Chiến tranh đã qua đi hơn bốn thập kỷ nhưng những ca từ trong bài hát “Lá đỏ” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp mỗi khi được ngân vang vẫn còn nguyên giá trị như một biểu tượng bất tử của tình yêu quê hương đất nước.
“Lá đỏ” được xem là bản tình ca lãng mạn hào hùng của cả chặng đường kháng chiến khốc liệt. Với giai điệu trong sáng, tươi vui, khỏe khoắn lời ca giàu hình ảnh, dễ nhớ, dễ thuộc, ca khúc như hồi kèn giục giã tuổi trẻ nô nức trong dòng người chiến thắng…
Hoàng Hiệp được đánh giá là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc cách mạng Việt Nam. Âm nhạc của ông là sự hài hòa giữa âm hưởng dân ca, dễ nhớ, trữ tình lãng mạn, hào hùng cách mạng thể hiện sự lạc quan yêu đời, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, lòng chung thủy, gieo vào lòng các thế hệ thanh niên niềm tự hào dân tộc, niềm tin vững chắc vào sự tất thắng của cách mạng.
Ông cũng là một trong những nhạc sĩ phổ thơ xuất sắc. Tác phẩm “Lá đỏ” được phổ nhạc từ bài thơ của Nguyễn Đình Thi là một ca khúc bất hủ đã đi cùng năm tháng.
“Lá đỏ” được Nguyễn Đình Thi viết trước khi những đoàn quân Việt Nam bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam như một dự báo về ngày toàn thắng của dân tộc. Bài thơ với 58 từ, gói gọn trong tám dòng đã tái hiện trọn vẹn một cuộc hành quân thần tốc vĩ đại của đoàn quân ngày đêm vượt dãy Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai.
Nguyễn Đình Thi đã vẽ nên hình ảnh rất đẹp thơ mộng với “Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ” và người “em gái tiền phương vai áo bạc quàng súng trường”. Người em ấy chính là sức mạnh, là tình yêu quê hương đất nước ở trong anh. Em còn là điểm tựa tinh thần vững chắc để bước chân đêm ngày hành quân của anh trong gian khổ mưa bom bão đạn mà lòng vẫn tràn đầy hy vọng lạc quan.
“Em đứng bên đường, như quê hương
Vai áo bạc, quàng súng trường”
Chiến tranh thật khốc liệt anh và em vừa chỉ mới kịp nhìn nhau thôi đã lại phải vội vã vẫy tay chào để tiếp tục cuộc hành quân đêm ngày thần tốc vượt dãy Trường Sơn tiến về Sài Gòn.
“Đoàn quân vẫn đi vội vã.
Bụi Trường Sơn nhoà trong trời lửa
Chào em , em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”
Lời chào, lời hẹn người em gái tiền phương còn chưa biết tên ấy chứa đựng tình yêu, nhiệt huyết khát khao của tuổi trẻ, của lý tưởng độc lập tự do, của niềm lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Lời ca vang lên như đoàn quân chiến thắng đang trở về từ khắp mọi nẻo đường, tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam.
Chiến tranh đã lấy đi biết bao nhiều mồ hôi xương máu sinh mệnh sống còn. Nhiều người đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ cho ngày đất nước tròn vẹn niềm vui, non sông quay về một mối. Các anh, các chị những chiến sĩ giải phóng quân đã ra đi trước giờ giải phóng.
Trong dòng người vẫy tay trở về ngày chiến thắng đã thiếu vắng nhiều nụ cười...Các anh đã lỡ hẹn với người em gái tiền phương, lỡ hẹn với gia đình quê hương, lỡ hẹn với Sài Gòn…Để người em gái, người vợ, người con, người mẹ hôm ấy đứng ở ven đường mõi mòn mong nhớ đợi tin.
Nguyễn Đình Thi đã vẽ nên một cuộc hành quân thần tốc anh hùng của quân dân ta trên dãy Trường Sơn bằng thơ và Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã chắp cánh cho những vần thơ ấy bay lên khắc họa thêm bức tranh tuyệt đẹp về hình ảnh người lính bộ đội cụ hộ trong chiến tranh.
Nghệ sĩ ưu tú Quang Lý từng chia sẻ với tôi cảm xúc khi anh hát bài hát này. Bài hát chỉ có 4 dòng nhạc mà thành bất hủ. “Gặp em trên cao lộng gió. Rừng trường sơn ào ào lá đỏ/ Đoàn quân vẫn đi vội vã. Bụi trường sơn nhoà trong trời lửa/ Chào em em gái tiền phương ơi em gái tiền phương/ Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn. Cái hay của âm nhạc là ở đó, đơn giản, gần gũi dễ hiểu mà lại rất đẹp và sâu lắng. Giúp cho người nghe vượt lên, rời khỏi những lo toan vất chất đời thường để cảm nhận cái đẹp trong niềm vui và hạnh phúc”.
Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Đình Thi nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã tặng đời những lời ca khúc bất hủ, để mỗi khi nghe lòng người lại rạo rực say mê như được trở về với ngày vui chiến thắng.
Đoàn Xuân