Hãy nhớ về 2019 bằng một nụ cười

14/12/2019 08:36
Hãy nhớ về 2019 bằng một nụ cười

Chúng ta đang ở những ngày cuối cùng của một năm 2019 với những biến động. Đã có nhiều giọt nước mắt, sự hoang mang và cả sợ hãi về một cuộc sống phát triển vũ bão nhưng đầy ắp bất an.

Sẽ thật buồn và đáng thương cho con người nếu vẫn để nguyên trái tim nặng trĩu ấy bước vào năm mới. Hôm nay, hãy cùng ngồi lại chỉ để nhắc về những chuyện vui, lòng nhân ái và vẻ đẹp của những mùa hè vẫn đang toả sáng khiến 2019 trở thành một năm đáng nhớ theo một cách tích cực.

Hãy nhớ về 2019 bằng một nụ cười - Ảnh 1.

Nếu như cách đây 1 năm, những khái niệm về bảo vệ môi trường vẫn còn xa lạ với nhiều người, ống hút nhựa vẫn là… món đồ quốc dân và nếu có ai nhét vào tay chúng ta một túi nylon hay cốc chưa dùng 1 lần, thì ta vẫn coi đó là điều… bình thường nhất của bình thường.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi trong năm 2019.

Năm 2019 là năm mà cả xã hội đều hướng về môi trường. Chúng ta nhắc đến việc bảo vệ môi trường bằng cả một sự cấp thiết và trách nhiệm. Chúng ta nghiêm túc tìm cách loại bỏ sự xuất hiện của plastic trong đời sống hàng ngày. 

Thử thách dọn rác là minh chứng rõ ràng nhất cho sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng tới vấn đề rác thải. Ban đầu, chỉ là một thử thách được lan truyền trên mạng xã hội nước ngoài. Thế nhưng, các bạn trẻ Việt Nam đã thực sự biến nó thành một thử-thách-làm-thay-đổi-suy-nghĩ. Không chỉ là làm xong 1 thử thách và có những bức ảnh chụp cho vui up lên cho đúng trend, bất cứ ai trở về sau 1 buổi dọn rác, cũng có một cái nhìn khác về việc xả rác. Nhìn những bãi rác chất chồng, rác gia dụng, rác công nghiệp ùn ứ ở những nơi tưởng như rất văn minh và hiện đại, chúng ta bỗng thấy… sợ chính những thứ mình hồn nhiên thải ra môi trường mỗi ngày.

Hãy nhớ về 2019 bằng một nụ cười - Ảnh 2.

Năm 2018, quyết định là phải làm một điều gì đấy thức tỉnh mọi người về tình trạng rác thải, anh Nguyễn Mạnh Hùng, 42 tuổi - đã leo lên xe máy và đi một lèo gần 7.000km, trong đó có 3.260km bờ biển từ Bắc vào Nam. Trong chuyến đi của mình, anh chụp ảnh… rác. Rác ở khắp những nơi xe lăn bánh qua, hiển hiện trong đời sống thường nhật, trong những cảnh làng mạc, thành phố, dưới chân núi và bên những bãi biển. Hành trình của anh Hùng nhanh chóng nhận được sự chú ý của cư dân mạng, và những hình ảnh từ đó như một minh chứng sống động cho việc rác đang tàn phá cuộc sống của chúng ta như thế nào.

Hay như câu chuyện của Nguyễn Hoàng Thảo, sinh năm 1985 và hiện đang là Giảng viên khoa Tiếng Nhật, ĐH Hà Nội. Trong suốt 3 năm kể từ khi nhận ra những tác động tiêu cực của plastic tới môi trường và đời sống con người, Thảo đã thay đổi hoàn toàn lối sống của mình trở thành zero waste, eco-friendly. Không dừng lại ở đó, Thảo sáng lập nhóm “Nói không với túi nylon" với hơn 70.000 người theo dõi, cô tổ chức 12 workshop cùng rất nhiều sự kiện với các chủ đề đa dạng, đưa kiến thức về bảo vệ môi trường tới số đông bạn trẻ. Sau một thời gian dài hoạt động không ngừng nghỉ, tháng 6/ 2019, Thảo xuất hiện trong một phóng sự của BBC, với vai trò là 1 trong 3 người phụ nữ truyền cảm hứng về môi trường ở châu Á.

