Động thái này cho thấy, các nghệ sĩ cải lương đang vận động tìm mọi cách để có cơ hội trình diễn trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Sử dụng thế mạnh của công nghệ là một giải pháp phù hợp và rất đáng được đầu tư đúng mức.
Chậm còn hơn không
Việc nghệ sĩ mở kênh youtube để quảng bá sản phẩm nghệ thuật đã diễn ra từ khá lâu. Sự phát triển mạnh mẽ của các webdrama, kênh hài, âm nhạc đã chứng minh đây là hướng đi phù hợp với thời công nghệ số. Thế nhưng, nghệ sĩ cải lương khá chậm chạp trong việc bắt được xu thế này. Kênh youtube của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang được thành lập chưa lâu, mới chỉ khoảng 7.000 người đăng ký. Buổi livestream trực tiếp chương trình nghệ thuật quảng bá Cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang chỉ có hơn 2.000 lượt xem sau gần 24 giờ phát sóng. Đây là con số quá khiêm tốn so với tập 6 bộ phim hài Gia đình cục súc của diễn viên trẻ Võ Tấn Phát. Sau 24 giờ phát sóng có 2,3 triệu lượt xem.
Nếu so về sức mạnh của tên tuổi, nhiều ngôi sao cải lương có lượng fan hâm mộ đông đảo hơn Võ Tấn Phát nhưng nhiều người chưa quan tâm đến thế mạnh của kênh youtube. Khi các nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác tung hoành trên youtube, một hai năm trở lại đây, khán giả mới thấy xuất hiện các kênh youtube cải lương như Kim Tử Long official, Ngọc Huyền official, Bình Tinh official, Quế Trân official. Vì thời gian lập kênh còn ngắn nên số lượng đăng ký của các ngôi sao hàng đầu này chưa nhiều, nhưng lượt xem khá đông. Điều này cho thấy nhu cầu xem và nghe cải lương, hoặc dõi theo sinh hoạt nghệ sĩ cải lương trong công chúng là rất lớn. Vấn đề là các nghệ sĩ biết cách đầu tư đúng cách cho kênh mình hay không.
Hồ Minh Đương là một diễn viên trẻ, thi trượt cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2, 3 lần. Thế nhưng chàng trai trẻ này nhìn thấy được sức mạnh của youtube trong việc kết nối nghệ sĩ cải lương với công chúng. Kênh Gương Nguyễn của Hồ Minh Đương được lập từ sớm và hiện nay có gần 500 ngàn người đăng ký.
Nhiều video trên kênh này có hơn 2 triệu lượt xem. Đây là kênh nghệ sĩ cải lương được đánh giá là thành công nhất hiện nay. Chỉ riêng tiền lương mà youtube trả cho Đương đủ nhiều cho bạn yên tâm cống hiến cho nghệ thuật. Và nhờ vậy, Đương đã đạt được 2 mục tiêu là chuyển tải nét đẹp của cải lương đến công chúng và có nguồn thu nhập vô cùng ổn định. Quan trọng hơn, nhờ youtube mà lượng khán giả biết đến Đương ngày càng đông dù bạn chưa phải là ngôi sao.
Khó khăn nhưng hãy quyết tâm
Thành công của Hồ Minh Đương đã khiến giới nghệ sĩ cải lương suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc sử dụng sức mạnh công nghệ trong việc duy trì sức sống cải lương. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh, nhà hát đóng cửa, tất cả các tụ điểm hát cải lương không được hoạt động. Dẫu vậy, việc này còn gặp nhiều thách thức với giới nghệ sĩ không rành công nghệ.
Linh Tâm chia sẻ: “Tôi mở kênh Linh Tâm chính chủ cũng khá lâu, nhưng thu nhập ít quá, nên nản. Lý do là vì tôi không rành về mặt kỹ thuật, không có người am hiểu về quy luật vận hành của youtube, không có có người hỗ trợ trong việc ghi hình, và biên tập nội dung các video. Do đó, tôi không có nhiều sản phẩm để đăng trên kênh, không thu hút được đông đảo người xem như mong muốn”.
Nếu như nhiều nghệ sĩ không có đủ thời gian đảm đương việc hát đồng thời với việc ghi hình, biên tập nội dung cho video khiến cho họ không thể phát triển kênh, thì các ông bầu của các đoàn cải lương lại có một nỗi trăn trở khác. Ông bầu Hoàng Song Việt cho biết: “Tôi đã từng có ý định sẽ phát sóng các vở đã diễn ngoài sân khấu lên youtube để bà con ở xa có thể thưởng thức. Thế nhưng, sau đó, tôi phát hiện ra rằng nếu phát sóng nhiều khán giả không còn háo hức mua vé đến rạp xem, họ sẽ chờ. Điều này vô tình gây khó cho hoạt động trực tiếp ngoài sân khấu, khiến chúng tôi khó thu hồi vốn đầu tư”.
Tâm sự của soạn giả Hoàng Song Việt là nỗi niềm chung của giới bầu gánh. Nhưng với cá nhân từng nghệ sĩ điều này không phải là rào cản, bởi vì, các nghệ sĩ chỉ đăng lên kênh của mình các trích đoạn, hoặc các bài ca lẻ. Xen kẻ trong đó là hình ảnh sinh hoạt đời thường mà khán giả rất thích xem. Những nghệ sĩ làm tốt việc này, hầu như không gặp khó khăn trong các mùa dịch vừa qua. Họ vẫn được hát, vừa có nguồn tiền thụ động từ youtube. Thậm chí có người còn bán được quảng cáo.
Nhiều người đang nỗ lực làm mọi cách để cải lương, bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc không chết, vẫn đến được với khán giả.
Trong thời điểm khó khăn vì dịch bệnh, thiết nghĩ, việc tận dụng công nghệ để mang lời ca tiếng hát đến người hâm mộ là giải pháp khả thi cần phát huy. Ngay cả thời điểm dịch bệnh qua đi, việc này cũng sẽ góp phần quảng bá cải lương đi xa hơn không gian giới hạn của nhà hát.