Bà có tính cách độc lập, mạnh mẽ, với nhiều nỗ lực đấu tranh chống lại định kiến xã hội và bảo vệ nữ quyền.
Dưới vai trò diễn viên lẫn nhà sản xuất, Kim Ji-mee đã xuất hiện trong hơn 700 tác phẩm điện ảnh. Nghỉ hưu từ thập niên 1990, thế nhưng cuộc sống riêng của bà hãy còn là chủ đề được bàn luận, khi Kim quyết định ly dị rồi tái hôn giữa giai đoạn xã hội Hàn vẫn giữ sức ép định kiến nặng nề đối với những người phụ nữ từng đổ vỡ mái ấm.
Giờ đây, ở tuổi 79, thành tựu nghệ thuật phi thường của Kim vừa được vinh danh tại LHP quốc tế Busan 2019. Trong khuôn khổ sự kiện điện ảnh quy mô nhất châu Á, nơi 6 bộ phim của bà có lịch trình chiếu, Kim tham dự một chuỗi chương trình tọa đàm. Theo đó, bà chia sẻ về chuyện làm nghề cùng nhiều hồi ức quá khứ thú vị.
Nghệ sĩ kỳ cựu Kim Ji-mee tại LHP Busan (Ảnh: AFP)
“Tôi phải mạnh mẽ.. để không bị chèn ép”, Kim trả lời phóng viên AFP. “Tôi đã buộc phải năng nổ trong mọi mặt cuộc sống. Khi bận nhất, tôi từng góp mặt trong 30 phim cùng lúc. Tôi có con nhưng có giai đoạn chẳng thể ở bên nuôi dạy chúng”.
Bất kể vô số tiến bộ về kinh tế, văn hóa, Hàn Quốc hãy đang tiếp tục hứng chịu điều tiếng như một xã hội bảo thủ. Đến trước năm 2015, quan hệ tình ái ngoài hôn nhân vẫn bị quy kết như hành vi phạm pháp đi kèm nguy cơ án tù.
Kim kết hôn 4 lần, trong giai đoạn mà phụ nữ hậu ly hôn thường phải đối diện sức ép dư luận cũng như tình trạng cách ly, phân biệt đối xử.
Những người chồng cũ của bà bao gồm một nhà làm phim nổi tiếng, một ca sĩ ngôi sao, cựu tài tử đình đám một thời Choi Moo-ryong, người vào thời điểm hẹn hò cùng Kim, đang kết hôn với một phụ nữ khác.
Hai ngôi sao điện ảnh là đôi tình nhân nổi tiếng nhất trong lịch sử xứ Hàn từng bị bắt giam do vi phạm luật hôn nhân. Họ ngồi tù khoảng 1 tuần vào đầu những năm 1960.
Sau đó, cả hai vẫn quyết định tiến đến hôn nhân, dẫu mối quan hệ vợ chồng chỉ kéo dài 6 năm.
“Con người luôn giữ trong lòng nhiều kiểu xúc cảm, và khi cảm xúc thay đổi, tư duy họ cũng đổi khác”, Kim bày tỏ. “Khi cuộc sống hôn nhân không còn suôn sẻ, và bạn nhận ra bạn không thể tiếp tục, tôi nghĩ tốt hơn cả là bạn chọn cách dừng lại. Bạn nên tìm lấy tự do, để hoàn thiện bản thân”.
“Có thời tôi từng gây nên những scandal chưa từng tồn tại ở xã hội Hàn, nhưng tôi nghĩ mình đã lãnh hết trách nhiệm trước mỗi việc tôi làm”, bà hồi tưởng. “Tôi đã sống bằng thái độ đường hoàng”.
Kim lần đầu được phát hiện năm 17 tuổi bởi đạo diễn quá cố Kim Ki-young, người sở hữu hàng loạt tác phẩm màn bạc ghi dấu nay đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều nhà làm phim đương đại sáng giá, bao gồm cả Bong Joon-ho với giải Cành Cọ Vàng mới đây cho dự án ‘Parasite’.