Hãy nhớ về 2019 bằng một nụ cười - Ảnh 3.

Hoàng Thảo, cô nàng sáng lập tổ chức "Nói không với túi nylon" và là 1 trong 3 phụ nữ truyền cảm hứng về môi trường trong 1 phóng sự của BBC. (Ảnh: NVCC)

Trách nhiệm với môi trường và lối sống xanh không chỉ dừng lại ở các bạn trẻ hay những thanh niên đô thị. Ngay cả những cô bán rau ở một con hẻm nọ giữa Sài Gòn phồn hoa, cũng cảm thấy… khó chịu sao sao đó vì mỗi ngày dùng không biết bao nhiêu là túi nylon. Thế là các cô cùng nhau chưng biển: “Tui bán rau, không bán túi nylon" để kêu gọi chính người mua có ý thức. "Trước đây có một cụ bà bán rau ở trong hẻm này, ngày nào cụ cũng giặt lại các túi nilon để tái sử dụng. Cô thấy vậy nên cũng học theo, thứ nhất là mình tiết kiệm được kinh tế, thứ hai là hạn chế xả rác ra môi trường. Sau này cô nghĩ nhiều cách để có thể ít sử dụng túi nilon nhất có thể” - Cô Bảo Hương, năm nay đã 50 tuổi - vui vẻ chia sẻ khi được hỏi về chiếc biển của mình.

Năm 2019, trách nhiệm bảo vệ môi trường còn được cả những cô bán rau ở Sài Gòn vui vẻ lan toả. 

Hãy nhớ về 2019 bằng một nụ cười - Ảnh 5.

Nếu có ai nói rằng con người ngày một tiêu cực và thực dụng hơn, hãy phản bác lại quan điểm đó. Sự tiêu cực là một thứ rất dễ khiến chúng ta chủ quan đắm chìm, và đôi khi sự thật lại tươi sáng hơn những gì ta lầm tưởng. 

Năm 2019 vẫn là một năm mà sự tử tế, lòng nhân ái, tình yêu thương được tiếp nối khắp nơi, với đủ mọi dáng hình.

“Có 100 tỷ trong tay, bạn sẽ làm gì?” 

Hãy nhớ về 2019 bằng một nụ cười - Ảnh 6.

Hãy list ra bằng cả một sự hào phóng xem nào: Mua nhà, mua xe, mua đất, một tủ hàng hiệu, đi du lịch khắp thế giới, đầu tư vào một dự án điên rồ. Nếu có 1 giấc mơ hoang dại nhất, 100 tỷ cũng vẫn giúp bạn thực hiện giấc mơ đấy.

Thế nhưng, với ông Bùi Công Hiệp, một người đàn ông phúc hậu hiền lành ở quận 9, Sài Gòn - thì có 100 tỷ trong tay, ông sẽ đi… xây mái ấm để nuôi các em nhỏ mồ côi.

Sở hữu khối tài sản 100 tỷ sau suốt 1 đời làm lụng, ông Hiệp quyết định dùng toàn bộ số tiền ấy để tạo nên mái ấm Thiên thần. Từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, nhìn cảnh những em nhỏ mồ côi bơ vơ nằm bên vệ đường, ông nguyện rằng nếu có sống sót trở về, làm ăn có tiền thì sẽ xây nên một ngôi nhà dành cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Hàng chục năm sau đó, ông đã gây dựng nên một cơ ngơ to lớn của riêng mình, và vẫn nhớ về lời hứa với chính bản thân mình khi ấy. Vậy là mái ấm Thiên thần ra đời. 

Hãy nhớ về 2019 bằng một nụ cười - Ảnh 7.

Ông Bùi Công Hiệp, người dùng tài sản 100 tỷ để... xây mái ấm cho trẻ em khó khăn.

Ở mái ấm Thiên thần, trẻ em được chăm sóc, được học, được quan tâm và yêu thương bằng tất cả trái tim của một gia đình nhỏ. 

Đã có những lúc mái ấm rơi vào khủng hoảng. Thời kỳ khó khăn, thậm chí ông đã từng được khuyên rằng phải từ bỏ những gì mình đang làm. Thật kỳ lạ, người đàn ông ấy lại rủ rỉ vợ mình… bán đi 1 căn nhà, rồi cũng bán cả cổ phiếu trong một công ty, chỉ để lấy tiền duy trì mái ấm vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn. Trời đất không phụ lòng người, sự hy sinh và kiên trì ấy đã giúp cho các em nhỏ vẫn được sống trong một mái ấm đủ đầy cả về vật chất lẫn tình yêu thương. 

