'Sài Gòn' - thổn thức tiếng lòng của những cuộc đời tha hương

08/09/2018 14:05
'Sài Gòn' - thổn thức tiếng lòng của những cuộc đời tha hương

Vở kịch “Sài Gòn” là câu chuyện đa âm sắc, kể lại cuộc đời của những người Pháp, người Việt Nam bị đẩy đưa theo dòng lịch sử trải dài suốt 40 năm. Là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp.

Sau tiếng vang lớn tại Liên hoan sân khấu quốc tế Avignon lần thứ 71, vở kịch Sài Gòn của nữ nghệ sĩ người Pháp gốc Việt Caroline Guiela Nguyen liên tục công diễn và được khán giả chào đón nồng nhiệt tại các nhà hát danh giá nhất trên thế giới. Nhân chuyến lưu diễn quốc tế, Viện Pháp tại Việt Nam đã mời đoàn kịch “Les Hommes Approximatifs” của cô biểu diễn hai suất tại Sài Gòn vào ngày 21 và 22.9 tới đây.

Chợ Bến Thành vào những năm 1960 - Ảnh: Tư liệu

Sài Gòn – Paris, 1956 – 1996

Một quán ăn Việt Nam, bếp ở bên trái, phòng ăn bình dân ở giữa, cây đàn điện bên phải, trong một không gian lấp lánh, nhiều màu sắc, các thực khách đến, ăn uống, hát hò, yêu đương, khóc lóc… Một bối cảnh mang đậm chất điện ảnh! Và trong bối cảnh duy nhất ấy, các nhân vật kể cho chúng ta về cuộc đời của họ với những câu chuyện vượt thời gian và không gian, vừa ở Paris vừa ở Sài Gòn, vừa ở quá khứ vừa ở hiện tại.

Đó là những người Pháp, người Việt Nam bị đẩy đưa theo dòng lịch sử trải dài suốt 40 năm, từ 1956, khi những người Pháp cuối cùng buộc phải rời Việt Nam sau thất bại trong chiến tranh Đông Dương, đến 1996, khi kết thúc cấm vận, và những người Việt kiều được phép trở về nước.

Trả lời câu hỏi của kênh truyền hình TV5, (Pháp) vì sao lại chọn bối cảnh là một quán ăn? Caroline Guiela Nguyen chia sẻ: “Đây thậm chí còn là nơi khởi đầu của dự án này. Thực ra, lúc đầu mọi thứ như một trò đùa. Tôi và nhóm kịch Les Hommes Approximatifs của mình thường xuyên tổ chức các buổi họp ở một nhà hàng Việt Nam. Và tôi tự nhủ, thật điên rồ nếu tưởng tượng ra những câu chuyện diễn ra ở đây. Bối cảnh này cũng rất thoải mái, mọi người tự nhiên ăn, uống, rồi lại có căn bếp cũng là nơi diễn ra nhiều chuyện. Mặt khác, chúng tôi chọn nơi này vì nó gợi cho tôi nhiều chỉ dẫn có yếu tố tưởng tượng, ví dụ như ai sẽ là người kể chuyện”.

Trong hai năm, Caroline và các cộng sự của cô đã đến Sài Gòn và quận 13 của Paris để tìm những lời chứng, những câu chuyện để viết nên “Sài Gòn”. “Các cộng sự trong đoàn của tôi, từ chuyên viên ánh sáng, âm thanh, phối cảnh và cả nhân viên phục trang đã dành nhiều thời gian để cảm nhận Sài Gòn và cả ở quận 13, Paris. Chúng tôi đã đắm chìm trong không khí đó, sắc màu đó, những tiệm karaoke, những bông hoa… Chúng tôi đã nhìn ngắm mọi thứ dưới góc độ thẩm mỹ và trong những câu chuyện kể, và rồi sáng tạo nên trong trí tưởng tượng của mình”.

Và họ đã cùng nhau tạo ra một không gian hoàn hảo, chỉn chu đến từng chi tiết câu chuyện, phân cảnh, thị giác, âm thanh…, một bầu không khí vừa chậm rãi vừa trầm lặng, vừa dịu dàng vừa dữ dội.

“Sài Gòn” - tiếng lòng của những cuộc đời tha hương

Vở kịch du hành giữa năm 1956 và 1996, về mặt không gian, giữa thành phố lớn của miền Nam Việt Nam và Paris. Cô để cho những nhân vật nói lên tiếng nói cá nhân của họ, tự kể câu chuyện riêng tư, thầm kín của đời họ, và câu chuyện ấy, cuộc đời ấy đặc biệt bởi vì nó diễn ra trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của hai đất nước Việt Nam và Pháp…

Đó là chuyện của một cậu con trai với mẹ mình, chuyện những người yêu nhau buộc phải chia ly, chuyện một anh lính Pháp phải lòng một cô gái Việt Nam và đưa cô ấy sang Pháp… Các diễn viên người Pháp, Việt Nam và Pháp gốc Việt đã hóa thân vào 11 nhân vật của Sài Gòn.