“Kim Ki-young là người khá dị biệt”, nữ nghệ sĩ nói. “Ông ấy thường không đưa ra chỉ dẫn nào cho diễn viên trên trường quay. Khi không thích điều gì đó chúng tôi làm, ông thường chỉ bước ra xa, gãi đầu suy tư”.
“Có những lúc tôi hoàn toàn không chắc một cảnh phim nên tiếp diễn thế nào. Nhưng giờ tôi đã nhận định mọi thứ khác đi. Tôi nghĩ ông ấy là một thiên tài thật sự”.
Kim chuyển từ diễn xuất sang sản xuất phim bằng một số dự án đầu tay gây nên không ít ý kiến chỉ trích, bắt đầu bằng ‘Ticket’ (năm 1986). Trong phim, Kim vào vai chủ một cửa hàng giao cà phê, nơi nhóm nhân viên nữ làm công việc chính là mua bán dịch vụ tình dục.
Để chuẩn bị dàn dựng ‘Ticket’ -- vốn nằm trong số những dự án được trình chiếu tại LHP Busan năm nay -- Kim cùng đạo diễn tài năng Im Kwon-taek dành thời gian khá lâu để phỏng vấn những phụ nữ hành nghề mua vui tại nhiều tiệm cà phê trá hình quanh khu vực cảng Sokcho.
“Chúng tôi trả phí ‘giao cà phê’ để họ có cớ tới gặp chúng tôi ở một khách sạn đoàn phim thuê. Chúng tôi lắng nghe chuyện đời đẫm nước mắt của họ suốt nhiều ngày như thế”. Bà cho biết.
“Khi ấy, toàn bộ đất nước đang hồ hởi trông đợi sự kiện Olympics 1988 diễn ra tại Seoul. Nhưng trái ngược đó là một thực tế khắc nghiệt, khi những phụ nữ bần cùng vẫn bị ép buộc làm công việc mua bán thân xác nhằm kiếm tiền trang trải hằng ngày”.
“Lúc đó tôi rất shock, và là một phụ nữ, tôi đã rất tức giận”.
Trước ngày đầu công chiếu, ‘Ticket’ từng vướng chỉ trích nội dung khi giới chức địa phương lúc bấy giờ quy kết phim “mang tính chất giả tạo” -- đến mức một loạt cảnh quay chính thức phải bị cắt bỏ để tác phẩm được phép ra rạp.
Dự án trước đó của Kim, câu chuyện về một cô gái bán hoa trở thành nữ tu, chưa từng được hoàn thiện do hứng chịu làn sóng phê bình từ giai cấp Phật giáo trong nước, vốn xem đây là một tác phẩm “khiêu khích”.
“Hiện tại, Kim vẫn đang ‘chiếm giữ’ danh hiệu Người phụ nữ đẹp nhất Hàn Quốc trong khoảng thời gian dài nhất”, Jung Mi, nhân viên phụ trách sự kiện LHP Busan 2019, tiết lộ.
“Nhưng quan trọng hơn cả, bà ấy là một phụ nữ được kính nể bởi phong thái tự tin và mạnh mẽ”.
“Ở địa hạt điện ảnh -- nơi thực trạng kỳ thị giới tính được duy trì theo cách đặc biệt tiêu cực tới tận ngày nay -- Kim luôn giữ vững vị thế, tầm ảnh hưởng, và dẫu đã nghỉ hưu, bà chưa từng bị xem là người ngoài cuộc”.
Nữ nghệ sĩ từng dẫn đầu một nhóm nhà làm phim đấu tranh cho nhân quyền vào thập niên 1990, và mối quan hệ thân hữu rộng khắp của bà bao gồm một số nhân vật quan trọng như cựu tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung, người từng nhận giải Nobel Hòa Bình năm 2000.
“Đến giờ, tôi vẫn giữ hoài bão trong tôi”, Kim nói. “Bất kì điều gì đàn ông làm được, phụ nữ cũng có thể làm được”.
Như Ý (theo AFP)