Người ta sẽ lại nói: “Chà, nếu có tiền thì muốn làm việc tử tế cũng dễ thôi.” Vậy để tôi lại kể cho bạn nghe một câu chuyện tử tế của một người… không giàu. 

Ở  Đồng Tháp, người ta kể với nhau câu chuyện về một người đàn bà năm nay đã ngót 61 tuổi, nghèo ơi là nghèo. 17 năm qua, bà cần mẫn… dạy bơi miễn phí cho trẻ nhỏ ở vùng quê mình cư ngụ.

Bà Sáu cắm 4 cây cọc dưới sông rồi chăng lưới làm thành “bể bơi" cho tụi nhỏ. Rồi bà đi từng nhà, vận động bố mẹ cho con mình theo lớp của bà. Sau hơn chục ngày, đám nhỏ biết bơi hết, lớp học của bà tiếng lành đồn xa, năm này qua năm khác được khắp các gia đình tín nhiệm. Đến bây giờ, bà có tổng cộng 7 lớp, chạy show dạy học không hết việc. Thế mà bà chỉ làm miễn phí thôi!

17 năm dạy bơi, bà Sáu Thia đã giúp hơn 3000 đứa nhỏ biết bơi. Hàng ngày, bà giăng lưới, bán vé số để kiếm tiền mưu sinh, nhưng tuyệt nhiên không lấy một đồng học phí của phụ huynh các cháu. “Trời ơi chết rồi còn nghĩ được gì nữa, ai muốn mần gì thì mần. Người ta có gia đình thì phải lo cho vợ con, cha mẹ, còn tui có một mình thì dành tất cả cho mấy đứa nhỏ. Vậy đi, cho lương tâm không buồn phiền. Nghĩ chi sâu xa rồi áp lực, thêm bệnh” - Bà Sáu nghĩ đơn giản vậy đó!

Nhiều khi, việc tử tế chẳng đến từ cái gì quá to tát hay cao xa, việc tử tế chính là từ những điều hồn nhiên, giản dị như thế này thôi cũng đã khiến cuộc sống đẹp hơn nhiều phần rồi.

Hãy nhớ về 2019 bằng một nụ cười - Ảnh 10.

Người trẻ Việt Nam, cứ mỗi ngày lại khiến chúng ta bất ngờ vì sự sáng tạo và tài năng không giới hạn. Không chỉ về học thức, mà còn cả về ý thức tới cộng đồng và hoạt động xã hội.

Là năm đánh dấu sự bùng nổ của trào lưu vlog tại Việt Nam, năm 2019 - chúng ta không chỉ được xem rất rất nhiều những nội dung giải trí thú vị và đa dạng của biết bao cái đầu sáng tạo, mà còn cả những vlog với lượng kiến thức thú vị và quan điểm hay ho.

Có thể kể đến đây hai cái tên như Hannah Lexis và Giang ơi! Nếu như Giang ơi! đã khá nổi tiếng từ trước với loạt vlog quan điểm đời sống, những lời khuyên bổ ích thì Hannah Lexis lại là một cái tên hoàn toàn mới với những vlog học tiếng Anh cực gần gũi. Phong cách nói chuyện phóng khoáng, bất cần nhưng rất hay ho, cộng với những kinh nghiệm học và làm ở Mỹ - Hannah Lexis nhanh chóng thu hút được lượng follower cực lớn chỉ trong vòng 1 thời gian ngắn ngủi.

Ngày 15/9, chung kết Olympia chứng kiến sự đăng quang của chàng trai Trần Thế Trung. Điều đặc biệt ở khoảnh khắc này là, khi bước lên bục nhận vòng nguyệt quế, Thế Trung bật khóc.

Hãy nhớ về 2019 bằng một nụ cười - Ảnh 11.