Họ là Linh và Edouard, là Hào và Mai, là Cécile, Antoine… - những con người tan vỡ nhưng giữ im lặng chứ không nổi loạn. Những thế hệ con lai mới không được dạy tiếng Việt, bị từ chối nói về quá khứ, về cội rễ vì cha mẹ họ hy vọng nhờ vậy họ sẽ hội nhập tốt hơn. Và dường như là ẩm thực, những món ăn Việt Nam là mối liên hệ duy nhất mà người ta còn cho phép mình chia sẻ với nhau. Và truyền lại…

Vở diễn “Sài Gòn” tại Liên hoan Sân khấu quốc tế Avignon - Ảnh: Christophe/ AFP

Khán giả sững sờ, bàng hoàng và e ngại khi gặp lại trên sân khấu sở thích đối với sự tĩnh lược và một sự tinh tế vô hạn. Caroline Guilea Nguyen đánh thức người chết và làm hồi sinh các bóng ma. Trong quán ăn của Marie-Antoinette, nhiều diễn viên Việt Nam – người thì trẻ, kẻ thì luống tuổi hơn, người thì giỏi kẻ thì vụng hơn – sống và hát cho chúng ta nghe, với vô vàn trìu mến, câu chuyện về sự chia ly, cảnh tha hương, sự bỏ rơi, nỗi cô đơn nhói tâm hồn ta đến tận cùng. Bởi vì câu chuyện thật giản dị, không từ ngữ đao to búa lớn, không bạo lực, không bi kịch, không đam mê thái quá. Mà chỉ là một câu chuyện buồn. Buồn một cách tuyệt vọng. Và tuyệt đẹp. Caroline Guiela Nguyen đã bắt được tinh thần ấy.

Đường phố Sài Gòn vào năm 1956 - Ảnh: Life

Tác phẩm độc đáo mang lại nhiều cảm xúc

“Vở kịch không nhằm mục đích lấy nước mắt của khán giả, mà là một câu chuyện khiến ta có thể khóc cùng. Và lúc này, tôi trở lại với lịch sử. Những giọt nước mắt của mẹ tôi cũng thuộc về lịch sử, địa lý, và cả thuộc về lịch sử nước Pháp” – Caroline chia sẻ sau buổi công diễn đầy cảm xúc của “Sài Gòn” tại Liên hoan Sân khấu quốc tế Avignon hồi tháng 7 năm ngoái. Nước mắt, dường như là một phần không thể thiếu của vở kịch mãnh liệt này.

Nữ đạo diễn Việt kiều Caroline Guiela Nguyen

Dòng ký ức tuôn chảy cùng âm thanh da diết của những bài hát xưa cũ, cả tiếng Việt, cả tiếng Pháp, rồi tan thành những giọt nước mắt của các nhân vật. Bà Trần Nghĩa Ánh trong vai Marie-Antoinette chia sẻ: “Khi đóng vở kịch này, tôi đã tìm lại được những ngày thơ ấu ở Việt Nam, và cả những ngày khi tôi mới đến Pháp. Những giọt nước mắt của tôi, đâu có dễ gì mà có thể rơi rớt đâu, nhưng mà khi đóng vở kịch này, tôi đã khóc rất nhiều".

Bà Trần Nghĩa Ánh (phải) trong vai Marie-Antoinette và Tô Thị Thanh Thư (trái) trong vai Lam

Những hồi ức của quá khứ song hành với hiện tại, ẩm thực và âm nhạc là ba chất liệu chính của vở kịch. Sài Gòn là tên của một nhà hàng Việt vừa ở Sài Gòn năm 1956, vừa ở Paris năm 1996. Đây chính là nơi những câu chuyện về cuộc đời của những người Pháp, người Việt Nam bị đẩy đưa theo dòng lịch sử trải dài suốt 40 năm được sẻ chia.

Vở kịch dài 3 giờ 30 phút, diễn viên thoại bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, phụ đề song ngữ nhưng nó cuốn người xem vào những câu chuyện, xóa nhòa những khoảng cách của ngôn ngữ và đem lại cho người xem những trải nghiệm mạnh mẽ.

Tại Liên hoan sân khấu Avignon vào năm 2017, vở Saigon đã thành công rực rỡ. Có thể là vì Caroline Guiela Nguyen đã có những bước đi rất liều lĩnh. Bằng chứng là cô đã dựng lên một vở kịch phức hợp. Một “trường kịch” đã khiến khán giả rơi lệ khi nghe kể về những câu chuyện gắn với một giai đoạn di dân ít được nhắc đến. Thông qua vở kịch này, khán giả có thể đo được khoảng cách giữa ba thế hệ, từ năm 1956 – thời điểm quân viễn chinh Pháp rời Sài Gòn – cho đến 1996 – thời điểm dỡ bỏ cấm vận, khi hàng nghìn người Việt tại nước ngoài trong đó có mẹ của Caroline đã có thể quay lại thăm quê hương.

Hình ảnh Sài Gòn của thế kỷ trước

Dù là người Pháp, hay người Việt, dù ở tầng lớp nào, tôn giáo nào, khán giả cũng có thể tìm thấy hình bóng mình trong “Sài Gòn”.

“Tôi thấy vở kịch rất hay. Theo dòng lịch sử thì Sài Gòn rất gần gũi với chúng tôi, nhưng cũng lại là một thành phố xa xôi. Các nhân vật đã kể cho chúng ta nghe những câu chuyện cảm động và đầy tính nhân văn mà họ đã trải qua. Họ đã cố gắng vươn tới một cuộc sống tốt đẹp, vượt qua những khó khăn. Và điều đó, ta có thể nhìn thấy ở Sài Gòn, ở Paris”, ông Guy Lallier, một khán giả Pháp chia sẻ sau khi xem kịch tại nhà hát Odéon ở Paris.

Bà Isabelle Nard, khán giả Pháp không giấu niềm xúc động: “Vở kịch khiến cho tâm hồn người xem xáo động, bởi mỗi nhân vật mang trong mình một câu chuyện, một vết thương lòng, một nỗi niềm. Đây thực sự là một vở kịch tuyệt vời và xúc động".

Những câu chuyện này, sự xúc động này, những giọt nước mắt này, có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết được nếu không xem “Sài Gòn” dù cho vở kịch kéo dài tới 3 giờ 30 phút, nhưng không một giây phút nào nhàm chán.

Tiểu Vũ/ Theo Phap.fr


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025