
Quan trọng là bạn phải biết mình giỏi và không giỏi việc gì, hay nói theo cách của Warren Buffett, bạn phải hiểu rõ Vòng tròn Năng lực của mình. Những việc nằm trong vòng tròn là việc bạn làm giỏi. Nếu việc bạn giỏi cũng là việc bạn thích, bạn có thể làm rất xuất sắc việc đó.
Vòng tròn Năng lực của bạn trông như thế nào?
Vẽ một vòng tròn. Bên trong vòng tròn, viết ra tất cả điểm mạnh của bạn (kỹ năng, điểm tốt trong tính cách, sở thích). Bên ngoài vòng tròn, viết ra những điểm yếu của bạn.
Bây giờ, hãy gạch bỏ những việc bạn tương đối giỏi hoặc không quá dở. Nói cách khác, gạch hết những đặc điểm bạn không đặc biệt xuất sắc hay vô cùng tệ hại. Tiếp tục loại trừ đến khi còn tối đa ba đặc điểm trong vòng tròn – những việc bạn đặc biệt giỏi, và không quá ba đặc điểm ngoài vòng tròn – những việc bạn cực kỳ dở.
Đó chính là Vòng tròn Năng lực của bạn.
Tập trung vào điểm mạnh
Nếu trung thực thực hiện bài tập trên, bạn sẽ có cái nhìn tổng quát về thế mạnh của mình. Hãy tập trung vào những điểm mạnh đó, bởi lẽ cải thiện việc bạn đã giỏi sẵn dễ hơn nhiều so với cố gắng làm tốt việc bạn không giỏi.
Nhận ra điểm sáng của “Mặt tối”
Danh sách điểm yếu của bạn không phải là không quan trọng. Dù điểm yếu không phải thứ bạn muốn mọi người biết, nhưng nó vẫn có thể giúp ích cho bạn. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn xem những điểm yếu này như các “điểm sáng”? Tôi không phủ nhận nó là điểm không tốt trong tính cách của bạn, nhưng xét trên một quan điểm nhất định, đó là việc bạn làm tốt, miễn là bạn biết cách áp dụng nó với thái độ tích cực.
Lấy ví dụ, tôi khá thiếu kiên nhẫn. Tôi không cố trở nên kiên nhẫn hơn (vô ích thôi), nhưng tôi tận dụng tính cách này theo hướng có lợi cho mình và cho người khác. Ví dụ, nhờ thiếu kiên nhẫn mà tôi khá giỏi gọi điện thoại đến các hệ thống hỗ trợ khách hàng mang tính quan liêu. Đơn giản là tôi sẽ không cúp máy khi chưa đạt được điều mình muốn. Đôi khi bạn có thể dùng điểm chưa tốt của mình để tạo ra kết quả tích cực. Xin lưu ý: tôi không nói cư xử thô lỗ là hành vi được chấp nhận.
Hé lộ con người bạn có thể trở thành
Vậy là bạn đã có danh sách những điểm mạnh nhất và yếu nhất của mình, bên cạnh đó là danh sách những việc bạn muốn làm nhất. Tốt lắm. Hãy tìm điểm chung giữa những việc đó bằng phương pháp chồng lấp.
Vẽ ba vòng tròn cùng cắt nhau.
Viết một điều bạn muốn làm nhất vào mỗi vòng tròn.
Phần thú vị là xem điều gì xuất hiện trong mảng chồng lấp của các cặp vòng tròn. Đâu là điểm chung của hai điều bạn muốn làm nhất?
Vậy là còn lại mảng ở giữa, phần giao nhau giữa ba vòng tròn. Đặc điểm chung của tất cả kết quả trước đó là gì? Đó chính là bạn! Hãy viết tên bạn vào đó.
Kết quả của bài tập trên tiết lộ con người bạn sẽ trở thành nếu làm những việc mình thích nhất. Mảng chồng lấp của các vòng tròn là phần thú vị nhất. Tại đó, hai đặc điểm hợp lại và tạo thành một tổ hợp độc đáo – một điểm đặc biệt về con người bạn.
Thực hiện bài tập trên với ba điểm mạnh nhất của bạn.
So sánh kết quả của hai bài tập, nghĩ xem tổ hợp các thế mạnh/đặc điểm có thể giúp bạn làm điều mình muốn như thế nào.
Tất nhiên bạn cũng có thể thực hiện bài tập này cho những điểm yếu nhất. Kết quả của bài tập đó có thể cung cấp cho bạn những thông tin thú vị. Chúc bạn thành công.
Trích sách “Khoảnh khắc người sáng tạo”