Sau 19 năm, Thế Trung là người đầu tiên mang vòng nguyệt quế về cho chuyên Phan Bội Châu. Động lực để cậu đi thi rất đơn giản, muốn gửi chiến thắng đến người chị đã mất của mình. "Em và chị cùng nhau theo dõi Đường lên đỉnh Olympia trong nhiều năm qua. Chị cũng là người luôn động viên em cố gắng theo đuổi ước mơ, nhất là khi nhìn thấy anh Phan Đăng Nhật Minh vô địch năm 2017". Thậm chí, Thế Trung từ chối tất cả lời mời vào đội tuyển Quốc gia chỉ để hoàn thành giấc mơ Olympia của mình và chị. Giây phút đăng quang, Thế Trung đã khiến tất cả những ai theo dõi chương trình phải lặng đi vì xúc động trước tình cảm chị em và cả sự quyết tâm của một chàng trai đầy hoài bão.

Năm 2019, chúng ta cũng được nghe về câu chuyện của Khàng A Tủa.

Tủa là 1 trong 4 học sinh giỏi duy nhất ở Mù Căng Chải được chọn lên thành phố đi học. Tủa bỏ học 4 lần, đặt chân vào Bách Khoa rồi lại bước ra vì thấy mình chẳng hợp. Tủa muốn làm một điều gì đó cho người Mông, cho văn hoá đẹp đẽ của dân tộc mình. Bỏ học, Tủa vừa làm thêm ở các nhà hàng, quán ăn để kiếm sống, vừa đi khắp các vùng núi để sưu tầm chuyện cổ tích của người Mông và biên soạn thành một bộ sách. Tủa hy vọng bộ sách này rồi sẽ được chính các thầy cô giáo vùng cao để dạy cho con em người Mông. 

 24 tuổi, Tủa là 1 trong 54 sinh viên đầu tiên của trường ĐH Fulbright Việt Nam với gói học bổng toàn phẩn. Để thuyết phục được hội đồng tuyển sinh với bài luận được dịch từ Google Translate, Tủa đã đặt vào đó tình yêu với bản sắc của văn hoá người Mông, và giấc mơ có thể lan truyền vẻ đẹp của chính dân tộc mình tới khắp cộng đồng. 

Và Tủa đã thuyết phục được Fulbright Việt Nam nhờ giấc mơ rất đỗi gần gũi đó! 

Hãy nhớ về 2019 bằng một nụ cười - Ảnh 13.

Năm ngoái, chúng ta từng nói nhiều câu chuyện về sự thiếu vắng màu sắc văn hoá Việt Nam trong các sản phẩm giải trí. Khi đó, chúng ta nói về việc có biết bao nhiêu tinh tuýtừ văn hoá, từ ẩm thực, từ những câu chuyện cổ tích, từ văn học… không được khai thác trên màn ảnh, trong âm nhạc. Các sản phẩm giải trí ngày một được đầu tư, nhưng lại thiếu đi những gì thuộc về Việt Nam ở trong đó.

Vậy mà năm 2019, chúng ta lại được nhìn thấy một bức tranh hoàn toàn khác.

Để nói về xu hướng giải trí nổi bật nhất trong năm 2019, thì đó chính là văn hoá Việt Nam. 

Chúng ta có Hoàng Thuỳ Linh, “nổ" 1 phát súng dõng dạc đầu năm với hit “Để Mị nói cho mà nghe". Giai điệu hiện đại, bắt tai. Concept văn học Việt Nam mới mẻ, hài hước và tươi sáng. “Để Mị nói cho mà nghe" mở đầu trào lưu đưa văn hoá dân gian vào sản phẩm giải trí một cách mới mẻ và đầy cảm hứng.

Hãy nhớ về 2019 bằng một nụ cười - Ảnh 14.

Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Hoàng Thuỳ Linh tiếp tục “thừa thắng xông lên", mang đến cho chúng ta cả một album “Hoàng" với đầy màu sắc văn hoá và những dáng dấp của người phụ nữ Việt Nam xuyên suốt. Sử dụng những nhạc cụ dân gian, những câu vè, câu ca dao, những điển tích hay câu chuyện đậm đặc văn học Việt Nam, “Hoàng” khiến khán giả phải bất ngờ về sự sáng tạo và duyên dáng, đáo để cả về âm nhạc lẫn ca từ. Đánh giá về mặt chất lượng, “Hoàng" là một album xuất sắc. Đánh giá về sức ảnh hưởng, “Hoàng” là một sản phẩm mà cả thị trường đang khao khát, và thật sự là một điểm sáng chói lọi trong làng nhạc Việt 10 năm trở lại đây.  

