Thấy xoài tượng đề giá hai ngàn đồng một trái to tướng mơn mởn, có hôm đánh bạo ghé vào, mới biết, hóa ra chỉ là mấy quả nhỏ xíu quắt queo cũ kỹ mà thôi. Ngày đó, việc đề giá kiểu “1/2” với số hai bé tẹo khó thấy chưa từng phổ biến như bây giờ…
Tôi nhớ bưu điện Phú Nhuận, điểm hẹn ngong ngóng hàng tháng của bọn trọ học xa nhà, cũng là nơi tôi gặp mối tình đầu của mình. Anh đến để lãnh thư chuyển tiền, cũng giống như tôi, gởi bưu thiếp, viết thư cho bạn học trường Bưu chính ở tận Thủ Đức. Chợ Nhỏ ngoài ấy là điểm hẹn trong mơ của cái thuở đi xe đạp, đứng chờ ở trạm xe buýt, một ngàn đồng là giá vé của sinh viên. Rồi thì loanh quanh hú hét chở nhau ngang qua Hồ Đá, uống ly cà phê nhạt, ăn cơm cá nục kho cà, cuối cùng là vặt trộm mít ở cái công viên xâu xấu gần đấy… Thoắt cái, tất cả đã là câu chuyện của hai mươi năm xa vời.
Sài Gòn ngày đó ấn tượng trong tôi khi một lần gọi điện về quê, xong đưa tờ tiền duy nhất mình đang có, mệnh giá năm mươi ngàn đồng, và bị từ chối vì nó bị rách mất một góc. Tôi loay hoay chẳng biết phải làm sao. Cuộc điện thoại thì đã thực hiện rồi, chẳng thể… lấy lại, mà tôi thì không có tiền khác để trả. Bỗng dưng có một chị phụ nữ đứng gần bên đã dúi vào tay tôi tờ giấy bạc, bảo tôi cầm mà thanh toán đi. Khi tôi xử lý xong sự cố của mình, thì chị ấy đã bỏ đi đâu mất, thậm chí cũng không cần lấy lại mấy tờ tiền thối lẽ ra không thuộc về tôi. Ngay cả một lời cảm ơn, tôi còn chưa kịp nói cùng chị.
Kỷ niệm khó quên đó, hai mươi năm qua vẫn còn mãi, khiến cho tôi luôn nhớ mở lòng giúp đỡ ai khác khi có thể. Như một cách để đáp lại ân tình của một người xa lạ đã dành cho con bé sinh viên nhà quê lỡ việc hôm đấy. Cái câu “người Sài Gòn thân thiện phóng khoáng lắm”, càng sống lâu ở mảnh đất này, càng dần thấy thấm…
Hai mươi năm, tôi từ cô bé vừa tốt nghiệp phổ thông lơ ngơ giữa phố thị, đã xong bậc đại học, đi làm, lấy chồng, sinh con, dần dà rành rẽ đường xá xe cộ lẫn nếp sống của người Sài Gòn. Đôi lúc còn tự cho mình là người của thành phố này, mắng ai đó “đừng sống ky bo vô cảm vô duyên như vậy, người Sài Gòn không thế” nếu gặp chuyện bất bình khó coi đâu đó. Kiểu như đã ghé uống trà đá miễn phí bên đường mà còn muốn gỡ luôn cái ca nhôm đính kèm bỏ vào giỏ xách của mình!
Hai mươi năm, tôi đôi lần đi chợ Bến Thành, ghé bến Bình Đông, dạo hồ Con Rùa, ngắm tòa nhà Bitexco rực sáng trong mấy đêm đi công tác xa xôi về trễ. Tôi quen với việc được nhắc gạt chống xe máy nếu quên, nhận được lời cảnh báo rằng đứa trẻ mình chở phía sau đang gà gật muốn ngủ, chẳng hạn. Người ta thơm thảo và hào sảng, như một phần tất yếu của mảnh đất phương nam này vậy.
Sài Gòn hai mươi năm, tôi yêu từng góc phố, từng quán cà phê, từng tiệm cơm bụi, nhà sách, chợ cóc lề đường, của hôm qua và hôm nay. Tiếng chuông nhà thờ Bắc Hà vẫn chưa từng thay đổi, đánh thức tôi mỗi sớm mai ngái ngủ. Con đường Thành Thái nhiều hoa cỏ, tôi vẫn hay tự hào đùa rằng “đẹp nhất Sài Gòn” mỗi độ năm hết tết tới, xuân chạm ngõ. Khắp thành phố đâu đó vẫn có thể bắt gặp cơm Bắc, mì Quảng, bún mắm Bạc Liêu, bánh pía Sóc Trăng hay thậm chí cả kẹo… cu đơ xứ Nghệ. Sài Gòn rộng lòng dung nạp hết. Tôi chuyển từ ngạc nhiên sang thân thuộc. Rồi quyến luyến. Rồi xốn xang mỗi khi phải rời khỏi, dù chỉ vài ngày…
Thành phố đổi thay mỗi ngày, hoành tránh hơn, lộng lẫy hơn, sang trọng hơn, chuyên nghiệp hơn. Đâu đó có ai than rằng, cũng đã xuất hiện vài điều xấu xí đáng buồn hơn. Nhưng tôi biết, thâm tâm người ta vẫn thấy yêu mảnh đất này đến lạ kỳ. Chẳng câu nệ khách sáo, không nhìn đoán người qua cái vẻ bề ngoài, lại hiếm khi phân biệt đối xử, chỉ có chân tình là bền chặt mãi mà thôi.
Hai mươi năm, chẳng biết đã đủ “chuẩn” để gọi là con em của thành phố, nhưng tôi biết mình khó mà xa Sài Gòn cho được. Dẫu có những chiều kẹt xe điên đảo, lô cốt xen nhòa với khói bụi, cũng hoang mang chẳng biết mình đang sống bon chen tất tả như thế để làm gì.
Dù không phải chưa từng có lần muốn dứt áo mà đi, về quê cho xanh tươi nhẹ nhõm, nhưng rồi vẫn thương nhớ lắm. Nhớ đèn vàng ấm áp quán vỉa hè. Nhớ xe bắp nướng, nhớ xoong trứng vịt lộn của cái hẻm “quân khu 7” vẫn hay ngồi với bạn. Nhớ chỗ hay len lén đi coi phim một mình mỗi khi tự cho rằng bản thân tâm trạng. Nhớ cái xó bình yên ngó xuống khoảnh sân rợp nắng mà đôi khi thèm lắng đọng, lại ra đó chui vào. Nhớ khuôn viên chung cư 43 của Phú Nhuận, nơi từng ghi nhớ bao nhiêu là yêu thương gia đình.
Vậy đấy, đâu phải người ta muốn dứt dạt là có thể ngoảnh mặt lại với hai mươi năm, Sài Gòn.
Hoàng My