Sau “Để Mị nói cho mà nghe”, chúng ta có hàng loạt những sản phẩm khác mang đậm màu sắc văn hoá, văn học. “Anh ơi ở lại" của Chi Pu tạo nên một cú hit vào giữa năm, kể một câu chuyện khác, một góc nhìn khác về Tấm Cám. Trong suốt đêm MV ra mắt, cả mạng xã hội cùng nhau nói về câu chuyện cổ tích tưởng như đã xưa xửa xừa xưa, thích thú phân tích những tình tiết, dẫn dụ cả phiên bản gốc và điều quan trọng là ai cũng tâm đắc khi một tích truyện cũ được làm mới trên nền âm nhạc hiện đại.

Cũng không thể không nhắc đến hàng loạt cái tên khác như “Hết thương cạn nhớ" của Đức Phúc, khai thác câu chuyện Thị Nở - Chí Phèo dưới góc nhìn là mối tình đơn phương của… Lý Cường. Hay Bùi Lan Hương chinh phục khán giả bằng MV “Mặt trăng" đầy duy mỹ và nên thơ, với câu chuyện của Mị Châu - Trọng Thuỷ. Sự đầu tư về mặt hình ảnh, concept, câu chuyện… của các nghệ sĩ, đã mang đến cho khán giả những sản phẩm không chỉ chất lượng mà còn đầy ý nghĩa và cảm hứng với văn hoá dân tộc.

Nói về sự xuất hiện của văn hoá trong âm nhạc, chúng ta lại không thể không nhắc đến cặp bài trùng Jack và K-ICM. 

Cách đây 1 năm, nếu nói bolero với những người trẻ sành điệu, có lẽ bạn chỉ nhận về một cái lắc đầu và bĩu môi. Nhưng đó là trước khi Jack và K-ICM xuất hiện. Sau khi bộ ba hit “Hồng nhan - Bạc phận - Sóng gió" làm đảo điên các bảng xếp hạng và Youtube, những giai điệu đầy chất thơ của miền Tây trở nên quen thuộc với tất cả người nghe nhạc Việt Nam. Bạn sẽ được kiểm chứng điều này khi đứng giữa 1900 - quán bar hot nhất Hà Nội vào một tối cuối tuần Jack và K-ICM đến diễn. Tất cả khán giả ở dưới đồng loạt hát theo từng hit của họ, trên những nền giai điệu mà cách đây chỉ 1 năm thôi, bật ở 1900 có khi bị… rate 1 sao. 

Điều đó không chỉ chứng tỏ cho tài năng và nổi tiếng của bộ đôi này, mà còn là minh chứng cho việc âm nhạc nói riêng và giải trí nói chung có thể truyền bá văn hoá mạnh mẽ ra sao. Hãy nhớ về câu chuyện chúng ta cứ nói mãi trong suốt một thời gian dài, về việc làm thế nào để giới trẻ hứng thú hơn với văn hoá, với lịch sử? Và bây giờ, hãy nhìn chính những nghệ sĩ, những bạn trẻ tài năng đã giải bài toán đó như thế nào? Jack và K-ICM đưa vào những bài hát của mình âm hưởng và câu chuyện của miền Tây, và khán giả đã thích thú, đã mở lòng chào đón những tinh tuý ấy một cách nhiệt huyết và say mê, như cái cách mà hàng trăm bạn trẻ Hà Nội ở 1900 tối hôm ấy đồng thanh hát át của tiếng của bộ đôi trên sân khấu. 

Hãy nhớ về 2019 bằng một nụ cười - Ảnh 16.

Hãy nhớ về 2019 bằng một nụ cười - Ảnh 17.

2019 là năm mà chúng ta chứng kiến sức ảnh hưởng choáng ngợp của Youtube và trào lưu làm vlog. Nếu như trước đây, bạn phải cần rất nhiều thứ để có thể nổi tiếng, để chạm lên những nấc thang cao nhất của mạng xã hội, của việc được biết đến, được yêu quý bởi số đông - thì bây giờ, tất cả những gì bạn cần là một tài khoản Youtube.

Không cần những thiết bị đắt tiền, không cần phải trẻ và đẹp, cũng không cần một tủ hàng hiệu, những chuyến du lịch đắt tiền hay phải ở một thành phố lớn đẹp đẽ, năm 2019, bạn có thể làm vlog ở bất cứ đâu, bằng bất cứ thứ gì kể cả là một chiếc điện thoại từ thời ơ kìa có khả năng quay chụp. Và thế là nhờ sự kỳ diệu của Internet, những đoạn clip từ những con người bình thường nhất, giản dị nhất lại trở nên viral nhất nhờ nội dung thú vị của mình.

2019 - ai cũng có thể làm vlog và ai cũng có thể nổi tiếng nhờ vlog. Hãy nhìn cách bà Tân và những chảo đồ ăn khổng lồ từng bước chiếm trọn nút vàng Youtube chỉ sau một thời gian ngắn ngủi. Có lẽ, trong đời người đàn bà đã trải qua 52 nồi bánh chưng - chưa bao giờ bà nghĩ được mình sẽ nổi tiếng nhất nhì mạng xã hội chỉ nhờ vào những đoạn clip đơn giản được quay bởi con trai mình.

Hãy nhớ về 2019 bằng một nụ cười - Ảnh 18.

Và hãy nói về cả Quỳnh Trần JP cùng bé Sa. Chỉ với sở thích quay vlog mukbang, người phụ nữ Việt Nam ở Nhật này đã thật sự tạo ra một cơn bão. Lượt view trên clip của Quỳnh được tăng theo cấp số nhân, và chỉ mất vỏn vẹn 1 tháng kể từ khi nổi tiếng, Quỳnh đã nhận được nút vàng Youtube.

Vô tiền khoáng hậu và khiến người khác phải phục lăn chính là trường hợp của 1977 vlog. Với loạt clip lấy cảm hứng từ các bộ phim thời xưa, pha vào đó những câu chuyện của thời hiện đại, nhấn nhá bằng loạt câu nói có khả năng viral cực mạnh. 1977 đã trở thành cái tên hot nhất những tháng cuối năm và chiếm nút vàng Youtube chỉ sau… 4 clip. Với đạo cụ là 1 chiếc điện thoại, bối cảnh chính là vườn cây, là căn nhà hoang gần nhà, 3 chàng trai của 1977 đã chứng tỏ rằng: Chỉ với 1 ý tưởng đủ hay và nội dung đủ thú vị thì phương tiện đơn sơ hay vẻ bề ngoài khiêm nhường cũng không ngăn bạn được người khác công nhận.

Hãy nhớ về 2019 bằng một nụ cười - Ảnh 19.

Hãy nhìn lại một lượt những câu chuyện được kể từ đầu bài viết đến giờ, bạn có nhận ra điều gì không? 

Tất cả những con người, những nhân vật ở trên- họ đến từ mọi nơi, mọi độ tuổi, mọi tầng lớp. Bỏ qua sự nổi tiếng, bỏ qua tiền bạc và giàu sang, họ đều có một điểm chung. Đó là họ đã tìm thấy mùa hè trong trái tim mình để thôi thúc họ bước tiếp và dấn thân tạo nên những điều phi thường. 

Hãy nhớ về 2019 bằng một nụ cười - Ảnh 20.

WeChoice 2019 đã chính thức được khởi động. Năm nay, chúng tôi muốn được kể cho các bạn nghe về những sự thay đổi mạnh mẽ và lớn lao trong đời sống - đến từ sự thay đổi của những con người dù bình dị hay trên tột đỉnh vinh quang và danh vọng. 

Chúng tôi mong muốn, các bạn có thể nhìn về 2019 bằng một nụ cười và niềm cảm hứng, để tiếp tục giữ lấy sự lạc quan về niềm tin về một thế giới đang dần tốt đẹp hơn mỗi ngày.

Năm 2019 này, vẫn lại là câu chuyện về những điều phi thường được tạo nên từ những người bình thường, vẫn lại là những câu chuyện về sự kỳ diệu được thắp lên từ chính bàn tay của những người giản dị nhất. Thế nhưng, dường như, cuộc sống càng bận rộn, càng khó khăn, càng nhiều áp lực, thì chính những phép màu, những điều dẫu nhỏ bé nhưng phi thường này, mới càng khiến chúng ta thêm tin vào vẻ đẹp của cuộc sống, của lòng nhân ái, và của chính con người.

Và chúng tôi gọi đó là: Điều phi thường nhỏ bé. 

Hãy nhớ về 2019 bằng một nụ cười - Ảnh 21.

Diệp Nguyễn

Tổng hợp

Jordy

Theo Diệp Nguyễn

Trí thức trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025